Hoàng Tuấn Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) được giới nghệ thuật biết đến là một chàng kiến trúc sư đam mê sáng tạo.
Anh là người tiên phong dùng tăm giang (chất liệu của dây gói bánh chưng) để thiết kế nên những mô hình nghệ thuật độc đáo, được trưng bày tại nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới. Hoàng Tuấn Long đã và đang đưa nghệ thuật boarc tiếp cận được nhiều người hơn.
Gần 10 năm mày mò và sáng tạo, Hoàng Tuấn Long đã cho ra đời hàng chục sản phẩm là những mô hình kiến trúc nổi tiếng như chùa Một Cột, Ngọ Môn Huế, chợ Bến Thành, tháp đồng hồ BigBen, đền Taj Mahal… Mỗi sản phẩm sử dụng hàng chục ngàn đến vài trăm ngàn cây tăm giang, hoàn thành trong 3 đến 6 tháng.
Đặc biệt, mô hình Chùa Một Cột đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào năm 2016. Hoàng Tuấn Long thực hiện mô hình này trong 6 tháng với gần 110.000 cây tăm giang. Đến năm 2020, anh được Liên minh Kỷ lục thế giới Worldking công nhận là người làm nhiều mô hình bằng tăm giang và mica nhất.
Tiếp tục thể hiện niềm đam mê dành cho tăm giang, anh Hoàng Tuấn Long vừa khởi động dự án nghệ thuật và thiện nguyện mang tên Vũ trụ Mandala. Tác phẩm với Mandala đặt ở trung tâm, bao bọc xung quanh là 379 chữ trong bài Chú Đại Bi, phía ngoài cùng là vòng tròn được cách điệu từ cánh hoa sen.
Hoàng Tuấn Long kêu gọi 379 người cùng thực hiện tác phẩm "Vũ trụ Mandala" vào tối 21-2
Tác phẩm này có kích thước 1,4m x 1,4m, sử dụng khoảng 27.000 cây tăm giang, được 379 người thực hiện trong vòng 3 tháng.
"Mình mong muốn 379 chữ Chú Đại Bi sẽ được gieo duyên cho 379 người cùng góp duyên thực hiện tác phẩm.
Dự kiến tác phẩm này sẽ hoàn thành trong 3 tháng. Sau khi hoàn thành, Long sẽ đăng ký 2 kỷ lục gồm kỷ lục Việt Nam và kỷ lục châu Á cho tác phẩm có nhiều người thực hiện nhất" - Hoàng Tuấn Long nói với Tuổi Trẻ Online.
Hoàng Tuấn Long cho biết thêm, sau đó anh sẽ bán đấu giá tác phẩm. Số tiền thu được sẽ dành chăm lo cho các em mồ côi, các em cơ nhỡ, bệnh nhi đang điều trị...
MC Ngọc Tiên (trái) góp sức vào tác phẩm "Vũ trụ Mandala"
Tác phẩm Vũ trụ Mandala được Hoàng Tuấn Long thai nghén từ năm 2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa thể triển khai. Anh thực hiện tác phẩm này cũng để tri ân đến người mẹ đã ra đi trong đợt COVID-19 vừa rồi. "Hai mẹ con từng tâm sự làm tác phẩm này khi dịch bệnh lắng xuống, nhưng tiếc rằng cơ hội cho mẹ làm không còn nữa" - Hoàng Tuấn Long nói.
Thời gian tới, Hoàng Tuấn Long tiếp tục tái hiện các di sản của Việt Nam bằng nghệ thuật tăm giang, để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Nghệ thuật boarc là loại hình nghệ thuật có sự kết hợp giữa vật liệu truyền thống từ cây giang (họ tre) với công nghệ laser trên các tấm acrylic tạo nên sự gắn kết để tạo ra những mô hình.
Loại hình nghệ thuật này do kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long phát minh và đặt tên.
(Theo TTO)