Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều việc đau lòng ở lứa tuổi teen, đang là hồi chuông cảnh báo đối với nhiều gia đình. Có rất nhiều tranh luận sôi nổi xoay quanh vấn đề này và hầu hết đều cho rằng nguyên nhân lớn nhất vẫn là bố mẹ và con cái chưa tìm được tiếng nói chung, chưa hiểu nhau và bố mẹ chưa có sự kết nối với con. Vì vậy, làm thế nào để bố mẹ hiểu con hơn đang là câu hỏi để ngỏ.
"Để giúp cho con cái có đời sống tinh thần phong phú và nuôi dưỡng tâm hồn thì sách là một người bạn vô cùng tuyệt vời mà cha mẹ dành cho con cái. Để tăng cường kết nối, làm bạn và thấu hiểu con hơn thì cha mẹ nên dành 15 phút mỗi ngày để đọc sách cùng con. Đây là một điều vô cùng thú vị mà gia đình tôi đã thực hiện nhiều năm nay”.
Đó là chia sẻ của nhà báo – diễn giả Phạm Thị Hoài Anh tại buổi nói chuyện về chuyên đề: "Nuôi dưỡng thói quen đọc sách - nền tảng của sự kết nối giữa cha mẹ và con cái” do Ban TKBT (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức ngày 19/4, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ - Hà Nội nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.
Diễn giả Phạm Thị Hoài Anh là mẹ của 2 con đang ở lứa tuổi tiểu học. Chị cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như: "Trái tim của mẹ”, "Bàn tay của bố”, "Mỗi ngày 15 phút yêu con”... Trong đó, cuốn sách "Trái tim của mẹ” được giải nhất cuộc thi "Samsung kid time author Award 2015” trong mảng sách tranh, giành cho các tác giả Đông Nam Á.
Lý giải về lợi ích tuyệt vời của việc đọc sách, chị Hoài Anh cho biết, trong các buổi nói chuyện, những câu hỏi mà chị nhận được nhiều nhất là: Đọc sách có lợi ích gì không? Sách có cung cấp kỹ năng sống gì không? Nên cho con đọc những cuốn sách gì?...
Chị Hoài Anh cho biết: Sau 12 năm đồng hành đọc sách cùng các con, điều lớn nhất chị nhận được đó là sự kết nối khăng khít giữa cha mẹ với các con. Sau đó là sự kết nối giữa thầy cô và gia đình. Chính vì vậy, chị Hoài Anh khuyên các gia đình nên nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con càng sớm càng tốt. Thậm chí là đọc sách cho con nghe ngay từ lúc bạn ấy mới chào đời. Nếu gia đình nào chưa bắt đầu thì ngay bây giờ hãy bắt tay vào đọc sách cùng con cũng chưa phải là quá muộn. Đọc sách để nuôi dưỡng sự tự tin cho các con. Từ đó, tạo ra động lực, niềm vui giúp các con học tập được tốt hơn.
Vì sao các gia đình nên đọc sách cùng với con? Trả lời câu hỏi này, chị Hoài Anh nói: Sự quý giá của việc đọc sách là tận hưởng niềm vui cùng các con. Thói quen đọc sách của trẻ cũng cần phải được rèn luyện từ cha mẹ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ gia đình, chị Hoài Anh bày tỏ: "Tôi xây dựng tủ sách và không gian đọc sách cho các con từ rất bé. Gia đình tôi để sách ở tất cả các phòng để các con dễ nhìn thấy nhất, từ phòng khách đến phòng ngủ. Công việc này tôi làm đều đặn và liên tục - dành 15 phút/ngày và đây là cách tạo thói quen tốt cho các con. Những hôm nào vợ bận thì chồng thay thế. Hồi đầu khi mới bắt đầu tạo thói quen đọc sách thì chồng tôi cũng khó chịu nhưng sau đó quen dần, lại thấy thú vị. Thông qua buổi đọc sách, tôi cảm thấy nói chuyện với con rất dễ dàng, có những câu chuyện thầm kín ở tuổi dậy thì cũng được con dễ dàng chia sẻ”.
