Sự tích lễ cấp sắc và bản chất văn hóa
- Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2011 | 3:32:33 PM
YBĐT - Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng đó trong đời sống tâm linh, nên nghi lễ cấp sắc vẫn được người Dao duy trì bền vững cho đến tận bây giờ.
Tổ tiên của người Dao truyền lại rằng, thuở xa xưa người Dao đang sống bình yên trong khắp các bản làng miền núi thì bỗng dưng có nạn ma quỷ xuất hiện cướp phá, giết người và cuộc sống bị đẩy vào cảnh vô cùng bi thương, thê thảm. Ngọc Hoàng nhìn thấy cảnh ngộ này đã sai các vị thần tiên mang phép thuật xuống hạ giới để cứu giúp người Dao.
Tuy nhiên, vì ma quỷ quá nhiều nên các vị thần tiên diệt trừ không xuể phải viện đến người dân cùng đánh nhưng vì người Dao không có phép thuật nên hễ ra trận là đều thất bại.
Trước tình thế đó, Ngọc Hoàng bèn sai các vị thần tiên phải truyền ngay phép thuật cho người Dao. Sau đó, người Dao đã cùng hiệp sức với thần tiên nhà trời diệt trừ được ma quỷ. Đề phòng sau này ma quỷ lại quay trở lại làm hại con người, Ngọc Hoàng yêu cầu hàng năm người Dao tổ chức nghi lễ truyền pháp thuật cho những người đàn ông làm chủ trong gia đình để sẵn sàng trừ ma diệt quỷ và nghi lễ này được gọi là lễ cấp sắc hoặc là lễ "quá tăng".
Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng đó trong đời sống tâm linh, nên nghi lễ cấp sắc vẫn được người Dao duy trì bền vững cho đến tận bây giờ. Người chết khi chưa làm lễ cấp sắc thì con cháu sau này vẫn phải làm cho họ, bởi quan niệm của người Dao là người chết vẫn tồn tại trong một thế giới riêng nên vẫn cần được truyền pháp thuật để chống lại thế giới ma quỷ.
Ngày xưa, khi tổ chức lễ cấp sắc cho các thành viên trong gia đình, người Dao thường phải thực hiện khá nhiều điều kiêng kị. Chẳng hạn người chuẩn bị làm lễ cấp sắc phải thực hiện việc trai giới cả tháng trời. Khi làm lễ cấp sắc, người Dao đỏ kiêng người dân tộc khác và mặc trang phục có lẫn vải trắng đi vào nơi hành lễ.
Ngày nay, việc tổ chức nghi lễ này đã có nhiều nét đổi mới nên trong gia đình có thể làm lễ cấp sắc cho nhiều người cùng một lúc, kể cả người chết để hạn chế tốn kém về vật chất. Lễ cấp sắc không chỉ tiến hành cho những người đã trưởng thành mà cả những đứa trẻ 4-5 tuổi trở lên cũng được thực hiện nhưng với điều kiện là ông thầy đứng ra làm lễ cho đứa bế ấy phải có trách nhiệm truyền dạy, kèm cặp đứa trẻ đó đến khi trưởng thành. Người dân tộc khác có thể mặc đủ các sắc màu trang phục đến thăm quan khu vực làm lễ cấp sắc.
Tìm hiểu nghi lễ cấp sắc, nếu ta gạt bỏ những yếu tố thần thoại như trong sự tích thì sẽ thấy bản chất văn hóa của nghi lễ này mang đầy tính nhân văn của con người hướng đến sự hoàn thiện năng lực làm chủ xã hội và thế giới tự nhiên.
Trong tâm thức của người Dao, họ luôn tôn trọng ba người thầy và người thầy thứ nhất chính là cha mẹ đã sinh ra mình, dạy mình biết nói, biết đi, biết làm ăn, không lười biếng để nghèo đói, biết đạo lí cuộc sống để kính trọng yêu thương mọi người, giữ gìn truyền thống dân tộc mình.
Người thầy thứ hai là thầy dạy chữ, truyền dạy kinh sách để có kiến thức làm chủ cuộc sống. Người thầy thứ ba là người thầy dạy pháp thuật diệt trừ tà ma. Từ sự tôn trọng này đã khiến cho đàn ông người Dao rất chú ý đến việc rèn luyện bản thân để đến khi trưởng thành sẽ hội tụ trong mình hình ảnh của cả 3 người thầy khiến cho người khác phải trọng nể.
Bởi thế, đến khi chính thức được cấp sắc thì người đàn ông phải thực hiện 9 hoặc 12 lời thề tùy theo từng ngành Dao. Các lời thề ấy cũng tập trung vào các chuẩn mực của một con người chân chính như: thề không trộm cắp của người khác, thề không bất hiếu với cha mẹ và phải kính trọng người trên; thề không được bỏ vợ và ăn ở với vợ người khác; thề không đánh đập người khác; thề truyền dạy phong tục tập quán cho thế hệ sau; thề không được phá rừng...
Người đàn ông sau khi đã cấp sắc sẽ đủ năng lực pháp thuật, cách thức làm lễ cấp sắc cho người khác trong dòng họ hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, không phải ai được cấp sắc rồi thì cũng đều đi làm thầy cấp sắc cho người khác mà người được mời làm thầy phải là người thực sự mẫu mực về phẩm chất và lối sống; thực sự rèn luyện không ngừng về kiến thức mọi mặt để trở thành thầy cao tay có uy tín...
Do đó, người muốn làm thầy luôn phải ra sức phấn đấu không ngừng nên mới có những ông thầy sau khi đã được cấp 3 đèn (mức thấp nhất) tiếp tục phấn đấu để nâng lên 5 đèn, 7 đèn, 9 đèn, 12 đèn. Các thầy 9 đèn, 12 đèn thường được người Dao ở khắp các vùng xa xôi biết tiếng và mời đến làm lễ cấp sắc. Các thầy cao tay cũng chính là những nhân tố quan trọng trong truyền dạy, bảo lưu văn hóa truyền thống của tộc người Dao, góp phần gắn kết mối quan hệ và giữ vững hòa khí cộng đồng.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Dựa trên cách chấm điểm của trang phê bình điện ảnh uy tín Rotten Tomatoes trong nhiều thập kỷ, người ta chọn ra các diễn viên, đạo diễn hay nhất và tệ nhất mọi thời đại.
Bộ phim "The King’s Speech" sẽ ra mắt tại các rạp Việt Nam từ ngày 10/6 với tựa “Diễn văn của nhà vua”.
YBĐT - Sáng 7/6, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức khai mạc “Trại sáng tác âm nhạc Yên Bái” năm 2011. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã tới dự.
Sau thời gian dài chạy theo các kiểu phim về siêu anh hùng, điện ảnh Mỹ đang có xu hướng quay lại với chủ đề cổ tích, hứa hẹn thành các siêu phẩm trong thời gian tới.