Những cung bậc âm thanh của núi rừng hòa theo dòng chảy lịch sử đã sản sinh, hội tụ, hòa quyện tạo nên bức tranh sinh động về nhịp điệu cuộc sống vùng cao đa sắc màu, say đắm lòng người giữa núi rừng Tây Bắc.
Được thiên nhiên ưu đãi, Yên Bái có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch như: Vùng hồ Thác Bà; cánh đồng Mường Lò; các khu nước khoáng nóng, cảnh quan, khí hậu, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh vùng cao ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và TX. Nghĩa Lộ…
Đặc biệt, Yên Bái là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa; sự phong phú, đa dạng trong phong tục tập quán đa sắc màu của 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có 11 dân tộc có số dân tương đối đông và còn giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, có thể trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh là: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Cao Lan, Giáy, Khơ Mú, Phù Lá, Mường.
Mỗi tộc người, mỗi bản làng, mỗi vùng văn hóa đều mang những sắc thái riêng, độc đáo mà nhiều du khách trong nước và quốc tế đã lưu tâm và tìm đến. Tài nguyên du lịch nhân văn phong phú với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được xếp hạng cấp Quốc gia.
Nghệ thuật Xòe Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; con người Yên Bái thân thiện, mến khách… Những yếu tố đó đã và đang trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng xanh, bản sắc, hấp dẫn.
Tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trên cơ sở tiềm năng sẵn có, Yên Bái đã xây dựng những định hướng cho phát triển du lịch đi vào chiều sâu gắn với bốn vùng du lịch trọng điểm gồm: Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và Nam Trấn Yên; vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên và vùng du lịch miền Tây, nhằm khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch đặc thù của từng vùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch trong tỉnh nói chung và từng vùng nói riêng, đồng thời tạo động lực đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế chủ lực, đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Thiết thực giới thiệu, quảng bá với bè bạn, du khách gần xa về nét đẹp văn hoá, tiềm năng du lịch địa phương, tham gia Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, Yên Bái đã chọn lọc nét văn hóa tiêu biểu tạo nên chương trình nghệ thuật với chủ đề "Yên Bái trong sắc màu Tây Bắc”. Các tiết mục hát, múa dân gian, trình diễn trang phục truyền thống hay trích đoạn lễ hội do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên của Yên Bái thể hiện, kỳ vọng góp phần tạo nên bản hòa ca hoành tráng, hấp dẫn của văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc.
Mở đầu Chương trình nghệ thuật, đoàn nghệ thuật quần chúng các dân tộc Yên Bái sẽ đem đến Ngày hội những bộ trang phục đặc sắc của các dân tộc Thái, Mông và Dao đỏ. Mỗi bộ trang phục ngày thường, lễ cưới, lễ hội chính là niềm tự hào, là kết tinh giá trị văn hóa tiêu biểu, bản sắc truyền thống của mỗi dân tộc.
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái trong phiên chợ truyền thống.
Cùng với đó các tiết mục hát múa như hát Điếp boóc (Yêu hoa) dân ca Tày, múa Giông dân tộc Dao, độc tấu sáo Mông, Kềm mả (mẹ rừng) sẽ góp phần phác thảo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu Yên Bái.
Đặc biệt, nghệ nhân, diễn viên dân tộc Dao đỏ Yên Bái sẽ đem đến Ngày hội trích đoạn "Lễ hội cầu mùa” của dân tộc Dao đỏ. Cũng như các dân tộc khác nhắc đến đặc trưng văn hóa không thể không nhắc tới Lễ hội.
Người Dao đỏ Yên Bái quan niệm rằng vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương rẫy đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Vì vậy, Lễ hội cầu mùa là một phần văn hóa tâm linh quan trọng, phản ánh niềm tin vào thế lực siêu nhiên của người Dao sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ. Lễ hội được tổ chức ba năm một lần vào ngày Tý của tháng giêng hoặc tháng hai âm lịch. Theo quan niệm của người Dao đây là ngày khởi công đẹp cho mọi công việc của năm mới…
Cùng với đó là những hiện vật, nét đẹp văn hoá ẩm thực độc đáo, tinh thần thượng võ trong các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống của Yên Bái sẽ tô điểm, cộng hưởng, lan tỏa sâu rộng bức tranh đa sắc màu của văn hoá, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc.
Xuân Giao