Rộn vui tiếng hát cho đời thêm xuân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/8/2021 | 7:43:07 AM

YênBái - Đã rất lâu, gần một năm rưỡi qua, tối thứ Bảy tuần này, ông Nguyễn Duy Thêm ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên mới lại có tâm trạng chuẩn bị sắp xếp công việc, quần áo tươm tất để đến nơi các hội viên tập luyện văn nghệ.

Các hội viên Câu lạc bộ Đàn hát dân ca xã Báo Đáp cùng nhau tập luyện.
Các hội viên Câu lạc bộ Đàn hát dân ca xã Báo Đáp cùng nhau tập luyện.

Vợ ông - bà Vũ Thị Vĩnh buổi nay không đi cùng vì không có thông báo tập luyện. Ông Thêm hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đàn hát dân ca xã Báo Đáp. Khi ông tới nhà riêng của anh Trần Văn Thuần - Phó Chủ nhiệm CLB ở thôn Ngòi Hóp, tính cả vợ chồng anh Thuần thì 6 người theo thông báo đều có mặt đầy đủ. Ai nấy chăm chú tập luyện trong buổi đầu tiên tập trung trở lại kể từ ngày 1/4/2020 - thời điểm CLB ngừng sinh hoạt định kỳ tối thứ Bảy hàng tuần tại Hội trường UBND xã và ngừng biểu diễn để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của địa phương. 

Tối nay, chỉ những người ở Tổ hát mới của CLB cùng nhau tập luyện chương trình văn nghệ để phục vụ Hội nghị ra mắt Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Tân Đồng diễn ra vào cuối tháng Tám. Dù thường xuyên gặp nhau qua livestream nhưng với không khí này, những gương mặt quen thuộc này vẫn cứ có cảm giác thật lạ, thật háo hức, thật sôi nổi…

22 hội viên CLB Đàn hát dân ca xã Báo Đáp vừa chẵn tròn bốn năm rưỡi gắn bó. Để có thể bên nhau đến bây giờ, mỗi người trong số họ đều hết sức ý thức về trách nhiệm của bản thân với tập thể, với mọi người. 

Nói vậy bởi khởi đầu của CLB chỉ từ những người yêu ca hát, người đã biết hát và hát hay, người chưa biết gì… nhưng có chung sở thích. Khi cùng một tập thể, từ tổ chức, chuyên môn, hoạt động… đều được quy định rõ ràng, cụ thể trong Quy chế CLB. Chủ nhiệm Nguyễn Duy Thêm phong cách đậm chất lính với cách nói dứt khoát, nhanh gọn: "CLB được tổ chức chặt chẽ, có Ban Chủ nhiệm; có 3 tổ do 3 tổ trưởng quản lý; 3 tổ chuyên môn về hát chèo, hát quan họ, hát mới do đạo diễn chỉ đạo; có tổ nhạc công phục vụ chung 3 tổ chuyên môn. Chúng tôi thường xuyên quán triệt tinh thần đến hội viên là phải thật sự đoàn kết; nghiêm túc, sinh hoạt lành mạnh; có ý thức trách nhiệm với tập thể; kinh tế công khai, sòng phẳng”. 

Mỗi hội viên một thế mạnh, mỗi hội viên một tính cách nhưng khi tất cả "những ca sĩ nông dân”, "những nhạc công nông dân” của CLB đều ý thức, cố gắng, trách nhiệm thực hiện mục đích chung là hoàn toàn có thể đi cùng nhau trên đường xa. 

Duy trì hoạt động tập luyện và biểu diễn suốt những năm qua, toàn bộ đạo cụ, trang phục, sinh hoạt phí… đều do các hội viên CLB tự nguyện đóng góp. Tính ra bằng những con số cụ thể thì cũng không phải là nhỏ bởi họ đều là những người nông dân gắn bó với ruộng đồng. Riêng về khoản trang phục, các chị nhanh nhảu kể rằng: "Hát về đất nước, quê hương thì sắm áo dài cũng tiền triệu. Hát quan họ thì sắm quần áo quan họ, nón cũng đôi triệu. Hát về người lính thì sắm quần áo bộ đội, mũ. Rồi nào là giày dép, son phấn, phụ kiện… cũng đủ thứ đấy em”.

