Bánh dày với Tết của người Mông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT – Khi những chùm hoa mận, hoa mơ nở trắng những triền đồi báo hiệu một mùa xuân mới đang về cũng là lúc đồng bào Mông bắt đầu đón tết cổ truyền của họ. Tết của người Mông thường được tổ chức sớm hơm tết Nguyên đán một tháng. Trong ngày tết ngoài rượu, thịt thì bánh dày là thứ không thể thiếu được trong bữa ăn của mỗi gia đình người Mông.

Người Mông định cư tại Yên Bái tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Trạm tấu và Mù Cang Chải. Cùng với thời gian, với những phong tục tập quán trong cuộc sống sinh hoạt đã tạo nên những nét văn hoá, ẩm thực độc đáo trong cuộc sống các gia đình, nhất là những dịp lễ, tết.

Với người kinh, chuẩn bị đón tết, mỗi gia đình thường gói bánh chưng, còn với người Mông lại là bánh dày. Theo quan niệm của người Kinh, bánh chưng biểu tượng cho trái đất vuông tròn đầy đủ thì với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thuỷ chung son sắt của trai gái người Mông.

 

Khi gạo đã đựoc giã thành bột trắng mịn thì phụ nữ đảm nhiệm phần nặn và gói bánh.

Theo những già làng người Mông kể lại: Thủa xưa có chàng trai người Mông tên là  Nù Play bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu, Plai buồn lắm, chàng đau khổ đến quên ăn quên ngủ và quyết tìm gặp thần Hổ để đòi lại người yêu. Đường núi xa xôi hiểm trở, để đến nơi thần Hổ giam giữ người mình yêu Play phải lội qua bao thác ghềnh, vực sâu. Play đã nghĩ ra cách nấu gạo nếp nặn thành bánh (nay gọi là bánh dày) làm lương thực để đi tìm lại người yêu. Qua bao gian nan khổ ải, Play đã tìm được nơi ở của thần Hổ. Cảm động trước tình yêu của chàng trai người Mông, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu thuỷ chung đôi lứa của trai gái người Mông. Sự tích về bánh dày biểu tượng cho tình yêu của trai gái Mông đã đi vào cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hoá trong cuộc sống của đồng bào.

Mỗi độ xuân về, trong mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên của người Mông bao giờ cũng có món bánh dày như thể minh chứng cho sự thuỷ chung uống nước nhớ nguồn và đạo nghĩa vợ chồng son sắt. Mùa xuân về, các chàng trai người Mông vẫn thường mang bánh dày đi chơi xuân, ngoài làm lương thực dự trữ đường xa, bánh dày còn là món quà đầy ý nghĩa của các chàng trai, cô gái Mông đi kén duyên lấy vợ, gả chồng.

Bánh dày truyền thống của người Mông được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo được trồng ở mảnh đất tốt nhất. Thóc nếp được chọn phải là nếp vùng cao không pha tạp. Gạo đồ xôi làm bánh dày được giã thủ công, do vậy khi thóc phơi cũng phải đủ nhiệt độ để khi xay sát hạt gạo không bị gẫy nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon, còn nguyên lớp mịn bám ngoài hạt gạo để tăng hương thơm và và độ dẻo cho bánh.

Sau công đoạn chọn gạo là việc ngâm gạo và đồ xôi. Gạo nếp được vo qua, ngâm bằng nước suối nguồn từ 2 đến 3 tiếng sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ sao cho khi xôi chín không bị mất hương thơm của xôi, cối giã bánh dày cũng được làm bằng thân cây gỗ chắc thớ mịn và khoét rỗng ruột như chiếc thuyền độc mộc.

Những người tham gia giã bánh dày thường là những người đàn ông, thanh niên khoẻ mạnh lực lưỡng. Họ tập hợp thành một nhóm khoảng chục người thay nhau giã, giã hết nhà này lại đến nhà khác. Phụ nữ chuẩn bị lá để gói bánh. Nguyên liệu để gói bánh là những tàu lá dong rừng xanh đậm được rửa sạch bằng nước suối nguồn  sau đó lau sạch để khô. Gạo được giã càng kỹ thì bánh càng dẻo và để được lâu. Sau khi xôi được giã kỹ, trắng mịn, dính quyện lấy nhau thì công đoạn tiếp theo sẽ được nhường lại cho phụ nữ. Bánh dày có thể để được rất lâu, có thể nướng trên bếp than củi hay cắt thành từng miếng rán giòn.

Còn thú vui nào hơn khi ngày xuân cùng đồng bào Mông nhâm nhi chén rượu nồng bên bếp lửa hồng và thưởng thức món bánh dày chấm mật ong rừng, để cảm nhận một mùa xuân mới nơi rẻo cao hẳn sẽ là những kỷ niệm khó quên với mỗi du khách khi có dịp ghé thăm vùng cao trong những ngày xuân về.

Thanh Tân

Các tin khác
Phụ nữ Xá Phó với điệu xoè Xình xi bá cổ truyền trong ngày Tết.

YBĐT - Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trên các sườn núi, trong các thung lũng, bản làng cũng là lúc những chàng trai, cô gái Xá Phó tươi tắn và rộn rã trong bộ trang phục truyền thống để đón mùa xuân mới. Rộn rã trong tiếng khèn, tiếng sáo là những đôi trai gái tay trong tay ngây ngất điệu xoè. Mùa xuân về đã tô thắm thêm bộ trang phục rực rỡ sắc màu của váy và áo những thiếu nữ miền sơn cước và làm nên một bức tranh vùng cao tràn đầy sức xuân.

Đêm 14-1, tại Nhà hát Hòa Bình TPHCM đã diễn ra lễ công bố “Thần tượng âm nhạc Việt Nam – Vietnam Idol 2008”. Chặng đường “Tự tin trở thành ngôi sao” Việt Nam Idol 2008 đã đến hồi kết. Hai thí sinh Quốc Thiên (MS bình chọn 5) và Thanh Duy (MS bình chọn 7) đã vượt qua hơn 15.000 đối thủ trên cả nước (trong đó có cả những thí sinh không chuyên lẫn những bạn đã từng đi hát) để đến với đêm Gala cuối cùng của cuộc thi.

Tối 13-1, hoa hậu thế giới (Miss World) 2008 Ksenia Sukhinova và Miss World 2007 Trương Tử Lâm đã cùng xuất hiện trong chương trình ca nhạc từ thiện Tiếng hát từ nguồn cội (do UB Nhà nước về người nước ngoài – Bộ ngoại giao và Tập đoàn RAAS tổ chức) tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Bannhạc ABBA

Âm nhạc lập nên những huyền thoại trong sự ngưỡng mộ của những tín đồ. Âm nhạc cũng ghi nhận những kì tích xuất phát từ sự ngưỡng mộ các huyền thoại. Câu chuyện về ABBA và FABBA là một ví dụ điển hình như thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục