Sân khấu thử nghiệm hứa hẹn mới lạ, thuyết phục

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/11/2022 | 2:27:37 PM

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V diễn ra từ 15 đến 26/11, tại Hà Nội và Hải Phòng.

Một cảnh trong vở “Hedda Gabler” của Nhà hát Tuổi trẻ - vở kịch tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần V, Hà Nội – 2022. Ảnh: Bình Thanh.
Một cảnh trong vở “Hedda Gabler” của Nhà hát Tuổi trẻ - vở kịch tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần V, Hà Nội – 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Ban tổ chức kỳ vọng sân chơi quốc tế này sẽ mang đến cơ hội giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, từ đó nâng cao chất lượng cũng như khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo đối với sân khấu nước nhà.

Hơn 20 vở diễn tranh tài

Sáng ngày 8/11, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội - 2022. Theo đó, liên hoan là ngày hội nghề nghiệp đặc biệt của giới sân khấu nước nhà và cũng là "tiệc” nghệ thuật dành tặng công chúng mến mộ và luôn kỳ vọng vào sự chuyển mình của sân khấu để đáp ứng nhu cầu giải trí hôm nay.

Đến thời điểm này, Ban tổ chức xác nhận sẽ có 21 vở diễn, tiết mục tranh tài tại liên hoan, trong đó số vở diễn trong nước có đến 15 vở của 15 đơn vị nghệ thuật đến từ Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Long An. So với các kỳ liên hoan trước, số lượng vở diễn tham gia liên hoan tăng và loại hình biểu diễn đa dạng hơn.

Trong đó, thể loại kịch nói, múa rối vốn rất quen thuộc trong các kỳ liên hoan trước thì tại kỳ liên hoan này có: "Antigone” (vở diễn khai mạc do LUCTEAM trình diễn), "Lá đơn thứ 72” (Sân khấu Lệ Ngọc), "Giác” (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long), "Hedda Gabler” (Nhà hát Tuổi trẻ), "Độc thoại đêm” (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh), "Ê Đíp làm vua” (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), "Đến bờ bên kia” (Đoàn kịch nói Hải Phòng), "Bản tình ca trên núi” (Nhà hát Múa rối Việt Nam), "Lời thề” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng)…

Riêng loại hình cải lương, nghệ thuật xiếc thì liên hoan lần này mới tham dự với vở cải lương "Truyền tích Nàng Thơm” (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) và vở cải lương kết hợp với xiếc "Thượng thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam).

Còn với vở diễn quốc tế thì có 6 vở của các đoàn nghệ thuật đến từ quốc gia: Italy, Ba Lan, Pakistan, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Có thể thấy, nếu như các kỳ liên hoan trước có nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia… thì kỳ liên hoan thứ V này biên độ mở rộng hơn khi có thêm sự góp mặt của cả những đoàn nghệ thuật phương Tây như Italy, Ba Lan…

Theo Ban tổ chức, được trở lại sau 4 năm, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế, có thể kể đến đoàn Tom Corradini Teatro đến từ Italia với vở "I Fratelli Lehman”, đoàn Dhyaas Performing Arts đến từ Ấn Độ với vở "The Transparent Trap”, đoàn Yvua Arts đến từ Hàn Quốc với vở "Then there were none”…

Trước đó, Ban tổ chức đã gửi thư ngỏ về liên hoan đến các đoàn và nhận được các clip vở diễn, từ đó hội đồng nghệ thuật thẩm định, chọn 10 vở diễn, để gửi thư mời. Tuy nhiên, đến phút chót, một đoàn nghệ thuật do hạn hẹp kinh phí phải hủy còn 3 đoàn của Trung Quốc không thể sang tham gia liên hoan vì dịch Covid-19 bên nước bạn vẫn diễn biến phức tạp.

Sẽ mới lạ và thuyết phục?

Cách đây 10 năm – năm 2002 - Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ nhất được tổ chức và đến nay đã bước vào liên hoan lần thứ V. Mỗi liên hoan đều đem đến cho công chúng yêu sân khấu không ít háo hức cùng sự kỳ vọng sẽ được thưởng thức những vở diễn có nhiều thử nghiệm mang tính đột phá.