 Các chị Lê Thị Thành, Hoàng Thị Đạo, Bùi Thị Hoa liên tiếp bổ sung cho nhau thật đầy đủ và chi tiết. Có điều nữa cũng đáng nói, dù là "tay hòm chìa khóa” trong mỗi nhà nhưng xác định không làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà vẫn có thể tham gia sinh hoạt, các chị đều tận dụng hết thời gian để đi làm thêm, hái dâu thuê, đóng bầu cây giống thuê… để tự lo liệu. Mọi người giới thiệu ngay lập tức: "Như chị Thành đây, nhà làm hơn mẫu dâu, hơn ba chục vạn bầu quế giống, gần dăm sào ruộng nữa, đã nể chưa?”. Vậy nên các anh, các chị tự nhận mình đều "nông dân chân lấm tay bùn” là chính xác hoàn toàn! 

Hẳn rồi, họ đích thực là những người nông dân ngày vui lao động, đêm rộn tiếng ca. Xem cách chị Lê Thị Thành tập luyện thì rõ: "Vừa hái dâu vừa nhẩm lời, vừa chăm tằm vừa tập hát. Lần này CLB, đạo diễn chương trình phân công hát song ca với anh Nguyễn Văn Tuyến bài "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” nên tôi phải tranh thủ tập luyện. Đó là nhiệm vụ nên mình phải có trách nhiệm hoàn thành thật tốt”.

 Chút hài hước như anh Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ rằng muốn tham gia sinh hoạt thì chịu khó "nịnh vợ” cũng có sao: "Đùa vui vậy chứ đã tham gia là phải chủ động, không xao nhãng hay làm ảnh hưởng đến việc nhà và kinh tế gia đình”. Trầm tĩnh nhưng mọi người hôm ấy giới thiệu anh Hoàng Trung Thành "rất đa tài”: chơi đàn bầu, oóc-gan, ghi ta, vẽ, sáng tác và cũng là người dự thảo Quy chế CLB. 

Hay như chị Hoàng Thị Đạo với vai trò MC luôn trăn trở làm sao viết lời dẫn cho mỗi chương trình thật cuốn hút. Có hội viên Sở Hữu nổi tiếng với tài sáng tác, mọi người nhắc mãi bài chèo "Tiếng hát trên nương dâu” ca ngợi quê hương Báo Đáp... CLB có 3 cặp vợ chồng thì đôi cao tuổi nhất là ông Hoàng Văn Tinh, bà Hoàng Thị Duyên đều đã gần 80 tuổi nhưng tình yêu ca hát mãi tràn đầy… 

Giai đoạn nghỉ sinh hoạt và biểu diễn để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các hội viên cũng "chưa bao giờ xa nhau vì vẫn thường xuyên giao lưu, tập luyện, góp ý, chỉnh sửa cho nhau nhờ livestream hát cho nhau nghe” là khẳng định của chị Bùi Thị Hoa. Công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội kết nối đã tạo cơ hội và điều kiện để mọi người luôn thấy gần nhau. Tất nhiên, để có thể được gần nhau cũng phải cần có điều kiện kinh tế vì như anh Trần Văn Thuần cho biết: "Cần có 2 điện thoại thông minh và 1 bộ mic thu âm để tập livestream”. 

