Rực rỡ niềm tin

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2022 | 7:47:50 AM

YênBái - Lá cờ đỏ sao vàng phần phật trong nắng gió Lũng Cú - nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Theo chiều dài đất nước, rạng rỡ cờ tung bay trong gió mặn mòi sóng biển của mũi Cà Mau. Chắc hẳn, trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh cờ đỏ sao vàng luôn in đậm với bao kỷ niệm từ thủa cắp sách tới trường.

Cờ Tổ quốc và cờ tôn giáo ở quần thể chùa Minh pháp và đền Rối, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái
Cờ Tổ quốc và cờ tôn giáo ở quần thể chùa Minh pháp và đền Rối, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái

 Những chiếc thuyền cá giữa mênh mông biển cả, từng điểm trường cắm bản xa lắc miền biên ải, hình ảnh 5 cánh sao vàng giữa nền đỏ như thắp ấm bình yên. Cờ trùng trùng lớp lớp theo bài ca ra trận năm xưa; rực rỡ các nẻo đường trong dịp lễ tết hôm nay. Sắc đỏ sao vàng bật giữa núi rừng xanh heo hút của chốt kiểm dịch, cuồn cuộn trong tiếng hò reo "Việt Nam chiến thắng!” dâng trào…

Tả sao cho hết, bởi cờ đỏ sao vàng là hồn nước, là sự thiêng liêng Tổ quốc trong mỗi người con đất Việt. "Nền cờ đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, nhiệt huyết cách mạng, biểu tượng cho sự chiến đấu, chiến thắng; màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da của người Việt, linh hồn dân tộc; năm cánh sao vàng tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”. 

Lý giải đó cũng như để minh chứng cho sự hy sinh anh dũng của lớp lớp cha ông và của toàn dân ta trong giành lại độc lập tự do, giữ vững giang sơn gấm vóc. Sử sách để lại rằng, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp cuối năm 1940, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện. Lá cờ đỏ sao vàng được lực lượng Việt Minh sử dụng hiệu triệu nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. 

Tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong buổi lễ Tuyên bố độc lập tại Quảng trường Ba Đình. 

Ngày 5/9/1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh lá cờ Việt Nam còn được ghi nhận thông qua mỗi bản hiến pháp. Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể: Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. 

Như thế khẳng định, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng nhất, thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng để xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc hướng đến hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Giờ đây, gia đình nào cũng có ít nhất một lá cờ Tổ quốc. Vào dịp lễ lớn hay tết đến xuân về, nhà nhà lại treo cờ. 

Cờ rực rỡ mọi miền từ nông thôn đến thành thị, từ vùng thấp đến vùng cao tạo không khí tưng bừng, lòng người xốn xang. Trụ sở chính quyền, cơ quan treo cờ; bệnh viện, trường học treo cờ; công trường, nhà máy treo cờ… 

Cờ đỏ sao vàng tung bay ở nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; rực rỡ trong rừng cờ hội, nổi bật ở các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Treo cờ như trở thành nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân. Nét văn hóa này đang lan tỏa sâu rộng ở tỉnh Yên Bái khi chúng ta thực hiện vận động "Treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo và nhà riêng tín đồ các tôn giáo”. 

Thành nét văn hóa nên việc treo cờ Tổ quốc vẫn như một lẽ đương nhiên của người dân dù lương hay giáo. Bởi, làm gì có văn bản hay quy định nào của giáo hội các tôn giáo ngăn cấm nét văn hóa này của người Việt, cũng như cơ sở tôn giáo, nhà riêng của tín đồ. Hơn thế nữa, các tôn giáo ở Việt Nam đều vững đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng đất nước, dân tộc.

Ngay từ năm 1981, tại Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lựa chọn phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” để định hướng hoạt động. 

Đối với Công giáo thì trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước sau Đại hội Giám mục toàn quốc năm 1980 khẳng định: "Chúng ta phải là Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam”, "Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa”, "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm”... 

Trong Sứ điệp gửi giới trẻ Công giáo Việt Nam ngày 20/11/2019, Giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi "Các con hãy yêu nhà của các con! Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà Tổ quốc. Các con hãy yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước của các con. Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ quốc”.

