Tục ăn tết của người Dao
- Cập nhật: Thứ ba, 4/1/2011 | 3:41:30 PM
YBĐT - Ở Yên Bái, dân tộc Dao có 83.888 người, chiếm tỷ lệ 11,33% dân số toàn tỉnh, đứng thứ ba sau dân tộc Kinh và Tày, cư trú chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và Văn Chấn…
|
Người Dao được chia thành 4 ngành là: Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao quần trắng và Dao tuyển. Cũng như các dân tộc khác, sau một năm lao động, sản xuất, họ cũng tổ chức ăn tết để mừng những thành quả đã đạt được trong năm qua.
Đây cũng là dịp để anh em họ hàng, làng xóm đến thăm nhà chúc tụng nhau và cũng là dịp để các chàng trai, cô gái giao lưu văn hoá, văn nghệ, trao nhau những lời ca, tiếng hát trữ tình hẹn ước. Sau những ngày vui xuân, nhiều đôi nam thanh, nữ tú đã thương nhau kết duyên thành vợ chồng.
Người Dao có tập quán ăn tết rất vui nhộn. Ăn tết là tổng kết quá trình một năm lao động sản xuất nên rất quan trọng đối với họ, gia đình nào cũng tổ chức làm vài mâm cỗ mời anh em hàng xóm đến cùng ăn uống vui vẻ, kể lại chuyện làm ăn và định hướng cách phát triển kinh tế cho năm tới.
Đặc biệt là hàng xóm gần nhau không ăn tết trùng ngày để có thời gian đến chơi thăm hỏi động viên nhau. Tùy theo hoàn cảnh, gia đình khá giả hay bình thường, mỗi gia đình tự làm mâm cỗ cho phù hợp với điều kiện của mình, nếu nhà nào có đông anh em thì mổ lợn to làm 5 đến 6 mâm, còn gia đình không có điều kiện và ít anh em thì mổ gà và mua ít thịt lợn về làm từ 2 đến 3 mâm đơn giản.
Người Dao thường có phong tục mổ lợn cúng tết Lợn cúng cả con bằng thịt sống, còn gà thì mổ xong đem bỏ vào nồi luộc chín mới cúng. Trong những ngày giáp tết từ 28, 29, 30 tháng 12 của năm trước là những ngày vất vả nhất đối với mọi thành viên của các gia đình người Dao.
Đàn ông phải lau chùi, thu dọn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, phụ nữ hái lá dong về gói bánh, giặt hết chăn màn, quần áo của cả nhà không để sót cái nào khi đã dùng qua.
Người Dao quan niệm rằng, nếu không giặt sạch hết mồ hôi thì mọi rủi ro, hoạn nạn của năm cũ vẫn còn tồn tại truyền sang năm mới. Tối đến nhà nào nhà nấy quây quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng gói theo hình trụ hay hình thoi tùy theo sở thích của từng người, đồng thời nấu một đõ xôi để giã bánh dày. Bên cạnh đó, người Dao còn đun một nồi nước thật to để cả nhà cùng tắm giặt.
Trước khi đón giao thừa, bàn thờ của người Dao được dọn sạch. Xung quanh bàn thờ tổ tiên, người Dao cắm từ 5 đến 10 cây mía được chặt nguyên cây để cả lá, trên ngọn những cây mía và những chiếc bánh trưng, bánh dày được đặt lên bàn thờ tổ tiên đều cắm hoa, gắn quả, tiền giấy lên trên đó tạo sự mới mẻ chào đón năm mới và mong tổ tiên phù hộ trong năm tới gia đình luôn được bình an, ăn nên làm ra.
Sau đó, đàn ông lấy giấy màu hồng, giấy bản cắt thành từng mảnh dài khoảng 20 cm, rộng 10 cm, một đầu cắt hình chữ V để dán lên bàn thờ tổ tiên, cửa nhà, chuồng gia súc, gia cầm và tất cả các công cụ được sử dụng trong lao động sản xuất của gia đình, thể hiện lòng biết ơn và báo hiệu năm cũ đã trôi qua, năm mới đã đến, tất cả mọi người được hưởng thụ, nghỉ ngơi...
Giữ gìn bản sắc dân tộc Dao.
Đêm 30 tết, mọi thành viên trong gia đình đều mặc đẹp, chải tóc gọn gàng, ở nhà đầy đủ để đón năm mới. Nếu có ai trong gia đình đi ra ngoài, người Dao cho rằng người đó sẽ mang hết tài lộc của gia đình ra khỏi nhà. Ngược lại, cũng không cho người lạ vào nhà vì họ cho rằng người ngoài sẽ đem điều rủi ro, bất hạnh đến cho gia đình.
Lúc đón giao thừa, cả nhà mỗi người cầm một ném nhang lần lượt từ lớn đến bé cắm lên bàn thờ tự cầu khấn cho bản thân mình, chủ nhà thường khấn: “Hôm nay là ngày cùng tháng tận của năm cũ, con mong các cụ phù hộ cho con sang năm mới có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt có nhiều tài lộc…”.
