Nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã lấy đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt. Đây không chỉ là sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, một vết sẹo trong ký ức dân tộc, mà còn là một trong những nạn đói kinh hoàng nhất từng xảy ra trong lịch sử nhân loại.
Để nhìn lại sự kiện này, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Công ty Omega Plus ấn hành cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử." Điều đặc biệt là cuốn sách do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết: Giáo sư Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) và giáo sư Furuta Motoo (Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Đông Nam Á).
Đây là một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993-1994, 1994-1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra Bắc.
Các tác giả đã nghiên cứu và tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại bức tranh toàn cảnh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Tác phẩm nhằm cung cấp cho độc giả một cách đầy đủ và có hệ thống những chứng tích về sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong lịch sử.
Theo con số ghi chép từ cuốn sách của giáo sư Văn Tạo và giáo sư Furuta Moto, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải, Thái Bình) nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất, 66,66% số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ.
Giáo sư Furuta Motoo viết trong sách: "Số nạn nhân của nạn đói ở thôn Lương Phú, xã Tây Lương, mà những người còn may mắn sống sót đã cho là tới hơn 40% tổng số dân của thôn, tương đương với mức thiệt hại đã xảy ra ở vùng Hachinothe miền Bắc Nhật Bản, nơi gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất trong suốt nạn đói lớn nhất ở Tenmei ở thời kỳ Edo."
Cuốn sách tập hợp lời kể của nhiều nhân chứng.
Viện trưởng Viện Sử học, phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Quang Hải cho rằng việc tìm hiểu, nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và những hậu quả của nó không chỉ có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu lịch sử mà còn có tác dụng lên án những tội ác của chủ nghĩa phátxít, sự tàn bạo của chiến tranh và nêu cao thông điệp hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Đánh giá về cuốn sách, phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Quang Hải nói: "Kết quả của công trình đã làm sáng rõ về số lượng hơn 2 triệu người chết đói (dân số Việt Nam lúc đó là 20 triệu người); về nguyên nhân sinh ra nạn đói năm 1945 và hậu quả nghiêm trọng của nó. Cuốn sách đã chứng minh một cách chắc chắn rằng: Nguyên nhân sinh ra nạn đói ở Việt Nam năm 1945 là do chính sách vơ vét, bóc lột tàn bạo của phátxít Nhật đối với nhân dân Việt Nam.”./.
Trích đoạn trong sách:
"Thôn tôi hầu hết ăn cháo cám. Có người mua cám, lấy trộm của Nhật một nắm gạo giấu dưới cám, thằng Nhật khám thấy, nó bắn chết luôn. Năm 1943, Nhật chủ trương vơ vét thóc. Thái Bình tổ chức được mấy vụ phá kho thóc của Nhật để tự cứu lấy mình. Thái Bình lúc đó có ban "Chấn chỉnh phong trào" mà nhiệm vụ chủ yếu là cứu đói, phá kho thóc của Nhật, nhờ đó mà cứu được một số dân bị đói. Tôi chỉ nhớ phá kho thóc làng An Lão bấy giờ thuộc xã Phong An, chặn mấy đoàn thuyền của Nhật ở sông Luộc. Năm ấy rất rét, cứ mỗi buổi sáng là hàng đoàn xe bò đi nhặt xác chết, vì ban đêm người bị đói lại bị rét nên chết rất nhiều. Người chết được xếp vào các hố lớn như xếp cá hộp, đổ vôi bột rồi lấp lại."
(Ông Giang Đức Tuệ, Nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình)
(Theo Vietnam+)