Những bức tranh độc đáo làm từ bẹ cây chuối khô nói trên là của họa sĩ Phan Văn Đắc, trú tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Dù đã ở tuổi 80 nhưng họa sĩ Văn Đắc vẫn miệt mài sáng tác. Với vật liệu bẹ cây chuối khô, họa sĩ Đắc đã "thổi hồn" vào các tác phẩm và gây ấn tượng đặc biệt về một dòng tranh lạ.
Từ những bẹ cây chuối khô, họa sĩ Văn Đắc đã cắt tỉa, ghép những bẹ chuối vốn dĩ thô mộc để tạo ra gần 700 bức tranh nghệ thuật độc đáo với đủ các chủ đề như: Lịch sử, chiến tranh, phong cảnh và chân dung…
Họa sĩ Đắc cho biết, ông đam mê vẽ tranh từ thời còn rất trẻ. Bản thân ông có niềm đam mê với hội họa nhưng lại không có nhiều điều kiện để học chuyên sâu, mọi kiến thức mà ông biết đều do quá trình mày mò, sáng tạo.
Từ bẹ chuối khô, người họa sĩ U80 đã tạo ra những bức tranh nghệ thuật độc đáo.
Năm 1965, ông Đắc lên đường nhập ngũ, tham gia Binh đoàn 599, đóng quân tại khu vực Tây Trường Sơn. Những năm hành quân dọc dãy Trường Sơn, người chiến sĩ trẻ vẫn luôn giữ niềm đam mê sáng tác. Giữa núi rừng không có bút chì hay giấy đã khiến họa sĩ Đắc nảy ra ý định làm tranh bằng chất liệu có sẵn.
Trong gần 60 năm sáng tác, họa sĩ Văn Đắc đã tạo ra gần 700 bức tranh từ bẹ chuối khô.
"Hồi đó không có bút vẽ hay giấy gì, dọc rừng Trường Sơn thì chuối nhiều vô kể, mỗi giờ nghỉ ngơi, tôi quan sát thì nhận thấy những bẹ chuối khô có màu sắc rất đẹp, gam màu cánh gián mộc mạc, tùy mỗi lớp của bẹ chuối sẽ có những độ đậm nhạt riêng. Qua đó tôi mới nảy ra ý định dùng bẹ chuối thay cho mực, tùy gam màu mà ghép thành tranh", họa sĩ Đắc nhớ lại.
Để thử nghiệm cho ý tưởng của mình, ông Đắc đã tìm những bẹ chuối khô đẹp nhất, lấy kéo cắt tỉa thành những mảnh ghép nhỏ, sau đó tùy gam màu của bẹ chuối để sáng tạo tranh. Bức tranh đầu tiên mà họa sĩ Đắc thực hiện mang tên "Vũ điệu", lấy cảm hứng về một thiếu nữ là cô bạn của ông lúc đó đang học tại Học viện múa Việt Nam.
Bức tranh về Cầu Rồng do họa sĩ Văn Đắc tạo ra.
"Khi tạo ra bức tranh "Vũ điệu" này tôi rất vui, không ngờ ý tưởng dùng bẹ chuối làm tranh lại có thể mang đến sự mộc mạc, độc đáo đến vậy. Từ đó đến nay, tôi đã tạo ra gần 700 bức tranh làm từ bẹ chuối khô", họa sĩ Đắc chia sẻ thêm.
Sau khi xuất ngũ, ông Đắc tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm từ bẹ chuối khô và dành thêm thời gian để nghiên cứu đặc tính, cấu tạo của bẹ chuối, thử nghiệm sao cho bức tranh có tuổi thọ thật lâu dài.
Bức tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chia sẻ bí quyết để có những bức tranh bằng bẹ chuối hoàn hảo, họa sĩ già Phan Văn Đắc cho biết, bẹ chuối phải khô tự nhiên, nếu hái bẹ chuối tươi rồi phơi là không bao giờ làm được. Dù không sặc sỡ, bắt mắt nhưng bẹ chuối khô lại mang nét mộc mạc, giản dị, rất có hồn.
Tuổi thọ của tranh thì tùy thuộc nhiều vào các loại keo kết dính bẹ chuối cùng với cách bảo quản, mùa ẩm thấp, tranh sẽ nhạt màu đi nhưng đến mùa khô ráo sẽ lại quay về gam màu cũ.
Tuổi thọ của tranh bẹ chuối do họa sĩ Văn Đắc tạo nên tùy thuộc nhiều vào các loại keo kết dính cùng với cách bảo quản, mùa ẩm thấp, tranh sẽ nhạt màu đi nhưng đến mùa khô ráo sẽ lại quay về gam màu cũ.
Trong gần 60 năm sáng tác, họa sĩ Văn Đắc đã có nhiều tác phẩm đoạt giải, trưng bày trong các bảo tàng văn hóa và bán ra các nước và vùng lãnh thổ như: Đức, Nga, Đài Loan...
Các tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Văn Đắc có thể kể đến bức "Điểm chốt", mô tả lại hình ảnh của quân giải phóng miền nam Việt Nam tại chiến trường Quảng Trị, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam; bức "Bình yên ở biển" đang thuộc bộ sưu tập của Hội mỹ thuật Việt Nam.
Chất liệu bẹ chuối mang đến cho tranh Văn Đắc một sự giản dị, mộc mạc.
Bên cạnh đó, tranh về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay các bức tranh thiên nhiên về Phong Nha - Kẻ Bàng, chùa Hoằng Phúc... cũng được treo trưng bày tại các khu du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Bình.
(Theo Dân trí)