Lá cờ đỏ sao vàng là hồn đất nước. Yêu dân tộc, tự hào về đất nước Việt Nam thì yêu cờ Tổ quốc, trân trọng việc treo cờ như một hành động vô cùng thiết thực. Theo Chương trình hành động số 06/CTr-UBND về thực hiện cuộc vận động "Treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo, nhà riêng tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, chúng ta hướng đến vận động các tổ chức, cá nhân tôn giáo tự nguyện, tự giác treo cờ Tổ quốc vào dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương, tết cổ truyền của dân tộc và các dịp lễ trọng đại, các sự kiện quan trọng của tổ chức tôn giáo nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chung sức, đồng lòng theo đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đồng thời tạo sự đồng bộ, nét đẹp văn hóa trong những ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. 

Mục tiêu đề ra là 100% cơ sở tôn giáo đã được chính quyền chấp thuận, 95% nhà riêng tín đồ các tôn giáo trên địa bàn treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước, địa phương, ngày tết cổ truyền của dân tộc và các lễ trọng của tôn giáo… Đương nhiên, việc treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo phải thực hiện một cách trang trọng, nghiêm túc theo Hướng dẫn số 3420 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các quy định về hoạt động lễ hội.

Rồi đây, văn hóa treo cờ Tổ quốc dần như thường lệ trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Lá cờ đỏ sao vàng sẽ luôn tươi mới ở mỗi gia đình trong dịp lễ tết. Trong khuôn viên của cơ sở tôn giáo, cờ Tổ quốc, cờ tôn giáo, cờ hội cùng tung bay trong niềm tin lớn lao của mỗi người dân và tín đồ tôn giáo. 

Cờ đỏ sao vàng không những làm rạng rỡ thêm nhà thờ, nhà nguyện, ngôi chùa, đình, đền mà còn khẳng định phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các tổ chức tôn giáo. Tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương, đất nước sẽ tiếp tục lan tỏa mãi mai sau.

 Minh Quang

VỀ MIỀN TÍN NGƯỠNG

Những ngày tháng Ba âm lịch, tôi tìm về nơi được coi là cội nguồn của Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam và cũng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của vùng Tây Bắc - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Đông Cuông. Dù đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng lượng du khách tới chiêm bái tại đây cũng chưa quá đông. 

Hai cột cờ ở sân trước đền chính, cờ Tổ quốc và cờ hội đón gió sông Hồng tung bay trong nắng. Đây là ngôi đền cổ đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc và nét văn hóa truyền thống của người Tày Khao Đông Cuông. 

Ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết: "Ở đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên”.

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn. 

Hàng năm, cứ vào đầu năm - bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm - từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng, đạo quan trên mọi miền đất nước lại về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh”. 


Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Đông Cuông là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của vùng Tây Bắc. Trong ảnh: Nghi lễ rước Mẫu sang sông tại Lễ hội đền Đông Cuông. 

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Bên tả sông Thao ghé thăm Chùa Tùng Lâm - Ngọc Am tọa lạc ở phường Hồng Hà được xem như trung tâm Phật giáo của tỉnh Yên Bái, một trong những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo linh thiêng bậc nhất vùng núi cửa ngõ Tây Bắc từ xưa đến nay. Chùa được khởi dựng vào khoảng cuối triều Nguyễn (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX). 

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, tới nay, toàn bộ khuôn viên được quy hoạch xây dựng khang trang. Từ bờ bên đất Hợp Minh phóng tầm mắt qua sông, chùa Tùng Lâm - Ngọc Am nổi bật với Bảo tháp, Tam quan và rực rỡ màu cờ. Ngoài dịp mùng Một, ngày Rằm, hàng năm tại chùa diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo quan trọng, thu hút phật tử, nhân dân và du khách thập phương tham quan, chiêm bái. 

Đại đức Thích Minh Huy - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Yên Bái, Trụ trì chùa Tùng Lâm - Ngọc Am cho biết: "Để làm tốt vai trò truyền bá Phật giáo, là nơi tu hành của tín đồ, phật tử, đặc biệt là trong thời điểm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, nhà chùa đã có nhiều phương án và biện pháp đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh đối với bà con phật tử và du khách thập phương khi tới tham quan, chiêm bái tại chùa”.

Cùng với "dòng chảy” tôn giáo, tín ngưỡng, thời gian qua, các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn chú trọng công tác trùng tu, xây dựng các thánh đường. Đây không chỉ là địa điểm thực hành tín ngưỡng mà còn là nơi tham quan, du lịch được yêu thích của nhiều người. 

Qua mỗi năm, với sự đoàn kết, chung tay của các giáo dân, giáo hội trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa, diện mạo của các nhà thờ Công giáo trên địa bàn tỉnh đã được trùng tu thu hút khách thập phương. 


