Triết lý hạnh phúc trong xòe Thái

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/2/2022 | 8:08:10 AM

YênBái - Nói đến người Thái, ai cũng nghĩ đến biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như xòe. Cũng như nói đến xòe, người ta biết đến là di sản của người Thái ở Tây Bắc.

Hội xòe. (Ảnh: Tiến Lập)
Hội xòe. (Ảnh: Tiến Lập)

Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng... Thông qua đó thể hiện triết lý hạnh phúc của người Thái.

Trở lại Mường Lò vào những ngày giáp tết, trong không khí của xuân mới đang về, niềm hạnh phúc của người dân nơi đây vẫn còn vẹn nguyên, bởi tin vui từ những ngày cuối năm 2021 - Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, băng qua cánh đồng Mường Lò đang vào vụ, chúng tôi tới nhà chị Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi. Nhà chị Chung cũng giống như nhiều hộ dân trong bản. 

Nhờ sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, mong muốn gìn giữ văn hóa dân tộc và đặc biệt là sự nhanh nhạy của người phụ nữ Thái này, chị đã xây dựng nhà của mình thành homestay nức tiếng trong vùng, hàng năm đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới việc kinh doanh, nhưng năm nay, ngoài chuẩn bị cho đón tết của gia đình, chị vẫn chuẩn bị các điều kiện để đón du khách trong dịp Tết. 

Vừa đón khách, chị Chung chia sẻ: "Xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới nên tôi nghĩ năm nay khách vẫn sẽ ghé qua Mường Lò để thưởng thức hương xuân Mường Lò. Và các bạn là những người khách thưởng thức hương xuân sớm của Mường Lò”. 

Lời giới thiệu của chị Chung khiến cả đoàn chúng tôi ai nấy đều cảm thấy rạo rực. Hương xuân sớm Mường Lò chính là vòng xòe đầu tiên sau khi xòe Thái được gắn mác Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại. 

"Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi” - câu dân ca vừa khẳng định vị thế điệu xòe trong đời sống người dân, vừa thể hiện triết lý hạnh phúc trong điệu xòe Thái. 

Từ những cuộc vui nhỏ của gia đình như lễ mừng nhà mới, đám cưới đám hỏi, cho đến những lễ hội lớn của bản làng như lễ Xên bản, tết Xíp xí, Lễ hội Hoa Ban, lễ mừng Cơm mới... khó có thể vắng bóng điệu xòe hòa nhịp cùng lời ca, tiếng khắp trong thanh âm rộn ràng, tha thiết của khèn bè, trống, chiêng, tằng bẳng, mắc hính... 

Ai tham gia vào với vòng xòe đều cầu cho bản làng bình an, cầu cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống của tất cả người dân trong bản làng ấm no, hạnh phúc. Tính kết cấu cộng đồng chính là nhân sinh quan của người Thái. Qua đó có thể thấy, hạnh phúc của mỗi người không nằm riêng rẽ mà hạnh phúc đó hòa trong hạnh phúc của bản làng, của cộng đồng. 

Chị Chung chia sẻ thêm: "Ở vùng Mường Lò, từ người già đến con trẻ đều nằm lòng 6 điệu xòe cổ. Từ ngày cụ Biến (Nghệ nhân dân gian Ưu tú Lò Văn Biến - PV) sưu tầm các tài liệu, phục dựng lại 6 điệu xòe cổ rồi truyền dạy cho thế hệ sau, ai cũng cảm ơn cụ và xòe Thái trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại có công của cụ”. Sự biết ơn nguồn cội được xòe Thái phản ánh trong các động tác dân vũ ấy. Và có lẽ chính vì vậy mà từ trong gia đình đến tới bản làng của người Thái Mường Lò luôn giữ một sự trang nghiêm trên dưới, nó ảnh hưởng đến phong cách sống của cộng đồng các dân tộc trong vùng Mường Lò Nghĩa Lộ. 