Chị Hoài Anh khẳng định: cha mẹ nào cũng có thể nuôi dưỡng thói quen và tình yêu đọc sách cho các con nếu biết kiên trì đồng hành cùng con đúng cách. Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cũng là nuôi dưỡng cảm xúc và niềm vui thích học hỏi, khám phá. Đọc sách cùng con giúp cha mẹ vun đắp mối quan hệ mang nhiều ý nghĩa và bền lâu với con.
Tham gia buổi nói chuyện, nhà báo Trần Đức Nuôi - năm nay hơn 70 tuổi, người có rất nhiều cuốn sách được xuất bản và được mệnh danh là "người chép sử của VOV" cũng rất đồng tình với quan điểm của diễn giả Hoài Anh.
Nhà báo Trần Đức Nuôi chia sẻ: "Để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, việc dành ra cho con 15 phút mỗi ngày để đọc sách cùng còn là một điều vô cùng tuyệt vời đối với bất cứ gia đình nào và nó là điều cần phải có trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, vì cơm áo gạo tiền nên nhiều gia đình không còn thời gian dành cho nhau, trong đó có cả việc đọc sách cùng nhau. Điều này thật sự đáng tiếc”.
Chia sẻ về gia đình mình, ông cho biết: "Gia đình tôi có 4 đứa cháu nội, chẳng đứa nào thích đọc sách mà toàn điện thoại và smartphone... Tôi thật sự đau lòng với lớp trẻ hiện nay khi chúng nó rất ít khi đọc sách, dẫn đến thiếu hiểu biết. Những kiến thức quý báu đều đến từ sách vô cùng quan trọng đối với các bạn trẻ. Có 2 điều mà tôi rút ra từ việc đọc sách đó là: thay đổi tư duy và luận lý. Đọc sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn rất tốt, người lớn chúng ta phải là người thầy truyền cảm hứng đọc sách cho các con. Ngay cả người lớn cũng phải đọc sách để có cách dạy con được tốt hơn, có cái nhìn thấu đáo hơn với con. Thời của tôi đọc sách là niềm yêu thích và là một khát vọng.
Cuốn sách đầu tiên tôi đọc là của tác giả Phan Quang (Phan Quang là nhà văn, nhà báo tiêu biểu, dịch giả của nhiều cuốn sách nổi riếng – PV). Bây giờ là một thực trạng, là một cái "bẫy” để "bẫy” con em của chúng ta vào chỗ đọc sách bắt buộc và không còn là niềm cảm hứng. Ngày nay các cháu dậy thì rất sớm. Các thầy cô dạy cháu về dạy về giáo dục giới tính và xâm hại tình dục đến mức các cháu gái về nhà cảnh giác ngay cả với ông nội, với bố và tất cả những người đàn ông mà cháu biết. Qua đó cho thấy một sự hoảng loạn và khủng khiếp như thế nào. Tôi rất sợ điều này và đã chia sẻ trên Facebook vài lần. Chúng ta đừng giáo dục các cháu theo kiểu đó mà hãy để cho các cháu đọc sách để thấu hiểu hơn về giới tính và tình cảm nam nữ...".
Có một câu chuyện mà ông vô cùng ân hận và đến bây giờ vẫn không thể nào quên được, đó là hồi bé ông bắt con ông đọc truyện "Ruồi trâu”. Cậu con trai hồi đó chỉ đọc được 20 trang rồi bỏ dở vì sợ. Đến bây giờ nó đã 50 tuổi cũng không dám đọc tiếp cuốn sách đó.
Từ câu chuyện gia đình mình, nhà báo Trần Đức Nuôi khuyên các cha mẹ "Hãy thấu hiểu, lắng nghe, tôn trọng con cái và đừng bao giờ áp đặt con cái làm theo ý của mình”- ông nói trong ân hận.
(Theo VOV)