Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần vài tuần, anh bạn ở thành phố Hồ Chí Minh biết tôi ở Yên Bái nên nhờ mua gạo nếp Tan Tú Lệ có dặn dò vận chuyển nhanh cho kịp tết. Thế là, gạo đóng bao xong nặng trình trịch được chuyển đi cả ngàn cây số. Chủ nhân của nó "hóng” gạo ăn tết mất cả chục ngày mà vẫn vui. Anh bảo: "Mê” gạo nếp Tan từ lúc đi du lịch Yên Bái, được dừng chân ở thị tứ Tú Lệ, dùng bữa bằng xôi trắng kèm thịt nướng là ngon nhất…
Tết này anh mua gạo về để cả nhà cùng thưởng thức đặc sản vùng cao. Không riêng anh bạn ở xa của tôi, nhiều du khách đi du lịch Yên Bái vào dịp tháng 9, tháng 10 hàng năm cũng thường ghé qua Tú Lệ vào mùa cốm để thưởng thức các món ăn từ gạo nếp đặc sản quen thuộc như: cốm, bánh chưng đen, xôi nếp... và mua thêm vài cân gạo nếp Tan để làm quà tết.
Với nhiều người dân Yên Bái, mỗi bữa cơm ngày tết nhà nào cũng rất thịnh soạn với chủ yếu là các món: thịt gà, thịt lợn, bánh chưng, giò lụa, dưa hành, canh miến và xôi đỗ… Bữa cơm này nối tiếp bữa cỗ kia, nhà nào cũng có những món đặc trưng như vậy nên dễ có cảm giác ngán. Nhưng chỉ cần câu nói: "Xôi nếp Tú Lệ đấy” từ gia chủ thì đó sẽ là nguồn cảm hứng để mọi người thêm một lần thưởng thức món ăn dân dã này.
Thực tế, sản lượng gạo nếp Tan Tú Lệ không nhiều nên số lượng làm ra đến đâu là khách hàng mua hết đến đó. Vì thế, đã có một số công ty, kênh bán hàng Online lớn ở Yên Bái, Hà Nội xây dựng kế hoạch lên tận xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn để đặt hàng với thương lái và người dân địa phương để chủ động nguồn cung ứng hàng hóa.
Ở trên các trang bán hàng Online, gạo nếp Tan Tú Lệ được khẳng định là "hạt trời ban”, là niềm tự hào của người dân Tú Lệ… và chia sẻ cả các nghiên cứu khoa học có khẳng định giống nếp Tan Tú Lệ chính hiệu có chất lượng vượt trội nhờ được trồng tại vùng thung lũng nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song…
Những ngày giáp tết, mặt hàng gạo nếp Tan Tú Lệ trở nên sôi động với giá bán từ 70 đến 100 nghìn đồng/1 kg. Gạo nếp Tan Tú Lệ được xếp vào hàng là một trong những loại nếp ngon nhất nước, đồ lên thành xôi có vị ngọt và dẻo thơm đặc biệt, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường.
Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm bánh chưng, bánh dày, làm cốm hay chế biến làm nguyên liệu của các món bánh khác cũng vô cùng thơm ngon. Gạo nếp Tan Tú Lệ thích hợp nhất là đồ xôi trắng, hoặc nếu có lá cẩm, người ta có thể làm ra các món xôi màu đẹp mắt.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng dự án, kế hoạch nhằm phát triển diện tích trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất giống lúa nếp Tan tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; thành lập các hợp tác xã thu mua, vận chuyển cho khách hàng nhằm nâng tầm thương hiệu gạo nếp Tan Tú Lệ đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Người dân Tú Lệ tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm từ giống gạo nếp Tan đặc sản của địa phương, góp phần đưa gạo nếp Tan Tú Lệ ngày một vươn xa.
Hoài Văn