Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh về nước
- Cập nhật: Thứ hai, 10/11/2008 | 12:00:00 AM
Lúc 6h20 sáng nay (10.11), ca sĩ Phạm Quỳnh Anh đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trên chuyến bay VN 532 của Vietnam Airlines. Quỳnh Anh giản dị với áo thun đỏ, quần tây đen, trông như một sinh viên hơn là ca sĩ nổi tiếng. Phạm Quỳnh Anh sẽ lưu lại TP.HCM trong 5 ngày.
Phạm Quỳnh Anh giản dị với áo thun đỏ, quần tây đen tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng nay (10.11).
|
Tại Gala Dinner tối 14.11 ở khách sạn Sofitel Plaza Saigon, cô sẽ hát ca khúc Bonjour Vietnam nguyên bản tiếng Pháp cùng một số ca khúc khác. Ngày 15.11, cô bay ra Hà Nội, dự kiến sẽ thăm Viện Bảo tàng Dân tộc, Viện Bảo tàng Lịch sử, Hồ Hoàn Kiếm, cố đô Hoa Lư, 36 phố phường Hà Nội. Đặc biệt, Phạm Quỳnh Anh sẽ ưu tiên dành trọn chiều chủ nhật, 16.11, để thưởng thức vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới. Theo người đại diện, Phạm Quỳnh Anh sẽ rời Việt Nam lúc 23h40 ngày 18.11.
Thông thạo tiếng Pháp, học tiếng Việt qua người bà, sau mỗi lần hát, Quỳnh Anh thường cúi chào: "Xin cảm ơn quý vị". Trong lần hát tại Mỹ, trả lời báo chí cô cho biết, dù hiện tại cô chỉ biết một phần nhỏ về Việt Nam do ba mẹ cô kể lại, nhưng trong cô lúc nào cũng nghĩ và rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Quỳnh Anh đã ghi lại trong blog về sự kiện này: "Tôi gặp nhiều người trong cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn phát thanh và truyền hình. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Và tôi đã xuất hiện trên một tờ báo tại Việt Nam trong ngày hôm nay/I already appear in an article from a Vietnamese newspaper today".
Lần đầu tiên đến/về Việt Nam, chắc hẳn Quỳnh Anh sẽ có nhiều cảm xúc khó tả |
Năm 2002, Quỳnh Anh ký hợp đồng ghi âm với Rapas Centre, chi nhánh của hãng Universal đặt tại Pháp. Khi Quỳnh Anh cùng Marc Lavoine ghi âm bài hát J'espère (Tôi hy vọng), và có chuyến lưu diễn cùng ông khắp nơi tại Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ... cô nhanh chóng được khán giả trong khối cộng đồng Pháp ngữ biết đến. Với bài hát Bonjour Vietnam do nhạc sĩ Marc Lavoine sáng tác, được Guy Balbert dịch sang tiếng Anh với tên Hello Vietnam, tên tuổi Quỳnh Anh ngày càng được nhiều khán giả biết đến, nhất là người Việt trẻ trong nước và người Việt nhiều thế hệ ở ngoài nước. Bài hát mang tâm trạng của người con Việt Nam dù không sinh ra trên đất mẹ nhưng luôn mong ngóng trở về quê hương cội rễ.
Cha mẹ của Quỳnh Anh là Việt kiều. Cha của cô du học tại Bỉ từ năm 1971. Năm 1982 tại Liège, ông gặp cô Trần Thị Minh Huệ, tức mẹ của Quỳnh Anh hiện nay. Quỳnh Anh có một em gái, tên là Lisa, nhỏ hơn 5 tuổi nhưng chỉ riêng Quỳnh Anh thích ca hát. Cô đã theo học tại trường Saint Stanislas, thành phố Mons, tốt nghiệp tú tài mùa hè 2005. Trong thời gian học trung học, Quỳnh Anh cũng theo học các lớp xướng âm, thanh nhạc, guitare... để chuẩn bị cho con đường ca hát sau này.
Lần đầu tiên trong đời đến/về Việt Nam, cất tiếng chào "Bonjour Vietnam", chắc hẳn với Phạm Quỳnh Anh sẽ là một trải nghiệm khó tả dù đây là lần thứ ba cô trình bày ca khúc này trước cộng đồng người Việt, sau người Việt tại Mỹ và người Việt tại Canada. Trước đông đảo người nghe là người Việt, ngay trên đất nước Việt Nam, hẳn cô sẽ lại thốt lên như từng viết trên blog: "Tôi đã chạm vào Việt Nam. Không khí nóng lên khi tôi hát Bonjour Vietnam. Bài hát có lý do tồn tại. Tôi có lý do để sống/I had a reason to live".
(Theo TNO)
Các tin khác
Bộ phim về chất độc da cam /điôxin tại Việt Nam của nữ đạo diễn Nhật Bản Sakata Masako và đạo diễn Bill Megalos sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế về môi trường lần thứ 26, diễn ra tại Paris (Pháp) từ ngày 19 đến 25/11 tới.
Chung kết cuộc thi Miss International 2008 đã diễn ra với sự tham dự của 63 thí sinh đến từ các quốc gia của 5 Châu lục trên thế giới. Vương miện Hoa hậu quốc tế 2008 đã thuộc về người đẹp Alejandra Andreu đến từ Tây Ban Nha. Alejandra Andreu năm nay 19 tuổi, cô từng đoạt á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Tây Ban Nha 2008.
Tiếp theo các triển lãm tranh sơn mài và lụa toàn quốc vào các năm 2006 và 2007, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ VH,TT&DL tổ chức Triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam 2008.
Vẫn là ekip cũ, vẫn là câu chuyện phản ánh về đời sống nông thôn nhưng khác với Ma làng, Gió làng Kình nói về đời sống nông thôn ngày nay với sự giàu lên nhanh chóng “nhờ” bán ruộng đất công, những quán bia ôm trá hình và cả "nghề"… cave.