Vụ Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube: Con trai nhạc sĩ Văn Cao rất bức xúc, Bộ Văn hóa lên tiếng

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/12/2021 | 2:35:41 PM

Chia sẻ với Dân trí, họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao bày tỏ nỗi bức xúc khi phần hát Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup.

Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao
Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao

Họa sĩ Văn Thao cho biết, từ tối qua đến giờ, không chỉ trên mạng xã hội mà ông còn nhận được rất nhiều cuộc gọi tin nhắn hỏi han, bức xúc về nghi vấn Quốc ca bị "đánh" bản quyền tại AFF Cup.

"Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca đã xảy ra và đây không phải lần đầu. Cách đây nửa tháng, chúng tôi họp ở Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, tôi cũng phát biểu rồi.

Nếu ca khúc Tiến quân ca còn thuộc về gia đình thì vấn đề nó khác. Nhưng thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi, cố nhạc sĩ Văn Cao nên gia đình đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân, nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia, về nhân dân chứ không còn thuộc về gia đình nữa.

Gia đình tôi thấy rất buồn, lạ và vô lý trước sự việc Quốc ca bị "đánh gậy bản quyền". Nhân dân còn bức xúc nữa là gia đình tôi. Gia đình tôi rất bức xúc. Họ đã xâm phạm bản quyền của quốc gia.

Còn việc có tổ chức nào đó đứng ra nhận là bản ghi âm của mình, nhưng khi làm bản đó họ có hỏi đến quyền tác giả ca khúc không? Thế là họ vi phạm rồi. Nếu họ dàn dựng bản ghi âm đó thì họ phải hỏi tác giả, phải xin phép chứ? Giờ là phải xin phép Nhà nước chứ? Nếu không xin phép thì họ đã vi phạm bản quyền quốc gia. Mà vi phạm bản quyền quốc gia, thì đại diện là Bộ Văn hóa đứng ra xử lý việc này cho rõ ràng…", họa sĩ Văn Thao nói.

Họa sĩ Văn Thao bộc bạch: "Từ khi ca khúc này ra đời, cố nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và nhân dân".

Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao. Tiến quân ca hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này".

Xoay quanh nghi vấn bản quyền bản ghi âm Quốc ca lần này, họa sĩ Văn Thao cũng chia sẻ thêm: "Tôi từng có cuộc nói chuyện với Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông Đỗ Hồng Quân. Trước đây, Nhà nước từng làm một bản Quốc ca rất cẩn thận, phối khí dàn dựng đàng hoàng, sau đó in tem, Bộ ngoại giao thống nhất chuyển giao bài đó cho đại sứ quán các nước có liên hệ với mình. Để khi các nước sử dụng, cử hành các nghi lễ ngoại giao sẽ sử dụng thống nhất một bản Quốc ca.

Sau khi Việt Nam thống nhất, Bài Quốc ca đó bản thân trong nước cũng sử dụng chưa thống nhất. Lẽ ra, Quốc ca chỉ sử dụng thống nhất một bản thôi nhưng mỗi Đài phát một bản phối khí khác nhau. Theo tôi, hiện tại Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao và Hội nhạc sĩ chưa làm được một bản Quốc ca để sử dụng thống nhất trong nước cũng như Quốc tế. Bản thân, cố nhạc sĩ Văn Cao có bản phối khí rồi, tại sao không dùng luôn bản của nhạc sĩ? Giờ mỗi người phối khí bản nhạc một kiểu, không thống nhất.

Theo tôi đây là một sơ suất!"



Việc bị tắt tiếng ở phần chào cờ khiến khán giả Việt Nam và gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao - tác giả ca khúc "Tiến quân ca" bức xúc".

Trước đó, đội tuyển Việt Nam chính thức bước vào hành trình bảo vệ ngôi vương AFF Cup với trận đấu gặp Lào vào 19h30 trên sân Bishan (Singapore). Hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong nước đã háo hức dõi theo trận đấu trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, mạng xã hội, YouTube...

Tuy nhiên, đã có một sự việc đã diễn ra trong khoảng thời gian hai đội làm các thủ tục chào sân. Cụ thể, trong phần hát Quốc ca, khán giả theo dõi trên kênh YouTube không nghe được lời hát Quốc ca với lý do "bản quyền".

Theo đó, trên màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm"; "chương trình đang tạm thời bị gián đoạn vì lý do bản quyền. Mong quý vị khán giả thông cảm và quay lại sau"…

Sự việc này khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng và phản ứng bởi ngay chính Quốc ca của nước mình cũng không được nghe.

Khi sự cố trên xảy ra, nhiều người đặt nghi vấn liệu các kênh trên mạng xã hội "tắt tiếng" phần hát Quốc ca vì lo ngại bị BH Media "đánh gậy bản quyền"? Làm thế nào để phân biệt bản thu âm Tiến quân ca được BH Media đăng ký sở hữu bản quyền với bản thu âm ca khúc này của các hãng khác?

* Bộ Văn hóa lên tiếng

Trước sự bức xúc của dư luận về việc ngắt tiếng Quốc ca trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam-Lào, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên tiếng.

Sáng 7/12, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup, ngày 6/12/2021.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu ý kiến: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Trước đó, tối 6/12, khán giả xem truyền hình không có phản ứng, nhưng khán giả theo dõi trận đấu trên kênh Next Sports phát trên YouTube không thể nghe Quốc ca.

"Vì lí do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”. Đây là dòng chữ chạy trên kênh Next Sports. Đơn vị tiếp sóng trận đấu tự tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT từng vướng phải.

(Theo Dân trí - TPO)

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục