Người Dao và truyền thống canh tác gắn với bảo vệ rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 28/12/2010 | 8:52:40 AM
YBĐT - Cuộc sống kinh tế của người Dao trước kia chủ yếu là phát nương làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác tài nguyên rừng. Chính vì vậy, rừng luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cả đời sống vật chất, tín ngưỡng tâm linh của họ, nên người Dao là một trong số ít các tộc người từ xưa đã thể hiện rõ nhất sự thân thiện giữa con người với môi trường thiên nhiên bằng việc bảo vệ rừng.
Đồng bào Dao ở Văn Chấn khai thác vỏ quế.
|
Để tỏ lòng biết ơn núi rừng, hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán, ở nhiều nơi bà con người Dao thường tổ chức lễ đóng cửa rừng nhằm tạ ơn các ma rừng đã ban cho con người cuộc sống no đủ, bình yên, không ốm đau bệnh tật, không bị thú rừng làm hại.
Nghi lễ này thường tổ chức vào những ngày từ sau 20 đến 27 tháng 12 (Âm lịch). Trước khi làm lễ, tất cả các loại bẫy thú đều phải mang về hoặc không được căng bẫy để sát hại thú trong những ngày tết và con người cũng không được vào rừng nữa. Sang tháng Giêng, bà con tiếp tục có ngày lễ mở cửa rừng. Nghi lễ này nhằm cầu mong ma rừng che chở, phù hộ cho con người một năm mới được mùa, bình yên và mọi thứ sung túc hơn năm cũ. Lễ mở cửa rừng thường được tổ chức từ khoảng mồng bảy tháng Giêng trở đi, tùy vào ngày tốt do bà con lựa chọn. Sau nghi lễ này thì mọi người mới được vào rừng làm ăn. Với những yếu tố tâm linh như vậy, ngày nay nhìn chung ở nững nơi đồng bào Dao sinh sống vẫn giữ được rừng già hơn vùng rừng núi có các tộc người khác sinh sống.
Bên cạnh yếu tố tâm linh thì việc bảo vệ rừng của người Dao còn xuất phát từ những lợi ích vật chất. Là một tộc người từ xưa đã sống gắn với rừng nên kinh nghiệm khai thác tài nguyên rừng của người Dao rất phong phú. Trong phát rừng làm nương, nhiều tộc người phát rừng tràn lan để canh tác lương thực và làm đến khi nghèo kiệt chất đất thì bỏ đi nơi khác nên rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Ngược lại, người Dao luôn canh tác theo hình thức luân phiên.
Mỗi nhà người Dao thường có vài mảnh nương, mảnh này làm xong vài vụ, họ lại chuyển sang mảnh khác và cứ như vậy, 6 - 7 năm sau mới quay lại làm mảnh nương đầu tiên. Việc chọn đất để mở nương mới cũng được làm rất kĩ. Nếu ở tộc người khác cứ thấy đất rừng tơi xốp, nhiều mùn là phát nương thì với người Dao yếu tố đó chưa đủ. Trước hết, họ thường chọn những triền núi quay về hướng đông, đông bắc, đông nam. Hướng núi này buổi sáng trời không nắng gay gắt, buổi chiều nương có bóng râm nên cây trồng mới phát triển tốt.
Trước khi mở nương, người Dao thường mang hạt giống đến thử độ ẩm bằng cách đặt hạt giống xuống đất và úp bát hoặc ang sành lên cho chim, chuột không ăn hạt. Vài ngày sau kiểm tra, nếu thấy hạt nảy mầm nhanh, đều là đất tốt và nếu không được như vậy thì họ không làm để tránh phá rừng mà không có được mùa màng tươi tốt. Nương rẫy của người Dao cũng chỉ làm ven dưới chân núi, còn phía trên giữ lại rừng già để nương tránh bị bào mòn, luôn giữ được độ ẩm.
Ngoài việc giữ rừng để trồng trọt thì người Dao giữ rừng còn vì trong rừng già chứa đựng nguồn thực phẩm rất lớn từ thú rừng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, rau măng...Họ cũng vốn rất giỏi thuốc nam, trong khi đó rừng lại là nơi có nguồn dược liệu phong phú nên không ai tàn phá kho báu mà thiên nhiên ban tặng. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy từ thuở xa xưa, nguồn lâm, thổ sản quý hiếm được các thuyền buôn mang về xuôi đều có nguồn gốc phần lớn do người Dao khai thác. Đổi lại, người Dao lại có thêm tiền bạc và những thứ quý hiếm của miền xuôi mang lên khiến họ càng thêm gắn bó trách nhiệm với rừng.
Ngày nay, việc canh tác lúa nước đã được phát triển mạnh trong vùng người Dao. Khoa học kĩ thuật có nhiều tiến bộ nên năng suất lúa tăng mạnh khiến cho sức ép canh tác lương thực trên nương rẫy giảm hẳn. Vùng rừng núi nơi người Dao sinh sống đã được Nhà nước quy hoạch và xã hội hoá trong công tác bảo vệ. Đại đa số người Dao đã chuyển đất rừng canh tác lương thực sang trồng rừng kinh tế bằng các loại cây lấy gỗ, cây nguyên liệu. Những khu rừng đầu nguồn cũng được người Dao bảo vệ tốt.
H.N
Các tin khác
Dù đêm Noel đã qua nhưng dư âm của nó vẫn còn với những anh chàng dũng cảm đã quyết định thổ lộ ba từ khó nói nhất với “nửa kia”. Có những niềm vui cũng không ít người phải ngậm ngùi xung quanh chuyện tỏ tình vào đêm Giáng sinh.
Vừa phấn khích với tin 'Cánh đồng bất tận' đạt doanh thu 17 tỷ đồng, 'Bi đừng sợ' giành hai giải Cannes, người yêu điện ảnh Việt đã hụt hẫng vì Megastar bị kiện lợi dụng thế độc quyền hay nghi án 'đạo phim' của 'Giao lộ định mệnh'.
Không chỉ là "Thần tượng", những gì đã thể hiện tại cuộc thi Vietnam Idol 2010, Uyên Linh xứng đáng trở thành một ngôi sao nhạc nhẹ trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.
Trang web Global Beauties vừa công bố danh sách 5 người đẹp nhất thế giới đồng thời cũng là những ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu “Hoa hậu của các Hoa hậu” - Miss Grand Slam 2010.