Trong hạnh phúc hôm nay, người Thái Mường Lò luôn biết ơn tổ tiên, những người đi trước đã khai mường, lập bản. Lời hứa khi chúng tôi liên lạc với chị Chung là được thưởng thức 6 điệu xòe cổ được chị thực hiện sau bữa cơm tối thịnh soạn, đậm chất Thái. 

Chị bảo: Chẳng khó để tập hợp được đội văn nghệ của bản, vì ai mà chẳng biết múa xòe. Những em gái Thái xúng xính trong bộ trang phục truyền thống bắt mắt thực sự rất duyên dáng và dễ say lòng khách lạ. Các em cứ trình diễn, còn chị Chung theo đó mà bắt đầu giới thiệu: "Điệu "khắm khen” tức điệu nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt. Điệu "khắm khằn mơi lẩu” tức nâng khăn mời rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách. Điệu "phá xí” tức bổ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người. Điệu "đổn hôn” tức tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau. 

Điệu "nhôm khăn” tức tung khăn, thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… Điệu "ỏm lọm tốp mư” - vỗ tay vòng tròn, thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe”. Không lý giải được xòe có chất xúc tác gì mà sau những điệu xòe ấy, những lời lý giải đậm chất cộng đồng nghe, ngẫm, ai cũng cảm thấy hân hoan, hạnh phúc.

Trong tiếng mời gọi "Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe thì trời xuân qua đi...” như thúc giục mọi người cùng xòe, cùng hành động vì bản làng, vì tất cả mọi người. Mỗi cá nhân góp vào thì làm nên vòng xòe, nhưng không thể có vòng xòe nếu chỉ có một, hai cá thể. 

Bởi vậy mà người Mường Lò quan niệm: Vòng xòe càng lớn, càng đông vui thì năm đó càng được mùa, đời sống ấm no, dân bản hạnh phúc, giống như mỗi cá thể góp hết sức xây dựng cộng đồng hạnh phúc, rồi từ đó được hưởng chung thành quả ấy. Âm nhạc cho múa xòe càng thêm gia vị cho triết lý hạnh phúc cộng đồng ấy: tiếng trống là âm thanh của mặt đất; tiếng cồng là sự vang vọng của bầu trời; tiếng chũm chọe là biểu tượng "phồn thực” của muôn loài. Sau mỗi đêm xòe tưởng như bất tận ấy, trở lại với cuộc sống đời thường, người ta thấy yêu lao động, hăng say sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho gia đình, cho bản làng. 

Quả đúng như lời phát biểu tại Lễ ghi danh xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: "Nghệ thuật xòe Thái mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết, được hình thành và phát triển cùng với lịch sử phát triển của cộng đồng người Thái; là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, phản ánh sự đa dạng văn hóa; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc nước ta; là một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng được duy trì, phát triển trong cộng đồng người Thái”.

Trong nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, trân trọng và có nhiều sự hỗ trợ trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật xòe Thái. Không chỉ là gìn giữ những giá trị văn hóa mà sâu thẳm là gìn giữ những triết lý nhân văn trong nghệ thuật xòe Thái. Để giờ đây, xòe trở thành thành tố quan trọng trong nỗ lực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.

 Thanh Ba

Tags Hạnh phúc xòe Thái Tây Bắc Mường Lò nghệ thuật xòe thái

Các tin khác
Sách Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt. Ảnh: Trang Thanh Hiền.

Các cuốn sách như “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt”, “Dòng tranh dân gian Việt Nam”, “Tranh dân gian Hàng Trống" giúp bạn đọc hiểu sâu về dòng tranh dân gian.

Những loài hoa và cây cảnh đặc trưng cho Tết cổ truyền không chỉ giúp trang trí cho nhà cửa thêm đẹp hơn mà còn có ý nghĩa đem may mắn, bình an, tài lộc tới mỗi gia đình.

Người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò luôn tự hào rằng nơi đây không ai không biết xòe, những điệu xòe được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không kể già, trẻ, gái, trai. Sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa các cộng đồng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để giữ gìn bản sắc riêng của các tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới Nhâm Dần 2022, Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình ca múa nhạc chào xuân mới do anh chị em diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái biểu diễn!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục