Cái nhìn lạc quan của người thi sĩ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2020 | 7:37:00 AM

YênBái - “Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lý không?”, là câu hỏi lửng lơ, trả lời cũng được, mà không trả lời cũng không sao. Chỉ biết rằng thiên nhiên là vậy, con người trước thiên nhiên là vậy! Cái sự “chẳng hiểu” kia, ẩn chứa điều biết và điều không cần biết, cái cần nói và không cần nói. Đó là cái riêng có của tính người, của tư duy thi sĩ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lý không?
                                          
                                        (Tặng TT thân mến) 

Hoàng Thế Sinh

Em vẫn đi con đường ngang thành phố,
con đường qua bao lầu son gác tía,
con đường qua mưa nắng tơi bời...
 
Em đã teo tóp đi ngay giữa dòng đời,
đã khô nhựa của một thời khao khát,
em tự cho mình không còn gì để mà hiến dâng,
không còn gì đợi chờ ở chân trời phía trước,
mắt em nhìn khủng khiếp, cái màu đen thăm thẳm suy tư.

Tôi tìm đến em một buổi chiều mưa,
em đón tôi bằng cái tình gió bấc,
nhẽ ra tôi chẳng đến lại hơn,
mặc em buồn hay là em khóc,
cho vơi đi nỗi đau khổ trong lòng.
tôi tránh nhìn vào mắt em như tránh cơn giông
và lặng lẽ trước em như cái bóng.
 
Em tiễn tôi về,
im lặng,
chỉ có giàn thiên lý khẽ rung,
giàn thiên lý qua đông gió lạnh lùng bứt lá,
thân trụi trơ gầy guộc dưới mưa phùn,
Mùa xuân về lại nảy chồi lấm chấm xanh non.
 
Lời bình của Ngọc Bái:

Tâm trạng của mỗi người là yếu tố cần thiết của thi ca. Bài thơ giàu tâm trạng thường nghiêng về phía trữ tình mà người làm thơ gửi gắm. Tâm trạng của tác giả, của thơ, được trải dài theo tuyến tính của thời gian, của thế sự. 

"Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lý không?”, là câu hỏi lửng lơ, trả lời cũng được, mà không trả lời cũng không sao. Chỉ biết rằng thiên nhiên là vậy, con người trước thiên nhiên là vậy! Cái sự "chẳng hiểu” kia, ẩn chứa điều biết và điều không cần biết, cái cần nói và không cần nói. Đó là cái riêng có của tính người, của tư duy thi sĩ.

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” ?! Cảnh tượng "con đường qua mưa nắng tơi bời” và "chiều mưa” và "tình gió bấc”, gợi nỗi buồn da diết, nỗi buồn thiên thu không gì khỏa lấp. 

Thế Sinh đã mượn thiên nhiên làm thi liệu để nói tâm trạng đời người, để ngẫm về muôn mặt cuộc sống, để trải lòng tâm sự. Phải là người nhập thế, luôn để tâm tới những biến cải tự nhiên, mới có những câu thơ "thăm thẳm suy tư”. 

"Em vẫn đi con đường ngang thành phố”, mở đầu cho bài thơ, mở đầu cho con đường sẽ đến, để liên tưởng về những gì đã qua và những gì đang "chân trời phía trước”. Em vẫn đi! Cuộc hành trình về phía trước không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là sự khẳng định. Em vẫn đi! Vẫn đi! Vẫn đi! Những gì đáng cho qua thì cho qua! Tâm trạng dẫn dắt, đồng hành với người làm thơ:

Tôi tìm đến em một buổi chiều mưa
em đón tôi bằng cái tình gió bấc

Hai câu thơ hai trạng huống. "Chiều mưa” và "tình gió bấc” như thể nỗi buồn đồng điệu. Người làm thơ đã khéo tạo hoàn cảnh cho nỗi lòng người đang ngổn ngang xao động. Quan sát và rung cảm là phẩm chất cần thiết của thi sĩ. Thế Sinh đã dừng lại bên giàn thiên lý để thiên nhiên nói hộ:

Im lặng
chỉ có giàn thiên lý khẽ rung
giàn thiên lý qua đông gió lạnh lùng bứt lá
thân trụi trơ gày guộc dưới mưa phùn

Vô thanh thắng hữu thanh chính là chỗ vi diệu của thi ca! Và tinh thần lạc quan thấm đẫm trong câu "Mùa xuân về lại nảy chồi lấm chấm xanh non”, báo hiệu một tương lai gần tất yếu. Đó là cái kết có hậu trong "Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lý không?”.
Ngọc Bái

Các tin khác
Phần thi văn nghệ cổ động của Đội tuyên truyền lưu động thị xã Nghĩa Lộ.

Hội thi tuyên truyền lưu động (TTLĐ) tỉnh Yên Bái định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần đã trở thành sân chơi bổ ích, nơi các tuyên truyền viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ, phát triển chuyên môn liên quan đến hoạt động tuyên truyền. Hội thi năm 2020 được đánh giá công phu, chất lượng chuyên môn cao, truyền tải nhiều thông điệp sát thực cơ sở.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát xuất bản “Nhật ký phi công tiêm kích” để tri ân đồng đội.

Giữ kín những trang nhật ký suốt mấy chục năm, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân vừa tập hợp in thành cuốn Nhật ký phi công tiêm kích. Ông trò chuyện với phóng viên báo chí về cơ duyên công bố những trang sử vàng thế hệ phi công anh hùng.

Các hội viên nhận Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2020.

Sáng 17-12, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2020 cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong năm.

Mẫu tem chân dung nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven.

Nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Ludwig van Beethoven, để tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến của ông cho nền âm nhạc, nghệ thuật của nhân loại, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát hành bộ tem "Ludwig van Beethoven (1770-1827)".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục