Nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc bộ Việt Nam, tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên 6.900 km vuông - nơi có sông Hồng và sông Chảy đi qua. Với chiều dài 100 km chảy qua địa phận Yên Bái, sông Hồng như động mạch chủ nuôi dưỡng cả một vùng thượng du rộng tới 2.700 km vuông.
Phù sa màu mỡ bồi tụ cùng với khí hậu nóng ẩm, thiên nhiên tươi tốt phong phú, lưu vực sông Hồng ở Yên Bái từ lâu luôn là địa bàn thích hợp cho con người sinh sống và phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
Cũng chính vì sự thuận tiện về giao thông đường thủy và không gian sinh tồn lý tưởng mà người Việt đã quần cư dọc đôi bờ con sông bốn mùa thắm đỏ phù sa này từ hàng ngàn năm trước. Điều này được khẳng định qua các dấu tích khảo cổ học và những hiện vật được tìm thấy thuộc thời đại Đông Sơn cách ngày nay từ 2.000 đến 2.500 năm.
Qua chiều dài lịch sử, các thế hệ hậu duệ của người Việt cổ vẫn tiếp nối truyền thống văn hóa của tổ tiên, bám lấy nguồn sinh thủy dồi dào của dòng sông Hồng, phát triển canh nông làm lên những làng quê trù phú của cư dân nông nghiệp.
Nằm sâu dưới lớp phù sa nơi những làng quê ven sông ngày nay là cả một địa tầng văn hóa chứa đựng những thông điệp quý giá về lịch sử nguồn cội xa xưa của người Việt. Quá trình bồi lở tự nhiên của dòng chảy, sự khai phá đất đai phục vụ cho cuộc sống con người và công tác thám sát khảo cổ đã hé lộ bức tranh về đời sống cư dân Đông Sơn dọc lưu vực sông Hồng ở Yên Bái thể hiện qua hàng loạt hiện vật thạp đồng được tìm thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa cổ từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam như: Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa với trung tâm là khu vực đền Hùng.
Đây là nền văn hóa được đặt tên theo địa phương, nơi có các dấu tích đặc trưng cho văn hóa lần đầu tiên được phát hiện. Nền văn hóa này được xem như là cơ sở vật chất cho sự ra đời của Nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên thuộc thời đại các Vua Hùng. Như vậy, Yên Bái chính là một trong những địa bàn thuộc văn hóa Đông Sơn.
Một trong những phát hiện quan trọng về thạp đồng ở Yên Bái, chính là thạp đồng Đào Thịnh. Đây là thạp đồng có kích cỡ lớn nhất Việt Nam, được tìm thấy năm 1961 tại thôn Đồng Gianh, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Thạp đồng Đào Thịnh có chiều cao 87 cm, có nắp đậy với hệ thống hoa văn 7 tầng phong phú, phản ánh không gian sinh tồn, cuộc sống sinh hoạt, tín ngưỡng sơ khai và ước vọng về sự sinh sôi, nảy nở của người Việt cách ngày nay trên 2.000 năm.
Với giá trị lịch sử - văn hóa và sự độc đáo về kích cỡ, hình dáng, hoa văn…, thạp đồng Đào Thịnh đã trở thành quốc bảo của Việt Nam – niềm tự hào của quê hương Yên Bái.
Nếu như thạp đồng Đào Thịnh luôn tạo ấn tượng về kích cỡ thuộc hàng "độc nhất vô nhị” ở Việt Nam tính đến thời điểm này, thì thạp đồng Hợp Minh được tìm thấy năm 1995 tại xã Hợp Minh trước đây (nay là phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái) tuy thuộc loại thạp cỡ trung, song lại có giá trị nổi trội về thông điệp và độc đáo bởi hoa văn đẹp nhất Việt Nam. Trong quá trình đào công sự, tập dân quân, người dân Hợp Minh đã phát hiện ra báu vật này trên đỉnh đồi Trọi ven sông Hồng.
Thạp cao 47,4 cm, đường kính miệng 34,4 cm, có nắp đậy và được trang trí 4 tượng chim bồ nông - loài chim gần gũi trong đời sống cư dân nông nghiệp.