Sáng mùng 1 tết cả gia đình dậy rất sớm, đặc biệt là chủ nhà phải mở cửa ra khỏi nhà trước, sau đó người khác trong gia đình mới được đi ra. Người con dâu hay con gái đun một nồi nước nóng và pha vào chậu cho từng người trong nhà rửa mặt (trừ người ít tuổi hơn) để thể hiện lòng kính trọng và lòng hiếu thảo của người con đối với ông bà, cha mẹ, anh chị.
Sau khi rửa mặt xong, chủ nhà lấy những mảnh giấy bản đã được cắt sẵn phát cho mỗi người hai đến ba tờ và mỗi người một con dao. Người ta chọn giờ và định sẵn hướng, nhưng nhất thiết phải ra cửa chính và về bằng cửa phụ trong lúc trời chưa sáng hẳn, chủ nhà sách đèn dầu dẫn cả gia đình “xuất hành”.
Đi ra cách nhà khoảng 50 đến 100 mét thì dừng lại mỗi người tìm một loại cây chặt một nhát dao vào thân cây xong dắt giấy bản lên chỗ dao chặt, vừa dắt vừa nói: "Hôm nay là ngày mùng một năm mới tôi gửi gắm mọi rủi ro, hoạn nạn của năm cũ cho cây, cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn hơn".
Xong việc, cả nhà cùng quay về, mỗi người nhặt lấy một hòn đá đem về kê chân bàn thờ, bàn uống nước, chân giường hoặc cho vào hòm lộc. Sau đó, gia đình chuẩn bị mâm cơm để sẵn trong nhà đón khách, đó là khách đã được mời từ trước nhưng phải hợp tuổi với chủ nhà.
Mâm cơm, thức ăn đơn giản nhưng đặc biệt phải có một chiếc khay với 4 cái chén nhỏ để rót rượu mời khách (bốn cái chén tượng trưng cho một năm có bốn mùa), người khách đến nhà sẽ phải lần lượt uống hết 4 chén rượu chủ nhà mời, mỗi chén làm một hớp, uống xong người khách đó chúc gia đình: “Năm mới sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, trâu, bò đầy chuồng, lợn, gà đầy sân, thóc, ngô đầy bồ, muốn gì được đấy, làm một được mười, gia đình hạnh phúc vẹn toàn đón tiếp xuân sau”.
Trong ngày mùng 1 tết, đặc biệt là đàn ông cũng như đàn bà, người Dao không được mặc quần áo trắng, chỉ mặc những bộ quần áo màu, họ cho rằng mặc trắng tổ tiên không ưa.
Trong 12 ngày tết, từ mùng 1 đến ngày 12 khi chưa hạ cỗ trên bàn thờ xuống thì quét nhà, rác rưởi không được hót đổ ra khỏi nhà, họ cho rằng nếu đổ rác là sẽ đổ hết lộc xuống sông, suối nên họ thu gọn để một góc nhà, sau khi đã chọn được ngày giờ tốt để hạ cỗ, họ mới đem rác ra ngoài đổ cách nhà ít nhất chừng 100 mét và đốt sạch.
Trong dịp tết, ở bản người Dao luôn sôi động bằng những hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đặc biệt là trong các cuộc thăm nhau khi ngồi trên mâm cỗ.
Các chàng trai, cô gái thường hát cho nhau nghe như hát đối đáp, hát giao duyên:
Xuân về, hoa nở khắp núi rừng
Gặp em, anh thấy lòng ấm hơn
Xin em hãy về bên anh
Anh thương, anh nhớ em đến đầu bạc răng long…
Sau những ngày vui chơi thỏa thích, bà con người Dao lại phấn khởi bắt tay ngay vào công việc của một năm mới để chờ đón xuân sau.
Đức Hồng
Các tin khác
Như dự đoán của nhiều người, nữ ca sĩ đến từ Hà Nam giành được giải của Hội đồng nghệ thuật trong đêm chung kết xếp hạng của SMĐH 2010, ngày 2/1, tại nhà thi đấu Maximark, TP HCM.
Đêm chung kết trao giải Mister Việt Nam 2010 đã diễn ra hôm qua tại Nhà thi đấu thể thao TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và tiếp sóng trên VTV4, RTV.
Dạ tiệc trắng 3 - Một ngày để nhớ là đêm nhạc "tiễn năm cũ, chào năm mới" của Đàm Vĩnh Hưng tại Hà Nội. Trong đêm diễn này, anh cũng xác lập kỷ lục hát "sống" 60 ca khúc trong một chương trình.
LHP hoạt hình từ đất nước của nghệ thuật manga/anime được mở cửa từ từ ngày 12 - 16 tháng 1 năm 2011 tại Hà Nội.