Các nhà thờ Công giáo đã góp phần làm không gian kiến trúc thêm phong phú.

Nhà thờ Yên Bái, nhà thờ Quần Hào ở phường Yên Thịnh, nhà thờ Bảo Long ở xã Bảo Hưng, nhà thờ Họ giáo Mông Sơn… với kiến trúc đẹp và những tháp chuông cao vút tôn lên cuộc sống thanh bình của những vùng quê. Được biết toàn tỉnh có 3 tôn giáo được công nhận là Phật giáo, Công giáo và Tin lành với tổng số trên 78 nghìn tín đồ, 177 tổ chức tôn giáo cơ sở. 

Trong các hội xuân, sự kiện trọng đại của đất nước, các cơ sở tôn giáo đều trang trí lộng lẫy theo đúng nghi thức, trong đó cờ Tổ quốc được treo cao ở vị trí trang trọng. Nền đỏ sao vàng nổi bật trên cao thôi thúc khách hành hương và các tín đồ tôn giáo thêm kính chúa yêu nước, thực hiện tốt việc đạo, việc đời. 

Tháng Ba tìm về miền tín ngưỡng để được lắng lại trong không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ khiến cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, vừa để chiêm nghiệm những giá trị văn hóa từ xa xưa cũng là dịp để nhắc nhớ mỗi chúng ta về trách nhiệm giáo dục truyền thống yêu nước, tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Thu Trang

NIỀM VUI ĐI LỄ ĐỀN, CHÙA

Theo nếp truyền thống, vào mùng Một, ngày Rằm, mọi gia đình Việt thường đi lễ đền, chùa cầu bình an, cầu lộc, cầu tài. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, những dịp này, người dân trên địa bàn thành phố Yên Bái thường đến chiêm bái tại đền Tuần Quán tọa lạc ở phường Yên Ninh - nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Năm 2005, UBND tỉnh công nhận đền Tuần Quán là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. 

Mỗi người đi lễ không chỉ để tìm cho mình những giây phút bình yên, xua đi những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật mà không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng. 

Bà Nguyễn Thị Vinh ở phường Yên Thịnh chia sẻ: Nhiều năm nay, theo tuần, tiết, tháng nào tôi cũng đến dâng hương, dâng hoa tại đền Tuần Quán. Đến cõi linh thiêng lòng mình cũng trở nên thanh tịnh, cũng là cách để tu tâm dưỡng tính...  


Người dân dâng lễ tại Lễ hội đền Mẫu Thác Bà. 

Không chỉ đền Tuần Quán, người dân có thể đến chiêm bái tại đình và đền Nam Cường, thuộc xã Nam Cường; chùa Tùng Lâm, Ngọc Am thuộc phường Hồng Hà; chùa Linh Long, phường Minh Tân; chùa Minh Pháp, xã Tân Thịnh…

Bà Lê Thu Lĩnh - người dân xã Minh Bảo cho hay: Tháng nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên tại gia đình, tôi lại sửa lễ đến cửa chùa. Đây là dịp để tôi cũng như người thân của mình cầu mong sức khỏe, bình an. Tôi muốn các con, các cháu biết đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà trân trọng gìn giữ”. 

Hòa mình vào không gian linh thiêng nơi cửa Phật, bà Lĩnh như tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau những bộn bề của cuộc sống. Đồng thời thêm hiểu biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy... 

Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh, nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ đền, chùa vẫn luôn được người dân nâng niu gìn giữ. Không biết từ bao giờ, con người hướng tâm hồn vào nơi cửa Phật, tới giáo lý nhà Phật để biết yêu thương chia sẻ. 

Ngôi chùa trong quá khứ hay hiện tại đều là những thực thể sống động mà ở đó, mỗi người có thể tự tìm và hiểu thêm về những ẩn sâu chất chứa trong bản sắc văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam, từ đó thêm tin yêu, trân trọng công lao của các thế hệ cha ông làm cho quê hương, đất nước rạng ngời.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. 

Những ngày tháng qua, đeo khẩu trang, khai báo y tế… là việc mỗi người đi lễ chốn đền, chùa đều chấp hành nghiêm. Họ không chỉ cầu tài, cầu lộc mà còn mong ước dịch bệnh được đẩy lùi, mong quốc thái, dân an, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người.

Minh Huyền

Tags Cờ Tổ quốc cờ tôn giáo chùa Minh pháp đền Rối xã Tân Thịnh thành phố Yên Bái trường học treo cờ; công trường nhà máy treo cờ đền Tuần Quán đền Đông Cuông

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục