Với quan niệm "trần sao, âm vậy”, sau một năm làm ăn vất vả, bận rộn, đến tết, hầu hết các gia đình đều mua sắm đồ lễ để dâng cúng tổ tiên, đất trời, trong đó không thể thiếu hàng mã.
Tại chợ Ga Yên Bái - một trong những chợ đầu mối lớn nhất tỉnh, các quầy bán đồ mã đều tràn ngập hàng hóa, đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, kích cỡ. Người đến mua hàng vào ra tấp nập. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, mặc dù kinh tế năm nay khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân đã cắt giảm chi tiêu, song độ "thoáng" trong mua sắm hàng mã cho người cõi âm vẫn không giảm. Thậm chí xu hướng sắm đồ hiệu, đắt tiền còn cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan - một chủ cửa hàng bán đồ mã tại chợ Ga Yên Bái cho biết: "Ngày càng có nhiều người muốn mua đồ mã có chất lượng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngoài các mặt hàng bình dân làm bằng chất liệu giấy thông thường, chúng tôi còn nhập các mặt hàng làm từ chất liệu giấy đặc biệt có giá thành cao hơn”.
Hiện tại, những đồ mã "hàng hiệu” như: ô tô, nhà lầu, xe hơi, ngựa, voi với kích thước lớn đang có giá lên tới tiền triệu. Ngoài việc giá đắt, đáng lưu ý, trên thị trường còn xuất hiện một số loại đồ mã không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, thậm chí là phản cảm như: quần áo tắm, đồ lót… đã tạo nhiều dư luận thiếu tích cực.
Ở nước ta, tục đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành tín ngưỡng của người Việt Nam. Tục đốt vàng mã diễn ra trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội như: động thổ xây nhà, cúng sao, giải hạn, ma chay… Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc đốt vàng mã chỉ là thói quen, làm theo phong trào, áp dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa. Do đó, đã mua và đốt rất nhiều, không chỉ tốn kém, lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí (ô nhiễm nhiệt, khói, bụi...).
Trước thực trạng này, từ ngày 1/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Nghị định quy định người dân đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị phạt tiền, việc rải vàng mã trong đám tang cũng sẽ bị xử phạt. Năm 2013, tại Điều 15, Nghị định 158/2013 của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh các quy định này.
Song đến nay, "phép vua thua lệ làng”, người dân vẫn vi phạm. Dạo quanh một số khu dân cư trên địa bàn tỉnh vào những ngày cuối năm, hiện tượng các hộ gia đình thực hiện "hóa vàng” ngay trước cửa nhà, trên hè phố, dưới gốc cây vẫn diễn ra phổ biến. Việc làm này mặc dù đã được cán bộ ở một số khu dân cư nhắc nhở, song không thể xử phạt vì thiếu chế tài, do đó chủ yếu trông vào ý thức người dân là chính.
Thực tế, câu chuyện đốt vàng mã đã có từ lâu và năm nào cũng trở thành chủ đề được bàn luận, song dường như chưa đủ để thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân. Đặc biệt, trong kinh Phật không hề nhắc đến chuyện đốt vàng mã cho người âm. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng khẳng định việc đốt vàng mã tùy tiện và phô trương là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và không đúng với tinh thần phật giáo.
Để hạn chế gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, thời gian tới, cùng với tích cực tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt đồ mã tràn lan, các địa phương cũng nên kiểm soát, khuyến nghị các cơ sở kinh doanh đồ mã hạn chế kinh doanh những mặt hàng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc; các lực lượng chức năng nên tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội; các gia đình cần đốt vàng mã đúng cách, đốt trong các lư hương, thùng, đỉnh làm bằng vật liệu không cháy, không đốt tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường dễ gây nguy cơ cháy nổ, góp phần đảm bảo cho các gia đình được đón tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
Trần Hồng