Đôi nét về biểu trưng (logo) thị xã Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 20/8/2022 | 3:53:48 PM

YênBái - Tổng thể biểu trưng (logo) thị xã Nghĩa Lộ thể hiện sự trường tồn và phát triển, đồng thời khơi dậy những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống cần gìn giữ và phát huy để xây dựng một thị xã phát triển toàn diện.

Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ trao giải cho các tác giả đạt giải cuộc thi sáng tác biểu trưng và thiết kế công trình biểu tượng du lịch thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh Thu Hiền
Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ trao giải cho các tác giả đạt giải cuộc thi sáng tác biểu trưng và thiết kế công trình biểu tượng du lịch thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh Thu Hiền


Tháng 9/2021, thị xã Nghĩa Lộ chính thức phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng và thiết kế ý tưởng công trình biểu tượng du lịch thị xã. Đối tượng tham gia được mở rộng đến tất cả các công dân Việt Nam trên phạm vi toàn quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài. 

141 tác phẩm của 56 tác giả tham gia dự thi sáng tác biểu trưng được tuyển chọn qua nhiều vòng khắt khe, biểu trưng (logo) của tác giả Nguyễn Văn Tiến ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh được thị xã lựa chọn.

Theo tác giả Nguyễn Văn Tiến: "Điểm nhấn chính của Logo chính là hình tượng mái nhà sàn với chiếc "Khau cút". Đây là những hình tượng đã trở thành biểu trưng tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái”. 


Theo nhà thiết kế, màu sắc được sử dụng trong thiết kế cũng mang những ý nghĩa riêng. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh của đoàn kết, màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng. 

Đến Nghĩa Lộ - Mường Lò ai cũng thấy những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái đen hai đầu hồi có cấu trúc khum khum như mai rùa (tiếng Thái gọi là "tụp cống”). Nó vừa tạo dáng vẻ chắc chắn, bền vững vừa gợi sự liên tưởng tới thần Rùa - vị thần trong truyền thuyết dạy cho người Thái cách làm nhà như hình con rùa đứng để có thể tránh thú dữ và lũ lụt. 

Trên đầu hồi nhà sàn thường có hai thanh gỗ bắt chéo nhau theo hình chữ X (gọi là Khau cút) được xem như biểu tượng sừng trâu gắn với việc cày cấy của người Thái thủa khai thiên lập địa. 

Khau cút đơn giản nhất gồm hai thanh gỗ bắt chéo nhau hình chữ X, đóng trên hai đầu đòn nóc với mục đích chắn cho mái tranh không bị xổ ra khi có gió thổi. Về sau nó được phát triển thành nhiều hình dáng khác nhau. 

Với trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa, các nghệ sỹ dân gian đã  tạo nên những hoa văn, họa tiết trang trí cho Khau cút một vẻ đẹp hoàn hảo với những tên gọi như: Khau cút chim, Khau cút tảu, Khau cút pụa nọi, Khau cút pụa luông, Khau cút lai bua. Khau cút vẽ vân xen/ Đầu kèo vẽ vân én/ Mái nhà xén bằng rui. Đây là câu ca về tiêu chí và vẻ đẹp của Khau cút trên chái một ngôi nhà người Thái. 

Về lịch sử của mình, người Thái đã có những cuộc thiên di đi tìm miền đất hứa. Họ ra đi vào cuối tuần trăng, nhìn mặt trăng khuyết ở cuối dãy núi họ hẹn nhau, hễ ai đến được phương trời nào, khi làm nhà thì dựng trên nóc một cái dấu hình mặt trăng khuyết để sau này con cháu họ nhận ra dòng giống của mình. Và chiếc dấu mang hình mặt trăng khuyết trong truyền thuyết chính là chiếc Khau cút quen thuộc gắn với ngôi nhà sàn của người Thái hiện nay.



Cấu trúc của Logo đơn giản, có tính khái quát cao, có thể dễ dàng phóng to, thu nhỏ và ứng dụng trên mọi chất liệu

Rồi nhắc đến Nghĩa Lộ là nhắc đến cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai Tây bắc nổi danh với câu nói "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc" với những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, hấp dẫn, trong đó đặc sắc nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. 

Những sự tích hoa Ban, suối Thia, khăn Piêu đã mang đến cho mảnh đất Nghĩa Lộ vẻ đẹp của sử thi và huyền thoại. Đó cũng là những nét đẹp vượt thời gian, không gian, góp phần làm nên sự trường tồn cho mảnh đất giàu truyền thống văn hóa.

Hình ảnh mái nhà sàn với ý nghĩa 21 dân tộc anh em ở thị xã Nghĩa Lộ đoàn kết dưới một mái nhà chung, cùng nhau chung sống, vun đắp và xây dựng thị xã Nghĩa Lộ vừa giàu mạnh, vừa bản sắc. Đồng thời, thể hiện niềm tự hào của những người con về những giá trị văn hóa riêng có đã làm nên thương hiệu "Nghĩa Lộ” trên bản đồ du lịch hoặc các công cụ tìm kiếm trên internet.

Mái nhà sàn đồng thời cũng là hình những ngọn núi trên dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, thể hiện địa hình đặc trưng với núi non bao bọc xung quanh thung lũng Mường Lò rộng lớn. Hình ảnh dòng suối Thia hiền hòa, vừa nuôi dưỡng cánh đồng Mường Lò phì nhiêu, vừa nuôi dưỡng những mạch nguồn văn hóa chảy ra từ cội nguồn huyền thoại, hòa quyện trong vòng tròn bất tử và thịnh vượng.

Hoa ban 5 cánh cách điệu đặt giữa logo thể hiện nét đẹp của xứ sở hoa ban trắng, cũng là nét đẹp của con người Nghĩa Lộ thủy chung, son sắt. Hai chữ "Nghĩa Lộ" được thể hiện khỏe khoắn, rõ nét biểu hiện cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, cho ý chí và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghĩa Lộ trong quá trình xây dựng thị xã phát triển toàn diện.


Cùng với logo, thiết kết Công trình biểu tượng du lịch thị xã Nghĩa Lộ thể hiện sự thân thiện, hiếu khách, nỗ lực vươn lên, xứng tâm là trung tâm du lịch của khu vực miền Tây Yên Bái cũng đã được lựa chọn.

Minh Quang

Tags Nghĩa Lộ Mường Lò logo biểu trưng du lịch miền tây

Các tin khác
Nhạc sỹ Phan Thao

Nhạc sỹ Phan Thao, tác giả của nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (Thơ Nguyễn Nhật Ánh), "An Giang quê em", "Anh có về Long Xuyên"… vừa qua đời ở tuổi 81.

Ban tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải đặc biệt cuộc thi ảnh “Khám phá du lịch Yên Bái”.

Ngày 19/8, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt đã tổng kết cuộc thi ảnh “Khám phá du lịch Yên Bái” trên Fanpage HungViettravel.vn.

Năm nào đồng bào các dân tộc ở Sơn La cũng háo hức đón chờ Tết độc lập.

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng dịch Covid-19, "Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2022" sẽ chính thức diễn ra đúng dịp Tết độc lập 2/9, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc.

Một cảnh trong phim

Sau thành công của 2 bộ phim “Chất độc da cam: Một lời cầu nguyện riêng tư” hoàn thành năm 2007 và “Sống trong mùa Xuân lặng lẽ” hoàn thành năm 2011, nữ đạo diễn người Nhật Bản Masako Sakata chuẩn bị ra mắt tác phẩm mới nhất trong loạt phim về chất độc da cam tại Việt Nam với tựa đề "Long Time Passing" (tạm dịch là: Một thời đã qua). Dự kiến, tác phẩm sẽ được trình chiếu tại các rạp ở Tokyo từ ngày 20/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục