Thảo thơm hạt gạo Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Cơn mưa nào đêm qua khiến rừng cây tươi tắn lạ thường, đỉnh núi xa thấp thoáng những dòng thác bạc như đổ từ trên trời xuống khiến ta tưởng thấy thác núi Lư trong thơ Lý Bạch đời Đường: “Thác bay thẳng xuống ba nghìn thước/Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây...”.

Thiếu nữ Thái Mường Lò. ( Ảnh: Lê Bác Đạt)
Thiếu nữ Thái Mường Lò. ( Ảnh: Lê Bác Đạt)

Rồi như một phép màu, xe ta bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa đương thì con gái: sóng lúa Mường Lò. Ta ngỡ ngàng trước màu xanh non óng ả, mượt mà trong nắng trải tới chân núi xa. Câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh - Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than - Than Uyên và Mường Tấc - Phù Yên). Tiểu vùng khí hậu Mường Lò ôn hòa, mát mẻ, trong lành; con người nơi đây thuần hậu, mến khách; thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với cây lúa nước, cứ một năm mấy vụ lúa tốt bời bời, ít sâu bệnh, cây lúa mập mạp, hạt gạo thơm dẻo vô cùng. Ta tự hỏi, sao giữa bốn bề núi non cao ngất của dãy Hoàng Liên hùng vĩ lại có một cánh đồng bằng phẳng, tốt tươi, đẹp như vậy?

Các cụ kể rằng, người Thái đã định cư lâu đời ở nơi đây. Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần đã dừng chân dựng bản làng vì thấy đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào. Câu tục ngữ: “Thái theo nước, Xá theo lửa” nói về tập quán canh tác của người Thái trồng lúa nước, người Xá (Khơ Mú) đốt nương làm rẫy. Sau này, ông Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái trắng cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Ở Mường Lò, con của Tạo Xuông là Tạo Lò, các cháu Ta Đúc, Ta Đẩu, Lò Lại Trượng, Lò Lạng Quạng, Lò Lạng Ngạng... nối tiếp nhau cùng cai quản bản mường. Văn hóa Thái nơi đây gắn liền nền văn minh lúa nước có bề dày lịch sử mấy nghìn năm. Từ ăn, ở, lễ hội, trang phục, cưới xin, ma chay, vui chơi, nhạc cụ... đều gắn với công việc của người trồng lúa. Sau mùa gặt, bạn có thể nghe tiếng “pí phương” réo rắt, đó là loại sáo được làm bằng gốc rạ rỗng lòng, thanh niên thổi cho vui tai khi nghỉ giải lao hoặc trên đường đi làm đồng về.

Hạt gạo dẻo thơm nơi đây đã duy trì sự tồn tại của con người bao đời nên con người yêu quý đất đai ruộng đồng, trân trọng hạt gạo quê mình. Trong bất kỳ lễ hội nào, người Thái nơi đây cũng không quên tôn vinh hạt gạo. “Áo em thêu chỉ biếc hồng/Mùa xuân ngày hội Lồng Tồng thêm vui” (Tố Hữu), đó là ngày “Hội xuống đồng”, thường là vào ngày rằm tháng Giêng. Phần lễ có các ông mo cúng trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Trong mỗi lời ca, điệu xòe cũng gửi gắm mong ước của người trồng lúa, mong cho “Lúa tốt như bãi gianh đầu bản, như rừng ngõa đầu mường” hoặc “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ” (dân ca Thái). Người phụ nữ Thái đảm đang cũng được ca ngợi:

Tung nắm tấm thành ra đàn gà
Đụng vào khung cửi thành vải hoa
Vuốt khóm lúa, lúa ra bông
Đụng vào cỏ, cỏ chết nắng”.
(Dân ca Thái, Cầm Giang dịch).

Và trong một năm, người Thái còn có “Lễ hội cầu mưa”, “Lễ cúng vía trâu”, “Lễ cúng mừng cơm mới” đều là nét đẹp trong đời sống tâm linh của cư dân trồng lúa nước.

“Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được nhiều người biết đến. Vừa qua, nghệ nhân Lã Tuyết Trinh - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Miền Tây đã cùng bà con người Thái xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) làm nên một kỷ lục: cùng lúc thổi 800 kg gạo nếp đã ngâm với các loại lá cây, củ cây được 1.200 kg xôi ngũ sắc, trình bày thành biểu tượng một bông hoa ban năm cánh tại lễ khai mạc Hội chợ Du lịch về cội nguồn 2008 ở thành phố Yên Bái. Có bao nhiêu thi sĩ đã viết về hạt gạo Mường Lò ta không thể nhớ hết, nhưng những vần thơ đẹp nhất đã dành cho những giọt mồ hôi mặn mòi và những hạt gạo thơm thảo nơi đây:

 “Khát khao cháy bỏng bao đời
Bây giờ thơm thảo mặn mòi đồng quê
... Ông cha phá đá dời non
 Cháu con vỡ đất khơi nguồn sớm hôm
Người về coóng khẩu dẻo thơm
Người đi vấn vít cơm lam theo cùng...”.

