Hát đối đáp trong đám cưới người Mông
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) có một nền văn hoá đặc sắc không chỉ với những kiệt tác từ bàn tay như ruộng bậc thang, áo váy sặc sỡ hoa văn. Bên cạnh những sinh hoạt văn hoá như múa khèn, ném pao, đánh quay ngày hội, còn có một làn điệu hát đối đáp trong đám cưới của người Mông mang đậm tính triết lý và nhân văn mà ít ai biết.
Thiếu nữ Mông Suối Giàng trong ngày hội. (Ảnh: Quang Thiều)
|
Cũng như hát đối đáp của nhiều dân tộc khác ở nước ta, hát đối đáp trong đám cưới của người Mông có từ rất lâu đời và được lưu truyền đến ngày nay. Trong một đám cưới của người Mông thường có tất cả 16 bài hát gồm: hát mở đầu, hát lên đường, hát mời rượu - mời thuốc, hát mở cửa, hát giấu chìa khoá, hát giải đố, hát giao lễ vật, hát đối…
Hát đối đáp trong đám cưới của người Mông luôn thể hiện sự khiêm nhường của cả nhà trai, cũng như nhà gái trong cách đối nhân xử thế. Ngay ở bài hát “Mở đầu”, đại diện cho bố mẹ nhà trai hát tiễn đoàn đón dâu đã ngợi khen nhà gái theo kiểu “Tâng người hạ ta”. Khi nói về nhà gái, đại diện bố mẹ nhà trai hát rằng: “Đường đạo có nhiều, đường đi có không ít/ Mọi con đường bố mẹ nàng dâu đều thông hiểu/ Bố mẹ nàng dâu mở hội hôn/ Khéo đặt bàn, đặt bàn thịt thành bàn cưới/ Khéo miệng nhờ, nhờ được người mời rượu tốt…”.
Nhưng khi hát về nhà trai, đại diện bố mẹ nhà trai lại hát rằng: “Đường đạo có nhiều, đường đi có không ít/ Mọi con đường bố mẹ chàng rể hiểu chưa thông/ Bố mẹ chàng rể mở hội hôn/ Không khéo đặt bàn, đặt bàn thịt không thành bàn cưới/ Không khéo miệng nhờ, không nhờ đựơc người mời rượu tốt…”.
Khi đoàn đón dâu chuẩn bị xong mọi thứ, đại diện nhà trai mời tất cả đoàn đón dâu ngồi vào bàn cưới, trên bàn có năm cặp chén rượu và mười đôi đũa. Đại diện bố mẹ nhà trai hát bài “Lên đường” vẫn khen: “Bố mẹ nàng dâu mở hội hôn/ Nấu ít nhưng đầy chõ, đầy nồi/ Khéo tay nuôi, nuôi được con ngựa tốt/ Nấu ít nhưng đầy nồi, đầy chõ/ Khéo tay chăm, chăm được con trâu mộng/ Khéo tay tước, tước được sợi lanh…” Còn tự hát về mình thì ngược lại: “Bố mẹ chàng rể mở hội hôn/ Nấu nhiều nhưng không đầy chõ, đầy nồi…”
Sang bài hát “Mời rượu”, đại diện nhà gái cũng khiêm nhường hát: “Bố mẹ chàng rể mở hội hôn/ Đôi tay khéo nấu, nấu được vò rượu thơm…” Còn khi hát về nhà gái: “Bố mẹ nàng dâu mở hội hôn/ Đôi tay không khéo nấu, nấu không được vò rượu thơm…/Bây giờ mời toàn thể hội hôn/ Mời đoàn đón dâu của nhà trai ngồi vào bàn cưới/ Cùng nâng chén rượu giải khát.”. Bài hát mời rượu, mời thuốc của đại diện nhà gái ở phần mời rượu tương tự như bài hát “Mời rượu” nhưng có thêm phần mời thuốc.
Khi đoàn đón dâu đến nhà gái, ông đại diện đoàn nhà trai hát: “Đến nhà bố mẹ nàng dâu/ Thấy nhà đóng kín cửa/ Nền nhà lót đá đen/ Cài cửa bằng then tre chắc tựa then bạc/ Đoàn đón dâu chúng tôi tay không mở được/ Mới nhờ ông đại diện nhà gái nói với bố, mẹ nàng dâu/ Mượn nhờ chiếc chìa khoá đồng/ Ông đại diện nhà gái mở phăng cánh cửa/ Đoàn đón dâu chúng tôi mới bước vào nhà”…
Khi ấy, ông đại diện cho nhà gái hát “Giấu chìa khoá” hỏi đại diện nhà trai: “Anh dẫn đoàn đón dâu đến nửa đường/ Bố mẹ chàng rể trao tay anh thứ gì, anh có biết?…/ Nếu anh không biết, không thấy thì sớm nói cho bố mẹ nàng dâu biết. Lúc này đại diện nhà trai mới hát “Giải đố” rằng: “Bố mẹ chàng rể trao tôi chiếc chìa khoá đồng/ Để tôi đón nàng dâu về…/ Đường xa, mưa nắng thất thường/ Đến nơi mới biết chìa rơi dọc đường…”. Đại diện nhà gái hát “Giấu chìa khoá”: “Theo đường đón dâu các anh đến/ Có biết chìa khoá sắt của bố mẹ nàng dâu rơi từ đâu về ?”.
Ông mối đoàn nhà trai hát “Giải đố chìa khoá”: “Tôi cùng đoàn đón dâu đến nhà bố mẹ nàng dâu/ Tôi biết chiếc chìa khoá đồng của bố mẹ nàng dâu có từ mâm cỗ cưới/ Tôi cùng đoàn đón dâu đến nhà bố mẹ nàng dâu/ Tôi biết chiếc chìa khoá sắt của bố mẹ nàng dâu rơi từ bàn cưới xuống…/ Mới nhờ ông đại diện nhà nhà gái xin với bố mẹ nàng dâu/ Bố mẹ nàng dâu mới đưa chìa khoá cho ông đại diện nhà gái/ Ông đại diện nhà gái mới mở giúp cánh cửa/ Đoàn đón dâu mới bước qua cửa vào nhà”. Khi đã vào được nhà gái, ông mối đoàn nhà trai hát tiếp tới năm bài “Hát giao lễ vật”.
Các bài hát tiếp theo ý nói các lễ vật đoàn nhà trai mang sang cho nhà gái đều là thứ ngon, đoàn đón dâu chưa hề động tay bốc, xén. Đoàn đón dâu mời đoàn nhà gái và toàn thể hội hôn cùng nhau kiểm, nhận lễ vật và hát khiêm tốn khen nhà gái theo kiểu “Tâng người hạ ta”. Rồi đến phần “Hát đối”, đại diện nhà gái hát hỏi đoàn đón dâu: “Theo đường đón dâu các anh đến/ …Đã thấy chú hổ vằn nhảy qua 48 núi/ Có cô gái xinh đẹp đứng đợi bên suối/... Đoàn nhà trai chúng tôi mới mang cơm, thịt, rượu, đến nhà/ Mong bố mẹ nàng dâu nhận giúp chúng tôi”. Cứ như vậy, làn điệu hát đối kéo dài suốt cả hội hôn.
Anh Khang A Chua – cán bộ Phòng Văn hoá - Thể thao Mù Cang Chải, người bao năm say mê sưu tầm các làn điệu hát đối đáp của người Mông tâm sự: “Hát đối đáp trong đám cưới của người Mông là nét đẹp đang còn. Mong sao nó mãi trường tồn như ruộng bậc thang, khoẻ khoắn như cây thông giữa núi rừng Mù Cang Chải này!”
Minh Đức
Các tin khác
Bộ phim hoạt hình “Up” (tên ngoài rạp là Vút bay) của hãng Disney – Pixar, được chiếu khai mạc Liên hoan phim Cannes 2009 vừa qua, sẽ ra mắt khán giả Việt Nam ngày 17-7 tới.
Ngày 9.7, Ông Phạm Cao Đạt, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại tỉnh Kon Tum cho biết, ngành văn hóa tỉnh đã lần đầu tiên phục dựng được lễ cưới của người dân tộc Giẻ-Triêng (nhánh Triêng) tại làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.
YBĐT - Cũng như nhiều dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S, đồng bào Mông sinh sống ở vùng cao của phía Bắc Tổ quốc cũng có những tín ngưỡng riêng của mình. Một trong những tín ngưỡng đặc sắc và tiêu biểu đó là tục cúng “Ôn chít", có nghĩa là cúng tạ ơn xin lộc.
YBĐT - Đất quê bắt đầu khởi nghiệp từ ven sông Hồng, bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của tổ tiên, ông cha ta mà có. Ở mỗi miền quê trên đất nước Việt Nam hình chữ S này, người ta rất quý đất quê. Tuổi thơ tôi đã từng biết có những người sinh ra ở quê, lớn lên cũng ở quê, nhưng không hề có đất quê, hay nói cách khác: không có tấc đất cắm dùi. Đó là những người nghèo, rất nghèo của làng quê miền Trung nắng gió. Quanh năm họ làm ruộng thuê, ở nhờ đất của người ta lay lắt cho qua ngày đoạn tháng bằng cuộc sống khốn khó.