“Nghệ nhân” của người Dao đỏ Đại Sơn
- Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Không chỉ ở xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng hay Quang Minh, Xuân Tầm... của huyện Văn Yên (Yên Bái), khi nhắc đến cái tên Đặng Nho Vượng, mọi người ai cũng đều biết, yêu mến, cảm phục trước tài của anh khi đã không ít lần được xem anh biểu diễn trên các sân khấu cụm xã, sân khấu huyện và tỉnh.
Lễ cấp sắc của người Dao.
|
Những đóng góp của Đặng Nho Vượng đối với phong trào văn hoá văn nghệ của xã Đại Sơn nói riêng và của đồng bào Dao Văn Yên nói chung trong nhiều năm qua, không những được xã, huyện, tỉnh khen thưởng mà cái được lớn nhất đối với anh là được đồng bào Dao ở xã Đại Sơn- nơi anh sinh ra và lớn lên phong là “nghệ nhân” Nho Vượng.
Nho Vượng sinh ra và lớn lên giữa rừng quế đại ngàn. Ngay từ nhỏ Nho Vượng đã được mẹ hát cho nghe những lời hát ru ngọt ngào của đồng bào Dao đỏ. Đại ý: “… À ơi, em ơi em ngủ cho ngoan để bố mẹ lên nương cấy cày; để chị nấu cơm canh tối cho bố mẹ về ăn. À ơi, em ơi em ngủ cho ngoan…!”. Chính những làn điệu hát ru tinh tuý đó đã in sâu vào tâm trí Vượng ngay từ thuở ấu thơ. Vì thế, cái “chất” nghệ sĩ ấy đã ngấm vào anh từ khi còn rất nhỏ.
-Khi còn nhỏ ai dạy anh hát?
-Mẹ dạy được một ít, còn chủ yếu là mình tự học.
-Thế anh học ai?
-Mình học các thầy trong làng. Khi đi xem biểu diễn tại các lễ hội, xem các thầy hát cúng lễ lập tĩnh (lễ quá tăng của người Dao đỏ), mình vừa xem họ hát vừa tự học, chỗ nào chưa thuộc nhờ các thầy dạy lại. Cứ tích luỹ dần như vậy, rồi chẳng biết cái vốn văn hoá văn nghệ của đồng bào Dao đỏ nó “ngấm” vào mình lúc nào không biết nữa. Thế là mình được mời đi tham gia hội diễn văn hoá nghệ thuật quần chúng ở cụm xã, huyện, tỉnh và cả khu vực nữa…
Cái duyên văn nghệ đến với Nho Vượng thật bất ngờ. Năm 1997, tình cờ anh đi xem đội văn nghệ của xã tập để chuẩn bị đi hội diễn thì được ông Lý Hữu Trìu là Trưởng ban Văn hoá xã Đại Sơn lúc bấy giờ mời tham gia hỗ trợ dàn dựng một số tiết mục cho đội. Không nề hà, Nho Vượng đã tham gia cùng với đội tập tiết mục “Lễ múa rùa” của người Dao đỏ, dạy múa gậy và dạy một thành viên trong đội hát một bài đơn ca… Các tiết mục do Nho Vượng tham gia dàn dựng đều giành được giải cao tại hội diễn cụm và huyện. Phát hiện Nho Vượng là người có tài năng, am hiểu về văn hoá văn nghệ và phong tục tập quán của đồng bào Dao đỏ, Ban Văn hoá xã đã mời anh vào tham gia hoạt động cùng với đội văn nghệ xã.
Năm 1999, Nho Vượng tham gia dàn dựng tiết mục “Múa gậy”, “Múa trồng lúa” và hát giao duyên cho đội văn nghệ xã đi tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục người đẹp dân tộc tại cụm xã, huyện và tỉnh đều giành được giải thưởng cao. Tiết mục “Múa gậy” đoạt giải A cụm và giải A cấp huyện; “Múa trồng lúa đoạt B cụm và tiết mục hát giao duyên đạt giải A cụm, giải B cấp huyện.
Năm 2001, Nho Vượng tham gia dàn dựng và trực tiếp biểu diễn tiết mục “Múa rước rùa” và hát mời, đoạt giải A ở cả cấp cụm và huyện. Tiết mục hát giao duyên và hát mời được chọn tham gia hội diễn cấp tỉnh đoạt giải A. Năm 2003, Nho Vượng tham gia tiết mục hát giao duyên tại hội diễn cấp cụm xã và huyện đều đoạt giải A và tham gia hội diễn cấp tỉnh đoạt giải B.
Năm 2005, Nho Vượng dàn dựng tiết mục múa “Lễ quá tăng” và tham gia biểu diễn tiết mục hát giao duyên đều đoạt giải A từ cấp cụm xã, huyện đến cấp tỉnh và cá nhân anh biểu diễn tiết mục độc tấu (2 sáo mũi) đã đoạt giải A từ cụm, huyện đến cấp tỉnh.
Năm 2007, anh tham gia dàn dựng và biểu diễn tiết mục múa “Lễ hội xuân” đoạt giải A cấp cụm và huyện; hát đơn ca đoạt giải A cấp cụm, huyện và giải B cấp tỉnh. Đặc biệt tiết mục này đã đoạt giải B tại Ngày hội Văn hoá thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ VII. Trong những ngày đầu tháng 8/ 2009, Nho Vượng đang cùng với đội văn nghệ xã hăng say tập luyện để tham gia hội diễn cấp tỉnh tại huyện Lục Yên.
Quả thật, với sự tâm huyết, sự cần cù, chịu khó nghiên cứu, sưu tầm và giữ gìn bản sắc văn hoá của đồng bào Dao đỏ, đến nay Nho Vượng đã thuộc và ghi chép lại được rất nhiều làn điệu dân ca, các phong tục đặc sắc của đồng bào Dao xã Đại Sơn nói riêng và các xã khác trong huyện Văn Yên nói chung. Đặc biệt, anh có thể sử dụng thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Dao đỏ như: kèn pí lè, sáo tầm ông dặt, chuông, trống, chiêng, chúm chọc, tù và, gõ lanh, gõ pong đèn…, hát 7 làn điệu của người Dao: hát ru, hát gọi, hát mời, hát giao duyên, hát cúng, hát cầu... Nho Vượng thật xứng đáng được đồng bào Dao xã Đại Sơn và các xã trong vùng phong cho hai chữ: nghệ nhân.
Minh Hằng
Các tin khác
Từ ngày 15 – 20/8, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 năm 2009 sẽ diễn ra tại thành phố Vinh.
Tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của nhà văn Cao Duy Sơn vừa được Hội Nhà văn Việt Nam chọn gửi tham dự Giải thưởng Văn học Asean 2009, tổ chức tại Thái Lan. Tác phẩm khai thác về đề tài cuộc sống và những bi kịch số phận của người dân miền núi này cũng từng nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2008.
Lịch sử Việt Nam bằng tranh" là tên bộ sách đang được Ban Biên tập Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, với sự cố vấn khoa học của giáo sư Chương Thâu, thực hiện.
Với chủ đề “Thăng Long Hà Nội, hội tụ ngàn năm”, lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2010 sẽ tổ chức quy mô tại vườn hoa Lý Thái Tổ vào ngày 9/10. Khoảng 1.500 khách mời trong và ngoài nước sẽ tham gia sự kiện này.