Tuy nhiên, những kỳ vọng ấy dường như vẫn chưa đạt được khi ở cả 4 kỳ liên hoan trước mới dừng lại ở việc có một số vở diễn có yếu tố "thử” song chưa có được "nghiệm” thực sự mới lạ và thuyết phục.

Thậm chí, mỗi liên hoan vẫn lọt vào đó không ít vở diễn quá đơn giản (với các đoàn quốc tế - có đoàn trình diễn chỉ như một tiết mục cá nhân); sự cũ kỹ từ đề tài cho đến cách thể hiện, dàn dựng, trang trí sân khấu và cả diễn xuất, cứ như thể tham gia theo kiểu nhân dịp (với các đoàn nghệ thuật Việt Nam)...

Bởi vậy, dù mừng vui khi sân khấu nước nhà cũng như quốc tế đã vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 để được gặp gỡ, hội ngộ, thi tài; nghệ sĩ được dịp cọ xát, giao lưu, học hỏi song không ít người vẫn không khỏi băn khoăn rằng có nên đặt kỳ vọng quá lớn về những vở diễn thực sự mới lạ và thuyết phục sẽ được công diễn đến khán giả khi liên hoan lần thứ V này trở lại.

Nếu nhìn vào danh sách những đơn vị trong nước tham dự liên hoan lần này thì dễ dàng nhận thấy có nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa như Sân khấu Lệ Ngọc, LUCTEAM, Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long, Câu lạc bộ Sân khấu Biển hẹn (Hải Phòng), Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh – một lực lượng mạnh dạn thử nghiệm, sáng tạo và hướng đến nhu cầu công chúng nhiều hơn so với những đơn vị công lập thường ưu tiên yếu tố an toàn trong mỗi vở diễn.

Cùng với đó, theo ban tổ chức, liên hoan này có một số vở diễn mới được dàn dựng như: "Hedda Gabler”, "Trái tim người Hà Nội”, "Giác”, "Thượng thiên Thánh Mẫu”, "Lời thề”, "Bản tình ca trên núi”, "Đối thoại âm dương”, "Độc thoại đêm”, "Truyền tích nàng Thơm”…

"Đây là những tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật đầu tư lớn về chuyên môn, là những sự sáng tạo trong việc thử nghiệm các cách làm mới mẻ, tạo nên sự hấp dẫn của vở diễn. Cùng với đó, liên hoan lần này, đối với các đơn vị nghệ thuật trong nước đã có những thử nghiệm đáng kể trong các lĩnh vực như múa rối, kịch nói sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc, chắc chắn sẽ mang lại sự ngạc nhiên và cảm xúc tốt cho khán giả, đặc biệt là các bạn nghề ở các quốc gia tham dự liên hoan.

Chắc chắn yếu tố "thử nghiệm” là "chìa khóa” để Ban giám khảo cho điểm các vở diễn. Sự thử nghiệm càng độc đáo mang lại sự ngạc nhiên và cảm xúc mãnh liệt cho khán giả thì những vở diễn đó càng được đánh giá cao”, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam - Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan nhấn mạnh.

(Theo GD&TĐ)

Các tin khác
Tiết mục mở màn lễ khai mạc Ngày hội.

Tối 27/11, tại Quảng trường Hùng Vương, tỉnh Bạc Liêu long trọng khai mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 (gọi tắt là Ngày hội) với chủ đề “Bạc Liêu kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển”.

Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Hàn Quốc.

Hai di sản “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thang Duy nhận giải.

Thang Duy trở thành diễn viên nước ngoài đầu tiên đoạt Nữ diễn viên chính xuất sắc tại giải Rồng Xanh của Hàn.

Một màn trình diễn áo dài trên phố đi bộ Hà Nội.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, lễ hội Áo dài Du lịch năm 2022 sẽ diễn ra từ mùng 2-4/12 nhằm kích cầu du lịch của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục