Bức thư UPU hay nhất thế giới trong 50 năm lịch sử cuộc thi

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/11/2021 | 4:59:24 PM

Cuộc thi viết thư UPU đã có lịch sử 50 năm, thu hút sự tham gia của thanh thiếu niên trên toàn cầu, trong đó có hàng triệu học sinh Việt Nam.

Cuộc thi viết thư UPU đã có lịch sử 50 năm. (ảnh minh họa)
Cuộc thi viết thư UPU đã có lịch sử 50 năm. (ảnh minh họa)

Cuộc thi viết thư quốc tế được UPU tổ chức từ năm 1971. Hằng năm, UPU lựa chọn các vấn đề thiết thực, các chương trình hành động của Liên Hợp quốc để đưa ra chủ đề viết thư.

Mục đích cao nhất của cuộc thi là giúp các em thanh thiếu niên từ 10 - 15 tuổi trên toàn thế giới hiểu biết hơn về ngành bưu chính, nâng cao nhận thức về vai trò của ngành bưu chính đối với xã hội, trau dồi khả năng viết và cảm thụ văn học thông qua việc viết thư tay và thể hiện quan điểm, mong muốn của mình về những vấn đề đang được xã hội và quốc tế quan tâm.

Mới đây, UPU đã công bố bức thư hay nhất trong số 50 bức thư đoạt giải Nhất quốc tế trong lịch sử cuộc thi do các nhân viên Văn phòng quốc tế bình chọn.

Bức thư hay nhất đó là bức thư đoạt giải Nhất quốc tế lần thứ 7 năm 1978 với chủ đề "Bác bưu tá, người bạn tốt của tôi - The postman, my best friend”. Chủ nhân của bức thư đó là Mi-kyong Ryu, bé gái 11 tuổi đến từ Hàn Quốc vào năm 1978.

Bức thư của Mi-kyong Ryu được dịch sang tiếng Việt như sau:

"Bác P yêu quý

Kể từ khi cháu lên lớp 5, cháu càng bận rộn hơn với việc học tập ở trường và hay về nhà trễ. Tất nhiên mọi thứ đều khiến cháu vui thích, ngoại trừ việc cháu không thể gặp bác như trước đây. Cháu đã quen bác từ lâu rồi và bác đã trở thành một người bạn tốt của cháu. Nhưng vì một lý do đặc biệt mà cháu đã không thể chia sẻ với bác về bản thân mình vì vậy mong bác vui lòng cho cháu cơ hội này để thực hiện điều đó.

Cháu đã từng có một người cha. Và ông đã qua đời khi cháu còn đang học lớp một ở trường tiểu học. Nhưng thật kỳ lạ, lúc đó cháu lại không hề cảm thấy buồn. Bởi chỉ đơn giản là cháu chưa thể hiểu để tin rằng cha cháu đã ra đi mãi mãi. Cháu vẫn nghĩ rằng ông sẽ về nhà một vài ngày. Nhưng cha cháu đã không bao giờ trở về nữa. Từng ngày dần trôi qua, cháu hằng mong nhớ cha tột cùng. Khi bạn bè của cháu luôn vui vẻ kể chuyện về cha của họ, cháu rất đau buồn và ghen tị với họ. Cháu thậm chí còn cảm thấy ghét cha vô cùng vì đã bỏ cháu mà ra đi mãi.

Một ngày kia, chúng cháu được học về cách viết thư ở trường. Cô giáo đã dạy chúng cháu rằng những lá thư là một điều tuyệt vời mà có thể mang thông điệp của chúng cháu đến những người đang ở nơi xa. Ngay lập tức cháu nghĩ rằng cháu có thể viết thư cho cha ở nơi thiên đường và biết đâu sẽ nhận được hồi âm từ ông. Ngày hôm đó, cô giáo đã giao cho chúng cháu ngồi làm bài tập về nhà. Đó chính là viết một bức thư gửi một người nào đó mà chúng cháu đã lâu không gặp trong một thời gian dài và luôn mong ước được gặp lại.

Và rồi cháu viết một bức thư gửi cha. Vì không biết rõ địa chỉ của ông nên cháu đã viết "gửi tới Thiên đường” lên phong bì. Khi các bạn khác trong lớp nhìn thấy địa chỉ trên lá thư của cháu, chúng đã đùa nghịch và trêu trọc cháu rằng "làm sao mà một người đã chết có thể nhận được thư chứ? Và ai sẽ là người đưa nó lên thiên đường?”. Cháu cảm thấy rất xấu hổ về bản thân nên cháu đã không đưa nó cho cô giáo. Cháu đã nói dối cô rằng cháu đã không hoàn thành bài tập về nhà. Nhưng bây giờ khi đã biết cách viết thư, cháu bắt đầu viết cho cha gần như mỗi ngày sau đó.

Một buổi chiều nọ, khi đang vui chơi trên sân trường, cháu bỗng nhìn thấy một bác bưu tá đi ngang qua trường với chiếc túi thư lớn. Cháu đã vui mừng và háo hức vô cùng khi thấy ông và gọi to "bác ơi” nhưng sau đó cháu im bặt. Bác bưu tá đã dừng lại và giống như người bác họ thân quen, đã hỏi chuyện cháu.

"Thưa bác, liệu một lá thư có thể gửi được tới thiên đàng không ạ?”

"Thế ai đang ở trên thiên đường vậy cháu?”

"Dạ cha cháu ạ”

"Ngày mai cháu mang lá thư của cháu đến nhé. Bác sẽ viết địa chỉ thiên đường lên phong bì và gửi nó cho cha cháu.

Cháu không thể diễn tả được niềm hạnh phúc của mình lúc đó. Mỗi ngày sau đó, cháu đều mang theo một lá thư và đưa cho bác bưu tá. Và rồi hơn một tuần sau cháu nhận được lá thư đầu tiên của cha. Cháu đã không thể kiềm chế được niềm hạnh phúc khôn xiết của mình. Nhưng cháu đã không dám cho mẹ biết điều này bởi mẹ luôn bật khóc mỗi khi nhắc tới cha.

Cha không bao giờ quên trả lời từng lá thư của cháu. Ông mong cháu trở thành một đứa trẻ ngoan. Cháu đã cố gắng học tập thật chăm chỉ để không làm cha cháu thất vọng.

Khoảng một vài tháng trôi qua cho tới khi bác bưu tá đột nhiên không tới trường của chúng cháu nữa. Một bác mới đã tiếp nhận vị trí đó. Và cả những lá thư của cha cháu cũng bỗng ngưng lại. Cháu phàn nàn với cô giáo rằng không hiểu sao bác bưu tá mới không mang thư của cháu tới.

"Em đang chờ đợi thư từ ai đó chăng?”

"Dạ vâng, là thư của cha em ạ.”

"Nhưng cha của em đã mất rồi cơ mà?”

"Dạ vâng thưa cô.”

"Và em vẫn nhận được thư từ cha phải không?”

"Dạ vâng ạ

Cô giáo nhìn cháu hồi lâu. Rồi nhẹ nhàng nắm tay cháu và nói rằng, việc gửi thư lên thiên đường là một điều không thể xảy ra. Và cháu phải đủ lớn để hiểu được điều đó. Bác bưu tá trước đây hẳn phải rất tử tế và tốt bụng, vì bác ấy đã trả lời tất cả các lá thư của cháu để không làm cháu thất vọng, để làm cháu hạnh phúc, giống như những đứa trẻ khác ở trong trường. Ông đã hành động thay cha cháu.

Sau khi nghe những lời an ủi của cô giáo, cháu dần hiểu tất cả những gì đã diễn ra. Và cháu òa khóc trước mặt cô. Giờ đây cháu muốn gọi bác bưu tá tốt bụng đó là cha. Bởi cháu yêu bác vô cùng, hệt như yêu người cha của cháu ở thiên đường.

Bác P yêu quý của cháu, nếu bác là cháu, liệu bác có thể nào quên được bác bưu tá đó không? Trái tim cháu sẽ luôn luôn chan chứa yêu thương dành cho bác, người đang rong ruổi nơi những con phố đâu đó ngay trong lúc này.

Người bạn chân thành của bác!

Mi-kyong Ryu”.

Câu chuyện về tuổi thơ sớm mất cha của Mi-kyong Ryu và hành động của bác bưu tá tốt bụng khiến bất cứ ai cũng phải xúc động. Hy vọng bức thư với lối hành văn rành mạch, tình cảm chân thành này sẽ giúp các bạn học sinh Việt Nam thêm yêu cuộc thi viết thư UPU.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Năm nay cô ở cùng phòng với người đẹp Mông Cổ.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã bắt đầu tham gia các hoạt động đầu tiên tại cuộc thi Miss World 2021 được tổ chức ở Puerto Rico.

Ảnh minh họa.

75 năm qua, nhận thức về nguồn lực văn hóa trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Đảng ta ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn.

Di sản văn hóa hát then được giới thiệu trong không gian di sản văn hóa Việt Nam.

Tối 22-11, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam”, nhằm tôn vinh, quáng bá các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên và danh thắng độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục