Tết rằm tháng bảy của người Thái, Mường
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2011 | 2:00:38 PM
YBĐT - Người Kinh gọi tết Rằm tháng Bảy là tết xá tội vong nhân hay tết Vu lan. Một số dân tộc ít người ở phía Bắc cũng ăn tết Rằm tháng Bảy khá to như người Thái, người Mường.
Tiền và vàng mã dùng để dâng tạ ơn trong các nghi lễ cúng tế của người việt.
|
Tuy không ảnh hưởng nhiều từ đạo Phật mà nặng theo quan niệm dân gian mang tính tộc người nhưng tết này với hai dân tộc nói trên ít nhiều vẫn mang hình thức, ý nghĩa của ngày tết xá tội và báo hiếu.
Chẳng hạn, người Mường cho rằng, người chết vẫn luôn tồn tại siêu hình bên cạnh người sống, cho nên đầu năm, giữa năm phải có lễ tạ ma nhà để người chết không bị thiếu thốn vật chất và họ sẽ phù hộ cho người sống khoẻ mạnh, ăn ra làm nên. Rằm tháng Bảy cũng là tháng tiết trời thường mưa dầm gió bấc, nhiều loại ma đói, ma khát không ai cúng tế cũng mò đi chầu chực kiếm ăn theo các vong có chủ. Động lòng với những hồn ma cô quả lang thang, người sống cũng sắm sanh lễ vật bố thí để các ma này cùng được ăn trong ngày Rằm tháng Bảy mà không phá phách lại còn phù hộ cho gia chủ. Bụt ở trên cao cũng nhìn thấy tấm lòng nhân đức của con người làm việc thiện mà phù hộ cho gặp điều tốt lành và sau này chết đi sẽ không bị đày đọa rồi qua chín đời mười kiếp lại được đầu thai thành người sung sướng. Quan niệm này rõ ràng cũng hàm chứa ý nghĩa mong được xá tội vì khi sống đã luôn tích cực hướng thiện.
Lễ cúng rằm của người Mường làm ở hai nơi là ban thờ gia tiên và cúng ngoài sân, ngoài cổng cho ma đói, ma khát. Lễ cúng gia tiên có bánh, xôi, thịt gà, lợn, bạc nén và lễ cúng ngoài cổng có một nồi cháo, đĩa thịt luộc, muối, bạc nén (bạc nén là gỗ trẩu tươi cắt ngắn bổ vuông như thoi bạc). Trước khi cúng tạ ma nhà thì phải cúng ma đói, ma khát trước để họ được ăn rồi thì mới không phá phách tranh cướp miếng ăn, đồ tế với ma nhà. Cúng xong, chủ nhà múc cháo, thịt bỏ vào từng lá cây rải ra ngoài cổng (gọi là cháo thí) để ma không tranh nhau ăn và tung các nén bạc ra xung quanh.
Với người dân tộc Thái thì tết Rằm tháng Bảy được cúng vào ngày mười bốn nên còn gọi là tết Xíp xí. Ngày này người Thái làm khá nhiều loại bánh, nhưng đặc trưng nhất là bánh Xíp xí gói bằng lá chuối buộc thành cặp gồm pảnh cuổi và pảnh cáy rồi cùng xôi chung một chõ. Pảnh cuổi là bánh giã bột nếp với quả chuối và pảnh cáy là bánh bột nếp có nhân đỗ và thịt gà băm nhỏ. Cùng với các loại bánh, lễ cúng còn có vải vóc, xôi, thịt trâu, thịt lợn nhưng không thể thiếu thịt vịt.
Cùng là một nghi lễ mang ý nghĩa xá tội nhưng khác hẳn với người Kinh hay người Mường, mong muốn xá tội của người Thái lại là xá cho người đang sống. Họ quan niệm là người sống cũng có lúc không tránh khỏi tội lỗi như sát sinh, đánh đập gia súc, gây hàm oan cho người khác, làm động đến ma rừng (phi đông), ma nước (phi nặm), ma nhà (phi hươn hay co lo hoóng)…nên trong ngày này họ rất mong các ma xá tội cho để cuộc sống được yên bình, no ấm. Chẳng hạn, lúc làm mùa vì mệt nhọc, bực bội mà người đã đánh mắng trâu là con vật vừa quý với người sống vừa thiêng với người chết nên tết Xíp xí họ đã làm lễ cúng vía trâu để trâu không tủi phận, tha tội cho con người và mong trâu khoẻ mạnh, sinh đẻ đầy đàn. Trâu cũng được người bón cho các loại thức ăn trong lễ cúng vía.
Lễ cúng ma nhà thì cúng ở ban thờ trên sàn nhà. Cúng vía trâu thì cúng ngay tại chuồng hay bãi buộc trâu ngoài rừng và cúng các loại ma khác thì cúng ngoài vườn. Sau khi cúng các loại ma không phải là ma nhà, người Thái lấy giấy đỏ, lá chuối khô gói bánh kẹo, thức ăn thành những túm nhỏ đem rải vào những bụi cây ven đường mòn lên núi, đường ra suối, ra đồng cho các ma cùng được ăn. Đây cũng là một việc làm mang ý nghĩa tạ ơn hoặc làm phúc của người sống với cõi âm để mong được tốt lành.
Vì những ý nghĩa rất nhân văn như thế nên nghi lễ cúng Rằm tháng Bảy của người Thái, người Mường hiện nay vẫn rất được coi trọng như lễ xá tội vong nhân hay lễ Vu lan trong ngày này đối với người Kinh.
H.N
Các tin khác
Ban tổ chức Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần 17 vừa cho biết: LHP sẽ tổ chức tại thành phố biển Tuy Hòa (Phú Yên) từ ngày 15 đến 18-12-2011 với tiêu chí “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”.
Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa có quyết định cấp phép cho Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt (HHTGNV) 2010, Victoria Phạm Thúy Vy dự thi Hoa hậu Thế giới 2011 diễn ra tại Anh và tháng 11 tới.
Trên trang web chính thức của cuộc thi Hoa hậu Siêu Quốc gia đã cập nhật đại diện của Việt Nam tại cuộc thi năm nay, và không ai khác, đó chính là người đẹp Nguyễn Thu Mây từng lọt vào top 15 Hoa hậu Thế giới người Việt 2010.
Đạo diễn Brett Ratner cùng với nhà sản xuất Don Mischer sẽ thể hiện lễ trao giải bằng những pha hành động, mạo hiểm với kỹ xảo ngoạn mục.