Nam diễn viên đã qua đời vào chiều 28-2 vì mang nhiều bệnh nặng. Ông bị bệnh gout rất nặng. Cũng vì bệnh tật, ông sớm rời xa sân khấu và màn ảnh khi tuổi đời, tuổi nghề đang ở độ chín.
NSƯT Đức Trung - ông già đầu bạc nổi tiếng trên truyền hình, "sếp" cũ của nghệ sĩ Văn Thành trong nhiều năm kể từ khi Văn Thành về công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ năm 1986 - không khỏi xúc động trước cảnh người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh.
Nghệ sĩ Đức Trung kể Văn Thành tên thật là Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1962 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa 1 (1980-1985) Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội và về công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ năm 1986, cùng lứa với Chí Trung, Lê Khanh, Minh Hằng, Lan Hương…
Theo nghệ sĩ Đức Trung, Văn Thành là một gương mặt sáng của sân khấu phía Bắc, được đào tạo bài bản. Bởi cùng thời với lứa diễn viên gồm nhiều người tài năng, cùng với cuộc sống gia đình rất vất vả khi có con trai không khỏe mạnh và bản thân ông cũng mang nhiều tật bệnh nên không có nhiều cơ hội tỏa sáng.
Đến năm 2015, ông phải xin nghỉ hưu tại Nhà hát Tuổi Trẻ để chữa bệnh và sống khá lặng lẽ từ đó đến nay.
Không thật quá nổi trội nhưng Văn Thành luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp nên ông cũng để lại ấn tượng nhất định với khán giả sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình.
Ở lĩnh vực điện ảnh, khán giả còn ghi nhớ vai đại tá Thanh của ông trong bộ phim Tiếng cồng định mệnh do điện ảnh quân đội sản xuất, một bộ phim chiến tranh gây chú ý khi ra mắt vào năm 2005.
Trong bộ phim này cũng có sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Hoàng Dũng, người cũng vừa qua đời đột ngột. Hoàng Dũng thủ vai chính - thiếu tướng Tuấn.
Trong lĩnh vực truyền hình, nghệ sĩ Văn Thành góp mặt trong một số phim truyền hình được khán giả yêu thích trong thập niên 1990 như Chuyện phố phường, Sa ngã…
Nhưng sự nghiệp chính của ông là trên sân khấu của Nhà hát Tuổi Trẻ, với các vai diễn trong vở Nhà búp bê, Lôi vũ… đặc biệt là vở Lôi vũ (một vở kịch của tác giả Tào Ngu viết về bối cảnh xã hội Trung Quốc rối ren và đầy bi kịch những năm 1920).
Vở diễn được NSND Lê Hùng đạo diễn đầu những năm 2000. Trong vở kịch, Văn Thành vào vai Chu Phác Viên. Đây là một vai diễn kẻ gian hùng - một người bạc bẽo, một người cha độc đoán, một người chồng đạo đức giả, một kẻ dám phá đê cho nước ngập dìm chết mấy ngàn con người, là kẻ có thể gọi cảnh sát nã súng bắn chết hàng chục công nhân đình công, là một ông chủ mỏ không từ một thủ đoạn gì để bóc lột công nhân của mình.
Tính cách này tưởng rất khác với vẻ hiền lành thường thấy của nghệ sĩ Văn Thành, nhưng ông đã thể hiện thành công vai diễn để đời của mình.
Gắn bó nhiều năm với nghệ sĩ Văn Thành tại Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến dù biết đàn anh mang bệnh trọng nhiều năm nhưng khi nghe tin ông qua đời không khỏi bàng hoàng, tiếc thương một nghệ sĩ hiền lành, tâm huyết với nghề.
"Anh là một kép chính đẹp, có đài từ tốt, không thua kém các nghệ sĩ Chí Trung, Anh Tú, chỉ có điều anh ít vai hơn thôi", nghệ sĩ Sĩ Tiến nói.
Ông cho biết Nhà hát Tuổi Trẻ phối hợp cùng gia đình tổ chức tang lễ chu toàn cho nghệ sĩ Văn Thành.
Lễ viếng nghệ sĩ vào 12h ngày 3-3 tại Nhà tang lễ thành phố ở Phùng Hưng, NSƯT Đức Trung sẽ là người đọc điếu văn.
(Theo TTO)