Ông quan niệm, đọc lời bình, thuyết minh phim cũng giống như một cuộc rong chơi với con chữ, lúc thư thả, bềnh bồng khi lại dồn dập, gấp gáp theo mạch văn, để rồi sau cuộc chơi ấy, người nghe thấy có cả nhạc, cả thơ và cả chất đời bên trong.
1. Nghệ sĩ Lê Chức sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hải Phòng. Cha ông là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lê Đại Thanh. Mẹ của ông tuy không là nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng đam mê đóng kịch và là người đầu tiên thể hiện thành công hình tượng người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu kịch Hải Phòng năm 1956.
Theo nghệ sĩ Lê Chức thì giọng đọc của mình có được hôm nay là do thừa hưởng từ cả cha và mẹ. "Cha tôi giọng hay lắm, mẹ tôi cũng vậy. Họ đều là những trí thức, sử dụng thành thạo tiếng Pháp nên cách phát âm tiếng Việt rất chuẩn. Chất giọng của mẹ tôi vừa khỏe lại vừa trầm ấm, vang ngân, truyền cảm. Mỗi khi bà cất giọng nói, chất giọng mềm ấm phát ra vô cùng cuốn hút”, ông nhớ lại.
Thừa hưởng chút "vốn liếng” của cha mẹ truyền cho nhưng để trở thành người có giọng đọc được nhiều người biết đến như hiện nay với NSƯT Lê Chức còn là chữ duyên.
Ông kể lại, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, mỗi khi có đoàn đại biểu cấp trên đến thì các thầy thường đề nghị: "Hôm nay Chức trả lời nhé!”. Sau này, khi học các trích đoạn về sân khấu, các thầy thường chọn Lê Chức đọc lời của các nhân vật trong trích đoạn đó. Và cứ như định mệnh, đến năm 1965, giọng nói của ông đã thực sự được phát huy khi ông theo học diễn viên rồi nhanh chóng trở thành diễn viên chính của Đoàn Kịch nói Hải Phòng.
Trong suốt 15 năm công tác tại đây, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vai diễn như: Hoài "sữa” trong vở "Chiều cuối” của đạo diễn Dương Ngọc Đức, Víchto trong vở "Masa”, vai Êdốp trong vở "Con cáo và chùm nho”, vai Bí thư Xôlômakhin trong "Biên bản một cuộc họp Đảng ủy”, vai Trung úy Nguyễn Thế Kỷ trong vở "Cửa mở hé”…
2. Người ta gọi NSƯT Lê Chức là "người có giọng đọc vàng”, "giọng đọc huyền thoại” của ngành sâu khấu, truyền hình nước nhà có lẽ cũng không quá lời. Ông luôn quan niệm, những con chữ viết ra luôn có chiều sâu tâm hồn và chiều rộng cảm xúc của chính tác giả, trách nhiệm của những người thể hiện con chữ đó bằng thanh âm là phải chạm tới "phần hồn" của con chữ, đưa lời đọc đạt tới sự thăng hoa nhất.
Với tinh thần làm việc tỉ mỉ, nghiêm túc, luôn tự đổi mới mình, Lê Chức luôn tạo ra nét riêng độc đáo, khó nhầm lẫn với những người khác. Theo ông, muốn tạo ra nét riêng ấy, trước hết người nghệ sĩ phải hiểu được giá trị của ngôn ngữ, giá trị văn học ẩn sâu trong những con chữ, sau đó mới nói đến tình yêu với tiếng Việt, trách nhiệm đối với cái đẹp của tiếng Việt.
Tuy nhiên, đó là công việc không dễ, đòi hỏi sự kỳ công, tinh thần khổ luyện không ngừng, bởi thế, không lạ khi đã ở tuổi 74 và đã trở thành một nghệ sĩ có giọng đọc nổi tiếng nhưng ngày ngày ông vẫn chăm chỉ luyện giọng.
