Tự hào Xòe Thái được ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/12/2021 | 7:44:36 AM

YênBái - Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào lúc 17 giờ 11 phút ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Cộng hòa Pháp). Hạnh phúc và tự hào là cảm xúc của rất nhiều người dân Yên Bái - Mường Lò.

Các nghệ nhân dân gian thị xã Nghĩa Lộ tham quan triển lãm ảnh Xòe Thái của Yên Bái bên lề phiên họp trực tuyến của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 tại điểm cầu Hà Nội - Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Vũ)
Các nghệ nhân dân gian thị xã Nghĩa Lộ tham quan triển lãm ảnh Xòe Thái của Yên Bái bên lề phiên họp trực tuyến của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 tại điểm cầu Hà Nội - Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Vũ)

Sau khi chị Lường Thị Hồng Chung - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi cập nhật được thông tin Xòe Thái được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ các phương tiện truyền thông thì mọi công việc tạm gác lại để dành cho cảm xúc hạnh phúc tự hào. 

Chị chia sẻ: "Ôi vui lắm, tự hào lắm, Xòe Thái của dân tộc mình đã được cả thế giới biết tới, cả thế giới công nhận là di sản văn hóa. Vinh dự này còn cao hơn cả một tài sản cho người Thái nói riêng và cho cộng đồng các dân tộc anh em nói chung. Nhìn vào hình ảnh được cập nhật trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi thấy có các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Yên Bái, của thị xã Nghĩa Lộ cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền đối với đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Chúng tôi luôn cảm ơn sự quan tâm ấy để đến hôm nay Xòe Thái được thế giới vinh danh. Trong niềm vui đặc biệt này, chắc chắn rằng người Thái Mường Lò ai cũng cảm ơn Nghệ nhân dân gian Ưu tú Lò Văn Biến, bởi cụ là người tiên phong trong việc sưu tầm, viết về các điệu xòe, các động tác đặc trưng của Xòe Thái và tích cực truyền dạy cho mọi người”. 

Nghệ nhân Điêu Thị Siêng, nay đã ngoài 80 tuổi, không giấu được niềm vui khi Xòe Thái được vinh danh. Là một trong số nghệ nhân có mặt tại cuộc họp trực tuyến thông qua hồ sơ Xòe Thái, bà chia sẻ: "Xòe Thái không thể thiếu với người Thái. Nếu không có xòe Thái, giống như cái cây thiếu nước. Trong cuộc vui nào cũng phải có xòe. Không có xòe cuộc đó không thành công. Tôi rất tự hào, vui mừng, phấn khởi khi Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của Unesco đồng ý với hồ sơ của Xòe Thái. Đây là thành quả cho công lao đóng góp gìn giữ từ lãnh đạo tới người dân. Dù tôi tuổi đã cao nhưng sau đây tôi sẽ cố gắng tiếp tục truyền dạy, chỉ bảo cho con cháu biết giá trị của Xòe Thái, gìn giữ đến muôn đời”. 

Không phải là người dân tộc Thái, nhưng được sinh ra và lớn lên trong vùng lòng chảo Mường Lò nên với em Nguyễn Thanh Trúc - học sinh Lớp 5B, Trường TH&THCS Võ Thị Sáu, thị xã Nghĩa Lộ, Xòe Thái rất gần gũi và thực sự là một phần của cuộc sống. 

Em phấn khởi cho biết: "Dù không phải là người dân tộc Thái, nhưng em biết múa xòe từ rất lâu rồi. Em được các thầy cô, các bác nghệ nhân truyền dạy cho từ rất khi còn học mẫu giáo. Em rất vui và tự hào vì Xòe Thái trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Em sẽ tiếp tục học múa xòe đẹp hơn nữa và dạy lại cho các em nhỏ sau này”. 

Trong thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã rất quan tâm việc truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng. Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh chứng minh sức sống mãnh liệt và vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào người Thái Tây Bắc nói chung, người Thái Mường Lò nói riêng. Sự ghi danh này sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái, cũng như về di sản văn hóa nói chung của cộng đồng. 

Sự ghi danh cũng sẽ tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở vùng Mường Lò. Chính quyền địa phương sẽ có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa nhằm bảo vệ và tôn trọng các biểu đạt văn hóa của địa phương. Thị xã xác định, gìn giữ và phát huy giá trị của truyền thống cũng là cách xây dựng nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. 

Ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Với những giá trị nhân văn và vô cùng đặc sắc, việc nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Nghĩa Lộ - Yên Bái, mà còn là niềm tự hào chung của đồng bào Thái khắp nơi trên thế giới. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp bộ ngành Trung ương, sự nỗ lực trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị Nghệ thuật Xòe Thái của tỉnh Yên Bái và cộng đồng các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ”. 

Ông Hà cũng khẳng định, để Xòe Thái có được sức sống bền chặt và tỏa sáng trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai, chính quyền và người dân thị xã Nghĩa Lộ sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của Xòe bằng nhiều hình thức như: thực hiện truyền dạy và thực hành Xòe Thái trong tất cả các trường học, trong cộng đồng dân cư tại địa phương thông qua các đội văn nghệ quần chúng, các hội bảo tồn tri thức bản địa (chủ đạo là bảo tồn văn hóa dân tộc Thái); tổ chức các cuộc thi trình diễn Xòe Thái, xây dựng các tiết mục trình diễn Xòe trong các chương trình hội diễn nghệ thuật quần chúng và đưa Xòe Thái trở thành thương hiệu riêng tại các lễ hội trong năm, đặc biệt là lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò tổ chức hàng năm. 

Đây chính là những hoạt động thiết thực để tạo môi trường cho nghệ thuật Xòe Thái phát huy giá trị; tôn vinh các nghệ nhân trong lĩnh vực thực hành nghệ thuật Xòe Thái để ghi nhận công lao và khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy giá trị của di sản Xòe Thái. Bởi các nghệ nhân là những người nắm giữ, thực hành, truyền dạy và bảo tồn những tinh hoa của nghệ thuật Xòe Thái cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thị xã cũng sẽ tiếp tục tư liệu hóa di sản Xòe Thái thành các ấn phẩm lưu trữ như sách, đĩa CD… để làm nguồn tư liệu lâu dài, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Xòe Thái.

Xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể là niềm tự hào của người Thái, của các dân tộc Việt Nam. Niềm hạnh phúc, tự hào ấy sẽ thành trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, người Thái nói riêng.

Thanh Ba

Tags Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại xòe Thái Nghĩa Lộ

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục