Một trong những giá trị được đề cao, coi trọng, được đánh giá là nền tảng vững bền cho sự phát triển của tất cả các quốc gia chính là giá trị văn hóa - một nguồn lực to lớn, quan trọng trong tổng thể sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc- mỗi quốc gia.
Với nước ta, ngay từ năm 1943 khi nước nhà chưa giành được độc lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Đề cương văn hóa, trong đó phác thảo những nét lớn về xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong hiện tại và tương lai với nguyên tắc: Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa. Và trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, văn hóa đã soi đường, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Năm 1943 - một văn kiện lịch sử quan trọng, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ được ra đời với tên gọi "Ðề cương về văn hóa Việt Nam”. Được viết ngắn gọn, súc tích, nhưng bản Đề cương văn hoá đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc về nền văn hóa cách mạng đã cho thấy tầm nhìn và tính minh triết của đề cương, đặt nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam từ đó cho đến nay.
"Văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa”.
Nguyên tắc trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa - đại chúng hóa và khoa học hóa.
Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn.
Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Từ rất sớm, Đảng ta xác định rõ cùng với chính trị, kinh tế xã hội thì văn hoá là một trong 3 trụ cột chính- sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội.
Giáo sư Phong Lê nói: "Ý thức vai trò về văn hóa của Đảng ta được khởi thủy từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Bác là sản phẩm của văn hóa cao nhất, tìm ra được con đường cứu nước dân tộc như vậy. Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng nói: Chúng ta cần quan tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Đó chính là 3 lĩnh vực mà người cộng sản phải hoạt động, người cộng sản phải nắm vững. Trong đề cương văn hóa 1943 có giới thuyết về văn hóa, tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Tức là gắn với trí thức. Chính phủ lâm thời đầu tiên của Bác tập hợp tất cả tầng lớp trí thức Việt Nam, những tầng lớp ưu tú nhất, không ai đúng ngoài Chính phủ Hồ Chí Minh”.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/1946, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Theo tư tưởng của Người, văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập - Tự cường và Tự chủ.
Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh; phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới những vẫn giữ 3 nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Luận điểm này của Người thể hiện tầm nhìn vượt thời đại khi nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của văn hóa trong sự phát triển của quốc gia.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa dân trí, chúng ta cần hơn nữa niềm tự hào của dân tộc để chúng ta tập hợp với nhau lại."Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa phải trở thành yếu tố tạo ra sự khai phóng, tạo ra sự khai sáng cho dân tộc. Từ đó chúng ta vượt qua được mọi kẻ thù. Từ đó chúng ta vượt qua được mọi khó khăn”.
Từ cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta, trong mỗi bước ngoặt của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng phát huy vai trò của văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc nhằm biến khát vọng thành hiện thực. Trong các cuộc kháng chiến trước đây, Đảng ta đã tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân để khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Trong kháng chiến chống Pháp là tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; trong kháng chiến chống Mỹ là "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Tinh thần đó, khát vọng đó đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành được những chiến thắng mang tầm thời đại, khẳng định giá trị và sức mạnh của văn hóa.
Để hiện thực hóa vai trò "soi đường cho quốc dân đi”, bước sang thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng có nhiều nghị quyết về văn hóa văn nghệ, nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 33 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, Đại hội 13 của Đảng xác định: "Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Mỗi thời kỳ, nhiệm vụ cách mạng có sự thay đổi, song vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong quan điểm, tư duy của Đảng không thay đổi và cần phải thực hiện đúng như lời Bác Hồ chỉ rõ: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Tròn 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta đã kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
75 năm qua, nhận thức về nguồn lực văn hóa trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Đảng ta ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Với yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII: "Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đòi hỏi Đảng ta tiếp tục phải hoạch định đường hướng, đổi mới và chú trọng những vấn đề then chốt, gìn giữ giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng "sức mạnh mềm” để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
(Theo VOV)