Ông từng bộc bạch: "Tôi hay nói một mình lắm. Tôi hay tưởng tượng ra một đề tài nào đó và nói về đề tài đó ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Tôi còn thường dành thời gian rảnh để rèn luyện khẩu hình, miệng và lưỡi luôn luôn hoạt động. Ngoài ra, mỗi đề tài văn học khác nhau đòi hỏi một cách đọc khác nhau và điều đó đòi hỏi tự tôi phải tạo ra những cảm xúc tương ứng”.
Nghệ sĩ Lê Chức cho rằng công việc đọc đã mang lại cho ông nhiều kiến thức và theo ông, đó cũng là một cái "lãi” của nghề. Ông cũng là người luôn giữ cho mình quy tắc nghề nghiệp, đó là không bao giờ đọc quảng cáo giới thiệu sản phẩm dù tiền thù lao có cao đến mấy. Bởi ông nghĩ rằng, mình là một giọng đọc chính luận đã có thương hiệu, và khán, thính giả đã quen giọng ông trong các chương trình lớn của Đảng, Nhà nước thì không thể xuất hiện trong những clip quảng cáo được.
Đó là danh dự nghề nghiệp và lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Bởi thế, đã có những chương trình, khi ông đã vào phòng thu nhưng bên đối tác muốn chèn một bài giới thiệu thương hiệu hay quảng cáo cho một sản phẩm nào đó, ông đã không ngần ngại đứng dậy ra về.
3. Bên cạnh việc sở hữu "giọng đọc vàng”, Lê Chức còn là một nghệ sĩ đa tài khi ông là tác giả, đạo diễn của đủ các loại hình kịch hát dân tộc như chèo, cải lương, kịch nói... Với vai trò đạo diễn, ông đã dàn dựng hai tác phẩm âm nhạc thanh xướng kịch lớn cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là "Hoa Lư - Thăng Long, bài ca dời đô” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho, và "Định mệnh bất chợt” của nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt Nguyễn Thiện Đạo.
Ông cũng từng được trao giải Nhì Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 1996 cho kịch bản thơ - múa "Hoa ấy - Tình yêu” cùng với Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Long.
Thừa hưởng niềm đam mê và năng khiếu của người cha, một góc tâm ông còn dành cho văn thơ. Tính đến nay ông đã xuất bản 4 cuốn sách, đó là tập thơ "Từng ngày của mặt trời”, vựng tập thi họa "Lê Hoa”, kịch thơ "Lê Chức - những trang đời sân khấu” và tập thơ "Một thinh không”.
Ông từng định nghĩa thơ ca bằng những câu thơ giàu hình tượng và hấp dẫn thế này: "Những lúc phải nghĩ nhiều/ Thơ là cuối cùng chia sẻ/ Mặt giấy trắng/ Cuộc hành hình trắng/ Tôi nổ chữ vào tôi”.
Sau khi nghỉ công tác tại Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sau 15 năm giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Sáng tác, nghệ sĩ Lê Chức giờ đây đã chủ động hơn khi cộng tác với các lớp giảng dạy kỹ thuật biểu diễn, đạo diễn, sáng tác kịch bản và các lớp MC (người dẫn chương trình).
Ông cặm cụi làm nghề và truyền nghề để tìm kiếm "truyền nhân" vì một trăn trở: "Không biết còn được bao nhiêu năm nữa để sáng tác và cống hiến". Có lẽ, cũng bởi suy nghĩ ấy mà ông chưa bao giờ có ý định nghỉ ngơi. Là một người "trót mang phận con tằm rút ruột nhả tơ”, với ông, công việc như đã là máu thịt, là hơi thở, là cuộc sống, tình yêu.
*** Đạo diễn, NSƯT Lê Chức (tên đầy đủ là Lê Đại Chức) sinh năm 1947 tại Hải Phòng, quê gốc ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ông từng giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như: Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Gần đây nhất, vở rối "Thân phận nàng Kiều" (đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng) do ông và nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản đã đoạt 10 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 (4 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc) và được công diễn tại Nhà hát Lớn, rạp Hồng Hà (Hà Nội) nhân dịp tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020).