Phát huy tiềm năng cây lúa, bà con đã tiếp tục cải tiến kỹ thuật canh tác, cải tạo giống lúa, phấn đấu làm giàu ngay trên đồng đất quê mình, từ cánh đồng đạt 47 triệu đồng/ha/năm, nay đã đạt 50 triệu đồng/ha/năm và trong tương lai là 60 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, giống lúa lai F1 đang chiếm ưu thế về chất lượng và giá thành, năng suất 2,2 tấn/ha nhưng giá lúa lai F1 cao gấp ba lần giá trị lúa thường.

Đi cùng tới Mường Lò dịp này còn có một kiến trúc sư là giám đốc một công ty thiết kế xây dựng. Anh tới Mường Lò để thiết kế xây dựng một ngôi trường cho người dân nơi đây, đó là Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Nghĩa Lộ, nơi sẽ duy trì và xây dựng một xã hội học tập cho người lao động có nhu cầu học tập nâng cao trình độ. Được thưởng thức cơm lam, xôi ngũ sắc, cơm tẻ dẻo thơm cùng nhiều thứ bánh làm từ gạo tại nhà sàn xã Nghĩa An, anh tấm tắc khen. Thưởng thức những món ăn dân tộc lạ miệng, ngắm những cô gái Thái duyên dáng áo cỏm, thắt đáy lưng con tò vò múa quạt, xòe tung khăn chào khách rồi lại hát mời rượu khiến thực khách cứ mê hồn trong vòng xòe bất tận, sôi động trong tiếng nhạc, tiếng bước chân nhảy rầm rập trên sàn theo nhịp tằng pẳng*, anh kiến trúc sư vốn chỉ quan tâm đến công việc thiết kế, đến cấu kiện công trình, xi măng sắt thép bỗng ngẫu hứng đọc mấy vần thơ:

“Cùng em vào hội xòe vui,
Bàn tay em vít nghiêng trăng rượu mời.
Lửa thiêng chưa biến  thành lời,
Nghĩa An, Nghĩa Lợi, ngời ngời lộc xuân”.

Chia tay khách, các xao noọng** xinh đẹp còn chờ tiễn khách ở đầu cầu thang, trao cho mỗi khách một chén rượu đặc biệt được cất từ thứ gạo ngon nhất của Mường Lò và thủ thỉ hẹn: “Đây là chén rượu một tháng sau khách muốn quay lại...” Đây là chén rượu hai mươi ngày sau khách quay lại... Đây là chén rượu mười ngày sau khách sẽ quay lại Mường Lò của chúng em!”. Anh kiến trúc sư chỉ còn biết gật gù, quả là:

Mường Lò gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Niềm vui dâng lên, anh khẳng định sẽ thiết kế những ngôi trường đẹp nhất cho miền quê “gạo trắng nước trong” này...

Hiền Nga

*Tằng pẳng: Một loại nhạc cụ gõ đơn giản bằng hai đoạn tre già dùng dỗ xuống sàn tạo tiết tấu sôi động cho điệu xòe.**Xao noọng: Em gái Thái.  

Các tin khác
Nữ nhiếp ảnh gia Toyama Hitomi và cuốn album kỷ lục Phụ nữ Việt Nam

Ngày 8-4 tại Hà Nội, hai kỷ lục Guinness đã được xác nhận bởi sự hiện diện của đại diện Tổ chức Guinness thế giới tại Việt Nam.

"Đổi chuông gió lấy một ngôi trường - Nối những tấm lòng vì vạn trái tim" là tên một lễ hội, hành trình nối dài những câu chuyện cổ tích do Tạp chí HTV Chuông Gió của Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh tổ chức trong Festival Huế sắp tới. Đây là lần đầu trong Festival Huế, thiếu nhi được tham gia vào chơi trong một lễ hội.

Đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự Liên hoan phim (LHP) quốc tế Singapore (SIFF) lần thứ 21 (từ ngày 4 đến 14-4-2008) là phim Sinh mệnh - bộ phim từng đoạt giải báo chí phê bình điện ảnh dành cho phim truyện nhựa tại Giải Cánh diều vàng 2006.

Võ Hoàng Yến (19) Giải vàng Siêu mẫu nữ 2008

Đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2008 đã kết thúc với chiến thắng thuộc về 2 gương mặt người mẫu khá nổi danh hiện nay: Võ Hoàng Yến và Phạm Xuân Thu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục