Mường Lò là miền đất giàu truyền thống văn hóa, xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt, trong đó, đậm đà nhất chính là bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Xin giới thiệu một vài nét văn hóa truyền thống của Nghĩa Lộ - Mường Lò đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Tết Xíp xí
Lễ hội dân gian là một phần thiết yếu trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người Thái vùng Mường Lò, theo chu kỳ một năm, đồng bào có nhiều lễ hội lớn mang tính chất cộng đồng làng bản như: lễ "Xên bản, xên mường, xên đông”, lễ hội "Cầu mưa”, lễ hội "Xuống đồng”, lễ hội "Xên lẩu ló”, lễ hội "Xé then”… cho tới các lễ hội trong phạm vi gia đình như các nghi thức cúng vía "Tám khuôn”, các lễ cúng ruộng "Tám tế na”, cúng vía trâu "Tám khuôn quai” hay các nghi thức khác liên quan tới thờ cúng tổ tiên và các nghi thức gia đình mà trong đó tết "Xíp xí” rằm tháng Bảy là một trong những tết lớn nhất của người Thái ở Yên Bái thể hiện tình yêu quê hương, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình và nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản.
Ở phần lễ, đầu tiên là nhớ đến đất trời cho mưa thuận gió hòa, nhớ đến ông bà tổ tiên phù hộ độ trì. Cúng "Nà Hoóng" (cúng trong nhà) và cúng "tế ná" (cúng ruộng). Đồ vật cúng gồm: thịt, rượu, "khẩu cắm" (cơm nếp nhuộm màu), bánh chưng gù.
Tết Xíp xí thường không thể thiếu "nhớ tu pết" (thịt vịt). Vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, đời sống sản xuất của con người. Với phần hội, người Thái vui chơi ca hát "khắp chúc muôn" (hát chúc mừng), "khắp khoắm son cún" (hát dạy làm người), "khắp long te" (hát bè trên sông), "khắp báo sao" (hát trao duyên), hát lúc ăn uống, lúc thăm nhau. Chủ nhà với cây đàn "tính tẩu" (đàn bầu người Thái) có thể giãi bày tình cảm, ngôn từ mộc mạc, âm thanh réo rắt, làm cho bữa tiệc không còn là say rượu mà say tình, say nghĩa.
Kiến trúc nhà sàn
Nhà sàn của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu hồi - "tụp cống" khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa. Nhà người Thái cổ bao giờ cũng có hai cầu thang: "Tang chan" và "Tang quản". "Tang quản" ở đầu nhà - cầu thang dành riêng cho nam giới - thường có 7 bậc ứng với 7 vía. "Tang chan" ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống.
"Chan" là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời. Đây là nơi các mẹ, các chị, các em... thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa, cầu thang này bao giờ cũng mang số lẻ, thường là 9 bậc, ứng với 9 vía. Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ…
Nhà người Thái đen trên có "khau cút". Khau cút gồm nhiều loại như: Khau cút chim, Khau cút tảu, Khau cút pụa nọi, Khau cút pụa luông, Khau cút lai bua. "Khau cút" vẽ vân sen/ đầu kèo vẽ vân én/ mái nhà xén bằng dui - đã trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái đen Tây Bắc.
Trên bậu cửa sổ thường chạm hình đôi thuồng luồng - linh vật làm chủ sông, suối, biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc. Trên các chấn song cửa sổ chạm các hoa văn, họa tiết mô phỏng thiên nhiên theo hình đối xứng hoặc lặp lại. Đó là những hình thoi như quả trám, hoa ban, búp cây guột…
Nhà sàn người Thái trắng thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Gia đình người Thái thường có 3 đến 4 thế hệ chung sống đầm ấm. Ngày nay, mỗi gia đình thường có từ 1 đến 3 thế hệ.
Đây là nơi chứng kiến buồn vui của bao thế hệ để rồi mỗi người hiểu thêm về quá khứ, hiện tại và tương lai, trân trọng, nâng niu những tài sản vô giá cả về vật chất lẫn tinh thần đã trở thành truyền thống tốt đẹp và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng.
Áo cỏm
Người Thái còn tự gọi mình là "Táy”, "Táy Khao” là Thái Trắng, "Táy Đăm” là Thái đen. Để phân biệt "Táy Khao” và "Táy Đăm” chủ yếu dựa trên trang phục của phụ nữ và các đặc điểm về văn hóa truyền thống. Người Thái là một trong những dân tộc được xem là khá cầu kỳ trong ăn mặc, ngay từ nhỏ các bé gái đã được mẹ hướng dẫn thắt "Xài ẻo” để lớn lên có cơ thể "Eo kíu Meng Po” (thắt đáy lưng con tò vò). Người Thái mặc áo cỏm và váy dài, trang phục, trang sức của người Thái Mường Lò rất đặc sắc. Hàng khuy bạc hay kim loại đã làm cho áo cỏm thành chiếc áo đặc trưng của bộ nữ phục Thái.
Theo quan niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo xửa cỏm là tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống. Áo cỏm người Thái trắng thường may bằng vải bông màu trắng, cổ xẻ chạy xuống theo hình chữ V.
Còn áo cỏm người Thái đen may bằng vải chàm đen, cổ áo đứng 3 phân ôm khít lấy cổ. Ngoài ra, trong các ngày hội vui, thiếu nữ Thái trắng thường đội khăn trắng hoặc nón Tát rộng vành, thiếu nữ Thái đen đội khăn piêu. Nón Tát và khăn piêu đều mang đậm sắc thái văn hóa, làm tăng vẻ duyên dáng của các cô gái Thái.
Hấp dẫn các món ăn từ cá
Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng, nhất là món thức ăn nướng. Từ các loại cá, người Thái đã chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, có hương vị riêng và đặc biệt hấp dẫn. Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt.
Món "pỉnh tộp” cũng là cá nướng nhưng thường dùng bằng cá to như chép, trôi, trắm... được mổ lưng, để ráo nước sau đó được xoa một lớp muối rang nổ; tẩm thêm ớt tươi nướng, nghiền nát và mắc khén. Sau đó, người ta để cá ngấm gia vị và cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn của mắc khén, khi ăn có vị ngọt của thịt cá, vị cay của ớt lẫn vị thơm nồng của mắc khén. Món "pỉnh tộp” được dùng để uống rượu rất độc đáo.
Cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ. Món "pa giảng” là cá hun khói. Do đặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách đến chơi nhà mà chợ thì xa, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm sau đó rót rượu mời khách cùng nhâm nhi. Dưới nhà bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao.
Thành Trung