Vừa tham gia Chương trình Du lịch về miền đất Ngọc lần thứ II, năm 2020 về nên trong ngôi nhà sàn của gia đình anh Nguyễn Văn Sức và chị Nguyễn Thị Dịu ở thôn 7 Nà Quành, xã Mường Lai vẫn còn nhiều sản phẩm đan lát thủ công.
Chị Dịu vui lắm khi những kiến thức, kỹ năng đan lát của mình được phô diễn, được mọi người đánh giá cao về chất lượng sản phẩm do mình làm ra. Những sản phẩm như chiếc làn, ớp, điêng, quàng với những hoa văn hình quả trám, hoa hồi khiến mọi người mê mẩn cũng đem tới cho chị Dịu cảm giác vui và tự hào về nghề thủ công truyền thống của dân tộc Tày Mường Lai.
Chị Dịu tâm sự: "Mình bắt đầu học đan từ lúc 15 tuổi, năm nay thì mình đã 55 tuổi. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất mà bố mẹ đã truyền dạy cho mình kỹ thuật đan các vật dụng từ tre, nứa, giang như: xỏng để đựng rau, chóng để đựng gạo, thát để trải sàn, quây gánh lúa…”.
Ngồi bên chị Dịu, anh Nguyễn Văn Sức góp chuyện: "Trước đây, khi cuộc sống khó khăn, chưa có các vật dụng được sản xuất hàng loạt như ngày nay thì với người Tày địa phương ai cũng biết đan lát. Thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Thanh niên khi ấy cũng lấy đan lát làm vui”.
Ở Yên Bái, người Tày cư trú chủ yếu ở huyện Lục Yên. Nơi đây, người Tày có lịch sử cư trú lâu đời. Đan lát là một hoạt động thủ công truyền thống tiêu biểu, đặc sắc, một đặc trưng mang tính tộc người. Do canh tác nương rẫy nên nghề đan lát nhất là đan các dụng cụ đựng đồ rất phát triển và trở thành nghề truyền thống. Ngoài phục vụ trong sinh hoạt gia đình, người dân còn đem các sản phẩm này xuống chợ vùng thấp đổi lấy vải vóc, quần áo, trang sức cá nhân...
Người Tày cư trú ở huyện Lục Yên có truyền thống văn hóa đặc sắc, phong phú. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể như kiến trúc nhà sàn, nghề thêu… đến các yếu tố văn hóa tinh thần độc đáo như các lễ hội, các nghi lễ trong cộng đồng, hệ thống tri thức dân gian, tiếng nói… luôn được người dân trong cộng đồng có ý thức bảo tồn. Xuất phát từ đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày, trong quá trình giao lưu văn hóa, người Tày đã sáng tạo ra những tác phẩm kiệt tác như: khảm hải, các bài khắp, coọi, hát quan làng, phong slư… có giá trị nhân văn sâu sắc.
Với kho tàng văn hóa dân gian phong phú của dân tộc mình, ở Lục Yên, nhiều người đau đáu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Tày truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Chị Chu Thị Sinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Lai - người được đào tạo chuyên ngành văn hóa - thông tin và luôn có sự quan tâm tìm hiểu về văn hóa dân gian Tày cho biết: "Sống trong cảnh sắc thiên nhiên nên thơ cùng với khả năng ngôn ngữ phong phú và xuất phát từ đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày mà khắp, coọi của người Tày có nội dung rất phong phú. Thông qua khắp, coọi, tình yêu quê hương, đôi lứa, tình yêu cuộc sống, lao động được lan tỏa, góp phần xua tan mệt nhọc trong lao động, khó khăn trong cuộc sống”.
Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Mường Lai, chúng tôi tới thăm ông Hoàng Quang Nhạn ở thôn 8 - Nà Chùa. Qua chín bậc cầu thang, trong căn nhà sàn đã trên 40 năm tuổi, bên khung cửa nhìn ra cánh đồng Nà Chùa, ông Nhạn rất tự hào khi dân tộc Tày của mình có kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Phần lớn thời gian cả cuộc đời mình ông Nhạn dành để sưu tầm, truyền dạy những bài khắp, lượn, bụt, phong slư… của dân tộc mình.
Trong chiếc tủ nhỏ cũ kỹ được kê trong nhà, ông Nhạn có đến hàng trăm đầu sách, vở, tài liệu sưu tầm về những làn điệu dân ca của người Tày. Cho tôi xem một số cuốn như: "Khắp Cọoi Tày cổ”, tài liệu được ông sưu tầm và dịch thuật, "Hát vỉ quan làng người Tày Lục Yên” (lời cổ), "Lượn bụt Mường Lai”, "Lượn bụt Tày cổ”…, hầu hết là viết tay, nhiều cuốn dày đến 300 trang.
Ông Nhạn cho biết: "Những tài liệu tôi sưu tầm phần nhiều là hát giao duyên mà mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể hát được. Chỉ tiếc là đến giờ tôi chưa truyền dạy hết được cho thế hệ sau”.
Người Tày ở huyện Lục Yên chiếm 53,3% dân số toàn huyện. Đây cũng là cư dân bản địa. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Tày Lục Yên được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Trong tổ chức các hoạt động lễ hội, huyện khuyến khích nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt là phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, người cao tuổi tổ chức sưu tầm, phổ biến những nét đặc sắc trong văn hóa người Tày tại các lễ hội được tổ chức trên địa bàn.
Ông Phùng Trung Hải - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên chia sẻ: "Lục Yên là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống, nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người Tày Lục Yên còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán và duy trì bền vững trong đời sống cộng đồng”.
Văn hóa dân gian là "văn hóa gốc”, là cội nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức của văn hóa dân tộc. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Xin trích lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phần kết của bài viết: "Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn…”.
Trong quá trình giao lưu văn hóa Kinh - Tày, Hán - Tày, nhiều cốt truyện đã được chuyển thể sang Nôm Tày như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa... đồng thời, người Tày đã sáng tạo ra những kiệt tác như khảm hải (vượt biển), nhiều bài khắp, cọoi, phong slư, bụt, hát quan làng (hát đón dâu) có giá trị nhân văn sâu sắc.
Ông Hoàng Quang Nhạn dành phần lớn thời gian của đời mình sưu tầm, biên soạn những làn điệu dân ca của người Tày. |
Thành Trung