Khủng bố tinh thần trên mạng xã hội
Thường ghi dấu ấn với nhiều vai hiền lành nên khi vào vai Dũng sở khanh của phim "11 tháng 5 ngày", Tiến Lộc khiến nhiều người bất ngờ. Dù chỉ là vai phụ nhưng vì là nhân vật phản diện duy nhất của phim nên khán giả dồn hết sự bức xúc cho nhân vật Dũng, đến mức còn ghét lây sang diễn viên.
Theo nam diễn viên Tiến Lộc, có rất nhiều khán giả dùng nick ảo vào Facebook cá nhân của anh chửi, trong đó dùng lời lẽ rất thô tục khủng khiếp. Nam diễn viên cho biết anh cảm thấy khó chịu nhưng không quá bực bội khi đọc những tin nhắn vô văn hóa này.
"Hương vị tình thân" đang là bộ phim hot trên sóng truyền hình, đặc biệt là mối quan hệ của hai nhân vật Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường).
Ở phần 1, vì quá bức xúc vì thái độ của Long, nhiều fan vì quá yêu thích bộ phim và thương nhân vật Nam đã thi nhau gửi tin nhắn riêng cho Mạnh Trường. Nam diễn viên sinh năm 1985 đã chia sẻ đoạn video quay lại danh sách dài các tin nhắn đang chờ "kéo mãi không hết" của người hâm mộ gửi mình.
Còn nhiều fan vì không được hồi đáp nên công khai luôn các tin nhắn gửi nam diễn viên. Không chỉ bình luận dưới bài viết của nam diễn viên, một số khán giả gửi trực tiếp tin nhắn cho anh thể hiện sự bức xúc với nhân vật.
Báo điện tử Dubai Sports tối 16.6 đưa tin, trang Facebook của trọng tài người Iraq Ali Sabah Al-Qaisi bị các CĐV Việt Nam tấn công dữ dội sau trận đấu giữa UAE với Việt Nam. Trọng tài đã phải tạm thời khóa tài khoản Facebook.
Được biết, sau khi Việt Nam thất bại 2-3 trước UAE ở vòng loại World Cup 2022, rất nhiều CĐV Việt Nam truy tìm và "khủng bố" trang Facebook của trọng tài người Iraq Ali Sabah Adday Al-Qaysi.
Sự phản ứng quá khích của một số CĐV Việt Nam được các tờ báo Ả Rập đưa tin và rất nhiều người hâm mộ bóng đá châu Á cũng hết sức phản cảm. Các tờ báo kêu gọi mọi người hãy cư xử một cách văn minh.
Chấn chỉnh lại hành vi thiếu văn hoá
Hiện nay, hiện tượng chửi bới trọng tài sau những trận đấu thể thao, hay nhắn tin, tìm Facebook của các nghệ sĩ đóng vai phản diện để chửi bới đang diễn ra thường xuyên trên mạng xã hội. Điều này đã khiến uy tín dùng mạng xã hội của Việt Nam xuống rất thấp. Theo khảo sát của Microsoft công bố năm 2020, Việt Nam là một trong 5 nước có Chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong số 25 nước.
Ngày 17.6.2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Bộ quy tắc gồm 9 điều, nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Nhiều người cho rằng, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hộ là cần thiết, nhưng cần có chế tài xử lý cụ thể nếu vi phạm. Ngoài ra, điều quan trọng là văn hoá, nhận thức của mỗi người, mà để có được điều này, giáo dục đóng vai trò hàng đầu cùng với sự trau dồi của bản thân mỗi người.
(Theo LĐO)