Khán giả có thờ ơ với múa?
Để giải tỏa nỗi băn khoăn của một số người làm nghề múa, mới đây Tạp chí Nhịp điệu (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam) đã thực hiện một khảo sát ngẫu nhiên trên mạng xã hội đối với 300 khán giả và thu được kết quả khá bất ngờ. Trong bảng khảo sát, tác giả đưa ra 3 loại hình nghệ thuật mà khán giả quan tâm như: Phim ảnh, Múa và Ca nhạc thì tỷ lệ người quan tâm đến múa khá cao, chiếm tới 53,8%, người thường xuyên xem múa chiếm 44,8%, chỉ đứng sau Phim ảnh: 58,6%.
Nhìn vào tỷ lệ khán giả quan tâm đến múa như vậy, có lẽ người trong ngành múa cũng sẽ bất ngờ khi thấy rằng, không phải khán giả quay lưng lại với múa mà ngược lại có khá nhiều khán giả hứng thú với múa... Điều này đặt ra câu hỏi cho nhiều nhà biên đạo – sáng tác múa: Phải chăng chính họ lại là người đang thờ ơ với khán giả?!
Cũng qua bảng khảo sát cho thấy, tỷ lệ khán giả yêu thích loại hình múa dân gian dân tộc chiếm tới 54,4%; trong khi tỷ lệ khán giả yêu thích múa hiện đại, đương đại chỉ chiếm 40%.
Kết quả này cũng cho thấy múa dân gian, dân tộc vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả yêu múa; và nó cũng chứng minh rằng thị hiếu nghiêng về múa hiện đại, đương đại cũng không nhiều như các nghệ sĩ múa từng nghĩ. Vậy tại sao trong những năm gần đây, khi xem múa (dù là tác phẩm múa độc lập hay tác phẩm múa minh họa), biên đạo thường sử dụng chất liệu, thủ pháp hoặc ngôn ngữ múa đương đại là chính.
Lý giải cho điều này, giới chuyên môn cho rằng, do xu hướng dàn dựng, do nhu cầu khán giả yêu thích thể loại múa này... Tuy nhiên, nhìn vào kết quả khảo sát, chúng ta nhận thấy rằng có lẽ xu hướng sáng tác của các biên đạo múa thời nay đã chủ động chọn ngôn ngữ hoặc thủ pháp đương đại để xây dựng tác phẩm chứ không hẳn do nhu cầu từ khán giả.
Và cũng nhìn vào bảng thăm dò, khảo sát này để thấy rằng nhu cầu giải trí nghệ thuật nghiêng về góc nhìn dân tộc, góc thưởng thức dân tộc, bản sắc vẫn là một nhu cầu tự thân... vấn đề là tác phẩm có chạm được vào cảm xúc của khán giả hay không?
Xây dựng thị hiếu cho khán giả
Biết rằng khán giả là quan trọng, thị hiếu thưởng thức của công chúng ở một chừng mực nào đó đánh giá sự thành bại của tác phẩm... nhưng mặt khác, thị hiếu không đồng nhất và bất biến. Có những thị hiếu khá phổ cập, song có những thị hiếu rất cá biệt, tùy theo đặc điểm, hoàn cảnh cá nhân và môi trường sống. Cũng có một số đặc điểm và biểu hiện chung về thị hiếu của một tập thể hay cộng đồng. Ngay đối với một người, thị hiếu cũng có thể thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống.
Rõ ràng môi trường sống của một người hay một tập thể tác động rất lớn đến phong cách sống, nhận thức, suy nghĩ về thế giới chung quanh cũng như góp phần hình thành thị hiếu của người đó hay tập thể đó. Những yếu tố cụ thể về vật chất, về tài chính... và những yếu tố văn hóa, văn minh tác động rất lớn đến thị hiếu của cả một vùng địa lí hay cộng đồng.
Theo PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh - Tổng Biên tập Tạp chí Nhịp Điệu, thị hiếu của khán giả cũng thể hiện ở mức độ và tính chất khác nhau, không phải cứ thị hiếu của công chúng là khách quan bởi có những thị hiếu được tạo ra từ hiệu ứng đám đông, từ khả năng quảng bá của nhà sản xuất, và từ rất nhiều lí do, chiêu trò nhắm vào sự tò mò của khán giả hơn là nhắm vào chất lượng nghệ thuật của tác phẩm... Thế nên, tác giả sáng tạo cũng phải tỉnh táo, phải xác lập cho mình một hướng đi và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng chứ không thể mải mê chạy theo thời thế, thị hiếu đám đông một cách mù quáng.
Cũng theo NSND Ứng Duy Thịnh, nghệ sĩ múa xét cho cùng chỉ là lớp người thiểu số trong xã hội. Nhìn một cách tổng quát, nghệ thuật múa vốn không ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách con người, cũng không hẳn cần thiết như cách xã hội ta đang quy chiếu. "Nhưng chính múa lại luôn tồn tại trong đời sống con người, nằm ngoài ý muốn chủ quan của chúng ta. Theo nghĩa đó, mỗi người đều là nghệ sĩ của chính mình nhờ thị hiếu thẩm mĩ riêng” - ông Thịnh nói.
Đứng trước sự bùng nổ công nghệ thông tin và toàn cầu hóa về văn hóa, nên câu chuyện khán giả có nhiều lựa chọn về các kênh giải trí và gu thưởng thức nghệ thuật cũng là một lẽ tất yếu... Và vấn đề các ngành nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng đều phải đứng trước guồng quay của sự cạnh tranh và vận động không ngừng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng chính nhờ sự đổi mới của công nghệ toàn cầu đã đưa đến cho nghệ sĩ múa thời đại mới nhiều cơ hội, nhiều công cụ hữu ích phục vụ mục tiêu sáng tạo và quảng bá tác phẩm...
Nhìn vào thực tế, chúng ta cũng nhận thấy rằng thách thức không đồng nghĩa với chuyện triệt tiêu khả năng phát triển, thui chột vận hội và thời cơ mà ngược lại thách thức cũng chính là thử thách, là động lực buộc người nghệ sĩ phải vận động, phải thay đổi, không thể giậm chân tại chỗ... điều đó có nghĩa là những nhà sáng tạo múa phải tìm ra nhiều phương pháp sáng tạo mới để hấp dẫn khán giả, để bản thân không tụt hậu, lu mờ.
(Theo daidoanket)