Thạp đồng Hợp Minh có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Thân thạp cũng được trang trí theo mô típ 7 tầng hoa văn gồm: đường diềm răng cưa; hình móc đỗ; hình con vật trong tự nhiên đang được thuần hóa; hình răng cưa tiếp theo; lễ hội cư dân nông nghiệp; hình ảnh đời sống sinh hoạt (giã gạo, múa, đồ gốm, nhà ở, dệt vải, bàn thờ) và hình ảnh chim bồ nông.
Những hình ảnh hoa văn phong phú trên thân thạp phản ánh cuộc sống phồn thịnh, chan hòa giữa thiên nhiên và cả nghệ thuật, tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân Đông Sơn ven sông Hồng ở Yên Bái. Hoa văn trên thân thạp đồng Hợp Minh còn thể hiện quan niệm về vũ trụ 4 tầng qua 4 nhóm hoa văn hình thuyền trên sông nước.
Thạp đồng Hợp Minh cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia. Trong thạp đồng Hợp Minh còn lưu giữ khá nguyên vẹn 1 bộ hài cốt trẻ em nữ 6 tuổi cùng một số đồ tùy táng: quả nhạc, khuyên tai, dao găm, nồi 3 chân, rìu đồng được chế tác khá tinh xảo, phản ánh trình độ mỹ nghệ đương thời.
Cùng với thạp đồng Đào Thịnh và thạp đồng Hợp Minh, dọc lưu vực sông Hồng trên địa phận Yên Bái còn phát hiện hàng loạt hiện vật bằng đồng như: nồi đồng, rìu đồng, tượng cóc cõng con; công cụ sản xuất, đồ trang sức và nhiều thạp đồng cỡ nhỏ ( có chiều cao trung bình trên 30 cm) với nhiều kiểu dáng, hoa văn và công năng khác nhau.
Hơn 30 thạp đồng được tìm thấy tại các địa danh: Báo Đáp, Yên Phú, Yên Thái, Đông Cuông, Lang Thíp, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng… càng minh chứng về không gian sinh tồn của cư dân Đông Sơn trải dọc đôi bờ sông Hồng từ Trấn Yên đến Văn Yên. Với sự phát hiện số lượng lớn thạp đồng mà trong đó có tới hai chiếc được công nhận là Bảo vật quốc gia, giới khảo cổ học đã vinh danh Yên Bái là "Vương quốc thạp” cũng như Thanh Hóa từng được mệnh danh là "Vương quốc trống đồng” của Việt Nam.
Trong hệ thống thạp đồng cỡ nhỏ được phát hiện và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có thạp đồng bến Đá Ôm thuộc khu vực thác Cái phía trên ghềnh Ngai ở Đông Cuông, Văn Yên khoảng 100 m. Thạp đồng bến Đá Ôm thuộc nhóm loại 1 của văn hóa Đông Sơn, được tìm thấy năm 2014.
Thạp cao 27,7 cm có hoa văn hình thuyền, hươu nai, chim muông theo mô típ 7 tầng hoa văn khá tinh xảo, đẹp về tạo hình và độc đáo cả về chất liệu đúc đồng pha kẽm giữ cho thạp hạn chế gỉ sét, bền lâu với thời gian, phản ánh trình độ luyện kim tiên tiến đương thời. Chất liệu và hoa văn trên thân thạp là những thông điệp quý giá mà người xưa để lại cho hậu thế.
Từ kết quả tìm kiếm và phát hiện về thạp đồng dọc đôi bờ sông Hồng ở Yên Bái thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các địa phương có kế hoạch thám sát và tìm kiếm thạp đồng và các hiện vật khác còn ẩn sâu dưới tầng phù sa cổ, để ngày càng có thêm cứ liệu sinh động, giải mã về đời sống cư dân Đông Sơn phát triển rực rỡ trên địa bàn hai huyện Trấn Yên và Văn Yên – từng được mệnh danh là "Vương quốc thạp” này.
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của ngành chức năng và sự phối hợp đầy trách nhiệm của các địa phương, sẽ tiếp tục có thêm nhiều hiện vật thời Văn hóa Đông Sơn trong đó có thạp đồng chứa đựng thông điệp quý giá của tiền nhân được tìm thấy, khẳng định bề dày lịch sử - văn hóa của quê hương Yên Bái, từng là địa bàn sinh sống của người Việt từ hơn 2.000 năm trước.
Điều này còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy niềm tự hào về quê hương xứ sở và quyết tâm học tập, lao động, sáng tạo góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Thanh Tửu