"Tết Mông xuống phố" tôn vinh bản sắc văn hóa Mông

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/12/2024 | 9:35:54 AM

YênBái - Ngày hội “Tết Mông xuống phố 2025” vừa được tổ chức vào ngày 29/12 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội). Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc được các bạn trẻ người Mông tổ chức thường niên tại Hà Nội, nhằm quy tụ cộng đồng dân tộc Mông tại thành phố cùng đón Tết xa quê và là cơ hội tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo.

Một tiết mục văn nghệ tại Ngày hội
Một tiết mục văn nghệ tại Ngày hội

Chương trình diễn ra từ 8h sáng đến 21h tối ngày 29/12, "Tết Mông xuống phố 2025” mở cửa tự do, thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của cộng đồng người Mông từ khắp nơi trên cả nước, đặc biệt là các bạn trẻ đang học tập. 

Với chủ đề "Văn hoá đặc trưng của người Mông ở các vùng miền”, các hoạt động như: Hội thi văn nghệ, thưởng thức ẩm thực đặc trưng và tham gia trò chơi dân gian tại sự kiện đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của người Mông đến từ các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Nghệ An, Đắk Nông,...  đồng thời gắn kết cộng đồng và lan tỏa niềm tự hào dân tộc.

Với hành hình gần một thập kỷ, chương trình được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân Thủ đô mà còn cả những người yêu văn hóa trên khắp cả nước. 

"Tết Mông xuống phố" mang đến không gian văn hóa truyền thống, nơi mọi người có thể trải nghiệm các nét đẹp riêng biệt của người Mông qua những hoạt động đa dạng và phong phú. Từ các tiết mục văn nghệ mang âm hưởng dân gian đặc trưng đến trình diễn trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, mỗi phần của chương trình đều khắc họa rõ nét vẻ đẹp độc đáo trong đời sống và phong tục, tập quán của đồng bào Mông. 

Tham gia Ngày hội, không chỉ các bạn trẻ mà còn có sự tham gia của những người lớn tuổi. Họ đến từ các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An....về với Thủ đô để vui cùng ngày hội của dân tộc mình. Chị Trang Thị Mo (dân tộc Mông, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) chia sẻ: "Tôi biết đến Ngày hội này qua mạng xã hội. Đến đây, tôi thấy không khí rất vui, Ngày hội được tổ chức hoành tráng, quy mô rộng; đặc biệt, hình ảnh, con người và nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông được quảng bá sâu rộng đến bạn bè trong và ngoài nước”. 

Còn chị Sùng Thị Hạnh, cũng đến từ huyện Trạm Tấu, chia sẻ: "Đây là lần thứ 9, tôi được tham gia chương trình. Mỗi năm chương trình lại có một chủ đề khác nhau, thu hút đông đảo các bạn trẻ”.


Các bạn trẻ tham gia các hoạt động tại Ngày hội "Tết Mông xuống phố"

Hơn cả một lễ hội, "Tết Mông xuống phố" còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong xu thế phát triển và hội nhập. Sự kiện là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ người Mông hiểu và tự hào hơn về nguồn cội, đồng thời lan tỏa nét đẹp văn hóa đến với bạn bè cả trong và ngoài nước. Người dân thủ đô và du khách từ khắp nơi đến tham dự không chỉ để ngắm nhìn những trang phục rực rỡ sắc màu hay thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mông như mèn mén, thắng cố mà còn để trải nghiệm không khí gắn kết, đậm đà bản sắc của dân tộc Mông

Qua mỗi năm tổ chức, "Tết Mông xuống phố" không ngừng được hoàn thiện và mở rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Mông. Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa, "Tết Mông xuống phố" còn lan tỏa những giá trị ra cộng đồng, góp phần tạo nên những nét văn hóa ấn tượng, giàu cảm xúc và ý nghĩa. Qua đó, tăng cường gắn kết cộng đồng người dân tộc Mông và  đồng bào các dân tộc khác, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam.

Chế Ngọc

Tags Yên Bái dân tộc Mông bản sắc hành trình Tết xa quê

Các tin khác
TS Nguyễn Đăng Vũ (trái) nhận giải nhất (ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2024; tặng Bằng khen Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian; phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao Kỷ niệm chương mừng thọ cho các hội viên cao tuổi.

Hoa tớ dày nở rộ từ cuối đông đến đầu xuân.

Cuối đông sang xuân, hoa đào rừng (tiếng địa phương gọi là tớ dày) bắt đầu nở rộ trên những triền núi cao ở Mù Cang Chải. Loài hoa này không chỉ mang lại vẻ đẹp tinh khôi cho vùng núi Tây Bắc mà còn là biểu tượng của văn hóa và tâm hồn của người dân nơi đây.

Du khách thưởng lãm hoa tớ dày đang độ đẹp nhất ở Mù Cang Chải.

Huyện Mù Cang Chải nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp và nền văn hóa đa dạng của cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong bức tranh văn hóa ấy, Festival Khèn Mông và Lễ hội Hoa tớ dày (Festival và Lễ hội) đã trở thành những sự kiện đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Họp báo công bố cuộc thi. (Ảnh: Ban tổ chức)

Báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Hoàng Thành Media đã chính thức công bố hợp tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 với nhiều điểm mới. Đây là cuộc thi có lịch sử lâu đời, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục