Âm thanh của đại ngàn
- Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mùa xuân đến với người Mông từ những bông hoa tớ dày nở đỏ rực, từ những ruộng khô vừa gặt xong, từ hương thơm lừng của mùi nếp mới, và từ những tiếng khèn bè réo rắt gọi bạn tình, gọi mùa xuân. Xuân nơi vùng cao bắt đầu như thế, giản đơn mộc mạc như chính cuộc sống của đồng bào Mông vậy.
Nếu một lần bạn được đến với Yên Bái, đến với Mù Cang Chải - địa danh đã gắn liền với nền văn hoá đặc biệt của đồng bào Mông để được đón xuân sớm, để được ăn thứ bánh dày đặc biệt chấm mật ong rừng, và để được nghe tiếng khèn Mông vang lên giữa đại ngàn, thì bạn sẽ không bao giờ quên được.
Tôi sinh ra và lớn lên nơi vùng cao Yên Bái này, biết bao lần được đón xuân sớm, được ăn bánh dày đặc biệt chấm mật ong chỉ có trong dịp Tết, và bao lần nghe tiếng khèn Mông trong phiên chợ xuân, trong hội Gầu Tào, trong những cuộc vui của bản, vậy mà lần nào tôi cũng ngây ngất bởi thứ âm thanh dặt dìu, ấm áp từ cây khèn của người Mông.
Không cưỡng lại được, tôi tìm tới bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải - nơi có khá nhiều người chế tác khèn, tìm hiểu xem vì sao âm thanh của cây khèn Mông có một sức hút lạ kì đến như thế.
Theo người dân ở đây, thì La Pán Tẩn là xã có nhiều người chế tác khèn Mông nhất của tỉnh. Người ta còn mang khèn cả sang các tỉnh bạn như Lào Cai, Lai Châu để bán. Nói như người miền xuôi thì khèn của những người Mông ở La Pán Tẩn đã có “thương hiệu”.
Theo lời giới thiệu, tôi tìm tới nhà Hảng Nủ Chu – người đàn ông Mông mới hơn 30 tuổi nhưng lại là người chế tác khèn khéo vào bậc nhất của bản, của xã. Khèn của Nủ Chu làm ra tới đâu, khách về mua tận nhà hết tới đó. Trong ánh sáng bập bùng của ánh lửa, của tia ánh sáng nhỏ nhoi hắt qua cái khe nhỏ ở trên mái nhà, Nủ Chu ngồi miệt mài với thanh gỗ cục mịch như thế này, để đẽo, để gọt, để rồi sẽ cho ra đời cây khèn Mông với âm thanh ngọt ngào, sâu lắng đi vào lòng người.
Nủ Chu cho biết: nếu có đầy đủ nguyên liệu thì làm trong 2-3 ngày là xong, nhưng công đoạn tìm nguyên liệu lại lắm công phu nhất. Mỗi lần đi tìm nguyên liệu thì Nủ Chu đi những nửa tháng, có khi đến cả tháng để tìm được những nguyên liệu ưng ý nhất cho cây khèn.
Tâu kình là thân chính của khèn. Tâu kình có độ dài bằng độ dài cánh tay của người chơi, thông thường dài 70cm. Tâu kình phải làm bằng thân của cây gỗ pơmu già thì âm thanh mới hay. Gỗ mang về phải phơi thật khô mới làm được. Nếu không theo thời gian khèn sẽ bị co, bị vênh, như thế âm thanh không chuẩn nữa.
Tí lúa được làm bằng ống tre. Kinh nghiệm của Nủ Chu thì chọn cây tre càng mỏng mình thì càng vang.
Còn lại là 5 Mí tí có độ dài khác nhau, thường là 1,2m – 1,3m được làm bằng cây sà dê. Nủ Chu cho biết, cây sà dê thì ở La Pán Tẩn không có, phải đi tận Thượng Bằng La huyện Văn Chấn để kiếm, có khi phải sang tận Lai Châu để mua. Mỗi cây sà dê phải mua từ 500-800 đồng, nhưng không lấy được cả cây mà chỉ lấy được một đoạn thẳng nhất, đẹp nhất, tốt nhất, không phải ngọn cũng không phải gốc. Trên mỗi tí lúa, mí tí có một lá đồng để điều chỉnh âm thanh.
Tán được một miếng đồng mỏng đủ tiêu chuẩn làm những lá đồng điều chỉnh âm thanh phải mất tới 2 ngày.
Người ta nói, người chơi khèn giỏi cũng là người làm khèn tốt. Nủ Chu cũng vậy. Giống như bao chàng trai người Mông, với Nủ Chu cây khèn là vật bất ly thân. Khi buồn khi vui đều mang khèn ra thổi, gửi cả tâm từ, tình cả của mình vào tiếng khèn.
Trong những dịp lễ tết, tiếng khèn Mông vang vọng khắp núi rừng. Tiếng khèn như một lời thủ thỉ, nhắn nhủ tha thiết của người con trai gửi đến người con gái mà mình đem lòng thương nhớ.
...Yêu nàng, anh yêu lắm, lòng anh yêu cô nàng
Say đắm lắm cô nàng ơi
Ra về thương nhớ vô cùng
Nhớ mãi ngày này mùa năm sau
Cô gái nghe được mà cảm động trước tấm lòng chân thành của chàng trai
…Làm sao nói, làm sao anh về gặp em
Chiếm cả lòng em, làm xao động lòng em
Càng gần anh không muốn rời
Rồi bên cạnh bạn tình, giọng khèn lại tiếp tục vút lên
...Em chờ đến ngày anh trồng lúa
Trồng xong nương sắn anh đón em về
Nhắn đôi lời cùng em…
Chẳng thế mà người ta vẫn nói tiếng khèn là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa. Cũng có khi tiếng khèn lại là sợi dây tâm linh nối người sống với người đã khuất. Hơn hết, tiếng khèn là những câu chuyện cổ được kể bằng âm thanh. Âm thanh của khèn là dạng âm thanh ngũ cung, khi trầm, khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc cao vút như đang ở trên đỉnh núi, lúc trải dài mênh mang như đang ở lưng chừng và có khi trầm xuống như hút sâu vào lòng đất. Ẩn chứa sau đó là khát vọng sống mãnh liệt của người Mông.
Nghe rồi sẽ nhớ, nhớ rồi sẽ không bao giờ quên được âm thanh mang đậm hơi thở cuộc sống của đồng bào Mông.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Cũng như nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên quê hương Yên Bái, người Dao tuyển còn lưu giữ rất nhiều nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong kho tàng văn hoá dân gian của mình. Một trong những nét đẹp văn hoá đó là hát giao duyên. Hình thức hát giao duyên của người Dao tuyển khá phong phú nhưng chủ yếu là hình thức hát có lề lối, tổ chức và hát tự phát, đơn lẻ.
YBĐT - Không chỉ là nơi mua bán hàng hoá như ở miền xuôi, phiên chợ 25 Tết trên vùng quê núi Lục Yên còn là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm mang nét đặc sắc riêng của một vùng văn hoá. Đã bao năm rồi xa quê mà cứ sắp đến tết, lòng tôi lại nao nao nhớ về phiên chợ tết xưa…
YBĐT - Cơm lam, cơm "mạy đảy". Ngày thường cũng như tết lễ, các dân tộc Thái, Mường, Tày, Khơ Mú, Giáy hay làm cơm lam.
YBĐT - Nói đến quả còn ngày xuân, nhiều người đều bật lên các từ quen thuộc: Ném còn. Đơn giản thế thôi nhưng ném còn chứa đựng trong đó những ý nghĩa rất đặc biệt mà còn ít người biết đến. Ném còn khác với tung còn và trước khi chơi còn đại trà vào mùa xuân, người Thái có những luật tục riêng. Nhân dịp trò chuyện ngày xuân với nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến, là người dân tộc Thái Đen, sinh ra và lớn lên ở Mường Lò - Nghĩa Lộ, tôi mới được nghe tường tận. Nhân dịp ngày xuân xin trao đổi với bạn bè muốn tìm hiểu về văn hóa Mường lò những điều nghe thấy để hiểu thêm thú vui của chơi còn, để thêm yêu mến một trò chơi giàu tính cộng đồng xưa nay.