Người hát có người xem, người nghe rồi sau mỗi buổi tập livestream, các hội viên sẽ góp ý cho nhau từ cách vào nhạc, tương tác với bạn diễn, giao lưu cùng khán giả… như những buổi tập trực tiếp. Được góp ý, mỗi người đều tiếp thu, điều chỉnh, sửa chữa nghiêm túc. Mỗi chương trình biểu diễn thành công là khẳng định uy tín, chất lượng hoạt động CLB. Điều đó giúp cho CLB có được tình cảm yêu mến của người dân Báo Đáp. Điều đó tạo tiếng tăm qua lời mời đi biểu diễn ở nhiều nơi như: thị trấn Cổ Phúc, xã Y Can, Quy Mông, Đào Thịnh, Nga Quán… Điều đó tạo niềm tin khi CLB luôn sẵn sàng phục vụ tốt nhất các hoạt động, sự kiện, hội nghị của xã.

CLB không chỉ tự nguyện đóng góp hoàn toàn kinh phí duy trì hoạt động mà còn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên hội viên lúc có chuyện buồn vui. Ngoài 2 hội viên cao tuổi nhất, mỗi hội viên cũng tự nguyện đóng góp tiền để ủng hộ Ban Công tác mặt trận thôn Đồng Bưởi làm đường bê tông nông thôn bởi có 2 hội viên CLB, 1 người rất gần gũi và luôn giúp đỡ CLB sinh sống trên địa bàn thôn đó. 

Những dự định tương lai, anh Trần Văn Thuần - Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ về ước mong đầu tư trang thiết bị để có thể xây dựng và thực hiện các chương trình biểu diễn ngày càng hiện đại, hấp dẫn khán giả. Anh cũng nêu quan điểm về cách tạo nguồn hội viên tiếp nối sự phát triển của CLB sao cho hiệu quả, bền vững. 

Nói về tương lai của CLB cũng phải nhắc đến một người được các hội viên nể trọng: bà Nguyễn Thị Bính - người có ý tưởng gây dựng, phát triển CLB được như ngày hôm nay và cũng là Chủ nhiệm đầu tiên của CLB. Điều kiện sức khỏe không cho phép nhưng bà Bính vẫn luôn tạo nguồn cảm hứng cho các hội viên. Nhen lên một ngọn lửa, giữ cho ngọn lửa ấy mãi cháy sáng là lòng nhiệt tình, tình yêu và đam mê ca hát của bà Bính, của tất cả hội viên. 

"Chúng tôi sẽ luôn mang lời ca tiếng hát với tình yêu quê hương, đất nước đến mọi người” trở thành động lực vô hạn của CLB như lời anh Trần Văn Thuần. Ngày vui lao động, đêm rộn tiếng ca, họ thật trẻ trung bởi "Xuân nơi tâm hồn, xuân mãi trẻ/ Đời này vui sống, đời thêm xuân”!

Nguyễn Thơm

Tags xã Báo Đáp huyện Trấn Yên tập luyện văn nghệ Câu lạc bộ đàn hát dân ca

Các tin khác
Trước khi nhập viện vì bị đột quỵ, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã có buổi biểu diễn đặc biệt dành tặng các bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến số 3 và số 6, TP.HCM.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Kiều Đàm Linh - vợ nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn xác nhận thông tin ông nhập viện song đã qua cơn nguy hiểm.

Bé Gia Bảo đã đẩy lùi bệnh ung thư máu sau một thời gian điều trị.

Các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt như mắc bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, tự kỷ và trẻ mồ côi đều có thể tham gia cuộc thi.

Nhạc sĩ Xuân Oanh đã sáng tác ca khúc "Mười chín tháng Tám" khi hòa trong dòng người tiến về trung tâm Hà Nội. Đến nay, ca khúc này vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc.

Nghệ nhân Mã Thị Dạy (giữa) tham gia truyền dạy hát then, đàn tính cho các em nhỏ.

Với hơn 60 thành viên, sau hơn 3 năm thành lập, Câu lạc bộ (CLB) hát then, đàn tính Sắc Chàm đã trở thành một trong những CLB then tính có quy mô lớn nhất tại tỉnh Bắc Kạn, góp phần lan tỏa loại hình văn hóa đặc sắc này trong đời sống người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục