Đề cử 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu là “Di sản tư liệu thế giới”: Lạc quan về sự thành công
- Cập nhật: Thứ bảy, 8/8/2009 | 12:00:00 AM
82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chấp thuận cho lập hồ sơ đề cử Chương trình "Ký ức thế giới" khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
|
Hồ sơ chính thức phải được hoàn tất trong tháng 9 để trình UNESCO xét duyệt. Để hồ sơ có tính khoa học, thuyết phục, sáng nay (8-8) Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, quản lý văn hóa cho dự thảo Hồ sơ "Bia các khoa thi tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám" đề cử Chương trình "Ký ức thế giới" công nhận "Di sản tư liệu thế giới".
Minh chứng lịch sử của nền giáo dục nước nhà
Trong lịch sử khoa cử theo Nho học Việt Nam, những người thi đỗ Tiến sĩ được triều đình tuyên dương dưới nhiều hình thức như ghi tên vào bảng vàng treo ở cổng thành hoặc cổng Văn Miếu, ban mũ áo, dự lễ xướng danh... Khoa thi đầu tiên năm 1442, đời vua Lê Thánh Tông, triều đình ban lệ khắc tên người đỗ đại khoa vào bia đá, được phép dựng trong Văn Miếu nhưng đến năm 1484, việc dựng bảng vàng, bia đá mới được thực hiện. Khoa thi cuối cùng được dựng bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long là khoa thi năm 1779.
Bia Tiến sĩ được đặt ở khu thứ 3 của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở giữa có giếng Thiên Quang (giếng ánh sáng trời) cùng Khuê Văn Các - biểu tượng văn hóa của Thủ đô. Các bài ký trên bia cho chúng ta biết lịch sử của các khoa thi, tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam thời đó cùng việc ca ngợi tài, đức của đức vua đang trị vì cũng như mục đích, yêu cầu của việc đào tạo nhân tài. Chẳng hạn bài ký của khoa thi đầu tiên được dựng bia (1442) có câu:"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài". Hay bia khoa thi năm 1463 ghi: "May được khắc tên lên bia đá này, phải theo danh nghĩa, làm đúng thực sự, sửa đức tu hành... giữ gìn văn hiến. Nhậm chức kỷ cương thì nghĩ làm thế nào cho trong sạch gốc chính. Giữ chức địa phương thì nghĩ làm sao cho tỏ đức vua mà thấu tình dân... để tiếng khen mãi mãi, lưu tiếng thơm không cùng".
Cũng nhờ sự lưu danh đó mà hậu thế được biết đến những địa phương có truyền thống khoa bảng như làng Mộ Trạch, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) hay những dòng họ hiếu học như dòng họ Nguyễn xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn (Bắc Ninh), dòng họ Bùi ở huyện Thanh Trì (Hà Nội)... và noi gương sáng đó mà học tập, rèn luyện, công tác.
Cơ bản đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO, nhưng...
Ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo hồ sơ cho biết: Nhiều nơi cũng có bia tiến sĩ như ở Huế, ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhật Bản… nhưng chỉ duy nhất bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội có bài ký trên bia (văn bia) - đó là điểm độc đáo. Các bài văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản đó là những tác phẩm văn học vô giá.
Ngoài ra, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế, được chạm khắc khác nhau và cách trang trí này thay đổi theo từng thời kỳ, nhờ đó mà hiểu được lịch sử phát triển mỹ thuật của nước ta từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Những điểm đó đã khẳng định tính độc đáo và duy nhất của bia tiến sĩ ở Văn Miếu so với bia các nơi khác. Hơn nữa, 82 bia tiến sĩ từ khi được dựng cho đến nay vẫn nằm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các bài văn bia ghi rõ ngày, tháng dựng bia, tên của người được vinh danh, người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu - một trong những tiêu chí mà Chương trình "Ký ức thế giới" đặt ra.
Các bài ký trên bia không chỉ tác động lớn lao đối với người đương thời mà còn có ý nghĩa giáo dục mãi mãi, góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt
Ông Nguyễn Văn Tú - cán bộ Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người trực tiếp tham dự đợt tập huấn về xây dựng hồ sơ tại Hàn Quốc vào tháng 2-2009 nhấn mạnh: Các chuyên gia của UNESCO đánh giá cao bộ hồ sơ của Việt Nam. Qua ý kiến góp ý, phân tích của các chuyên gia, ông Tú rất lạc quan về khả năng hồ sơ có thể được công nhận. Hiện Sở VH-TT&DL đã tham khảo ý kiến, đặt bài nhiều chuyên gia đầu ngành. Hy vọng, ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý trong hội thảo, cùng những tư vấn của các chuyên gia quốc tế sau đó, dự thảo hồ sơ sẽ được hoàn thiện để trình UNESCO trước ngày 30-9-2009. Nếu được công nhận thì đây là món quà ý nghĩa chào đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Sau khi từ hạng nhì rơi xuống hạng ba trong cuộc bình chọn qua mạng Miss Universe 2009, những ai dành tình cảm cho Hoàng Yến đều cảm thấy lo lắng.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa đồng ý để Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lập hồ sơ "Lễ hội Gióng" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Q&A của Vikas Swarup - cuốn tiểu thuyết trở nên nổi tiếng khắp thế giới từ sau chiến thắng của bộ phim Triệu phú khu ổ chuột tại mùa giải Oscar 2009 - sẽ chính thức ra mắt độc giả VN ngày 15-8.
YBĐT - Đây là ngôi nhà đã gắn bó bao năm với gia đình chị Điêu Thị Xiêng, một người tâm huyết với phong trào của địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng người Thái đen vùng Mường Lò.