Gìn giữ gia phong của người Mông

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:14:14 PM

YBĐT - Ở vùng đồng bào Mông, nét văn hóa đặc trưng và nổi bật nhất trong gia phong là sự chi phối bởi quan hệ của dân tộc, dòng họ. Trong đó, tộc người này đặc biệt quan tâm đến ý thức đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc và sự đoàn kết của cộng đồng, dòng họ. Bởi vậy, khi cư trú, người Mông thường sống quần tụ theo dòng họ, huyết thống để dựa vào nhau trong cuộc sống và lao động sản xuất.

Người Mông cúng tổ tiên trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Người Mông cúng tổ tiên trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.

Đối với dân tộc Mông, vì nhiều lý do phải di cư liên tục qua các vùng miền với rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và phải thay đổi cả phong tục tập quán canh tác, nếp sống sinh hoạt. Tuy nhiên, họ vẫn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không để lẫn với các dân tộc khác. Trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gia đình, thông qua những câu chuyện cổ tích, chuyện dân gian hay truyền thuyết, thơ ca… những người già bao giờ cũng truyền đạt lại tinh thần đoàn kết, bảo vệ bản sắc dân tộc cho thế hệ trẻ.

Các chàng trai người Mông học thổi khèn - loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông.

Trong lịch sử, người Mông thể hiện sự đấu tranh kiên cường bảo vệ sự trường tồn của dân tộc. Khát vọng đó được thể hiện trong các hoạt động tín ngưỡng và nghi lễ dân gian. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, trong lễ đặt tên và nhập hồn cho đứa trẻ mới sinh, người Mông đã thể hiện ý niệm mong muốn đứa trẻ đó về sau này sẽ trở thành một chiến binh ngoan cường đối với con trai và giỏi giang, khéo léo, dịu dàng đối với con gái.

Trong tang lễ, điệu khèn tiến quân của đội hình đuổi giặc chạy quanh người đã khuất cũng mang ý nghĩa khi còn sống đã chiến đấu bảo vệ dân tộc thì lúc chết rồi cũng phải vì dân tộc mà cảnh giác với kẻ thù để đấu tranh giữ gìn bản sắc của mình. Người Mông quan niệm, nếu muốn bảo vệ được sự trường tồn của dân tộc trong một hoàn cảnh khốc liệt thì bài học đó phải rút ra trong văn hóa mưu sinh.

 Việc học tập là để tiếp thu  kinh nghiệm từ lao động, sản xuất của các dân tộc khác nhưng trong văn hóa tâm linh, cách làm, cách nghĩ, phương thức sống và ứng xử thì người Mông không chấp nhận yếu tố bên ngoài. Do đó, người Mông thường hành động theo các luật tục, quy ước, phong tục tập quán của dân tộc mình. Điều này đặt ra nhiều suy nghĩ bổ ích trong việc lựa chọn, tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh khi giao lưu với bên ngoài.

Đồng bào Mông luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi công việc gia đình.

Ngoài ra, người Mông còn có nguyên tắc bảo vệ mang tính cộng đồng, dòng họ bền chặt. Biểu hiện của tính cộng đồng là ở sự thống nhất của các lễ hội, phong tục tập quán, cách thức thờ cúng và ở nguyên tắc nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ... Dù mới gặp nhau lần đầu, dù ở bất cứ nơi đâu, quốc gia nào, khi đã nhận ra là người Mông thì họ coi nhau như anh em ruột thịt. Sự cố kết, gắn bó dân tộc dòng họ, bản làng, gia đình của người Mông rất chặt chẽ. Họ tôn trọng sự điều hành của người bề trên như cụ, kỵ, ông bà, trưởng bản, trưởng dòng họ, con cái tôn trọng bố mẹ, nề nếp gia đình hòa thuận.

Để duy trì sự đoàn kết của cộng đồng, người Mông thường chú trọng giáo dục thế hệ trẻ, đặt ra nhiều tập tục, quy ước sinh hoạt mang tính cộng đồng, ai vi phạm sẽ bị lên án gay gắt bằng những hình phạt lao động công ích cho xã hội. Nếu như ai đó vi phạm các tội: trộm cắp, đánh nhau, ngoại tình, nghiện hút thuốc phiện..., thì sẽ bị xử lý theo luật tục của dòng tộc.

Ngoài việc bồi thường cho bị hại còn bị phạt làm đường hay một công trình công ích để xung công quỹ. Thông qua hình thức giáo dục này để nâng cao ý thức tự giác cho mọi người trong gia đình, dòng họ và cả cộng đồng dân tộc. Về lao động sản xuất, người Mông có nhiều kinh nghiệm sáng tạo, đặc biệt là sự cần cù, chịu khó, làm ra làm, chơi ra chơi. Mô hình quản lý sản xuất theo hộ gia đình, đổi công trong dòng họ, làng bản là những kinh nghiệm quý báu.

Trong canh tác, người Mông biết xen canh gối vụ, khai thác nương rẫy kết hợp với phát triển chăn nuôi và các nghề phụ. Làm bất cứ việc gì, người Mông đều có ý thức đạt nhiều mục đích. Khi khai thác thế giới thực vật, người Mông thường chọn các loài cây vừa làm dược liệu chữa bệnh, vừa làm hàng hóa giúp tăng thêm thu nhập phục vụ đời sống như: thảo quả, sơn tra...

Sự khai thác khám phá đầy sáng tạo này cũng chính là yếu tố đảm bảo tiết kiệm, giữ gìn tính bền vững của tự nhiên. Về hoạt động văn hóa nghệ thuật, lúc nào, ở đâu người Mông cũng kết hợp hài hòa nhiều loại hình hát, múa khèn, kể chuyện, động tác diễn tả tạo sự hấp dẫn tinh tế của từng chi tiết. Mô hình quản lý xã hội dựa trên cơ sở một hệ thống luật tục được xây dựng qua nhiều thế hệ bởi sự uy tín của gia đình, trưởng họ, già làng, trưởng bản mang tính tự chủ, tự quản rất cao này có nhiều điểm hợp lý. Có thể đưa vào vận dụng trong công cuộc đổi mới. Nhất là trên lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước theo quy ước an ninh, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, điều hành công việc của bản làng.

Ngày nay, bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế mở cửa, hòa nhập với quốc tế nhưng những bài học trong đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hóa của người Mông vẫn luôn có ý nghĩa vô cùng to lớn với thế hệ trẻ.

Đức Hồng

Các tin khác
Các nhà nghiên cứu văn hóa tìm hiểu về chữ Thái tại Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Đình Thi)

YBĐT - Xác định rõ ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, nhiều năm trở lại đây, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái, bảo tồn cũng như phát huy các điệu múa dân gian, các nhạc cụ dân tộc gồm 6 loại pí chế tác từ tre, nứa.

YBĐT - Tôi theo câu hát giao duyên của người con gái Dao tìm về làng văn hóa Khe Đát xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Cuộc sống đổi thay, đời sống văn minh hiện đại đã làm cho gái trai trong bản thêm xinh thêm đẹp, nhưng nét duyên quê và những tập tục sinh hoạt văn hóa của người Dao nơi đây thì vẫn còn lưu giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc riêng có.

Carla Garcia Barber (Tây Ban Nha)

Chuyên trang sắc đẹp Globalbeauties vừa công bố danh sách Top 5 Hoa hậu hấp dẫn nhất hành tinh năm 2011. Cái tên Ivian Sarcos Colmenares (Venezuela) - Hoa hậu Thế giới 2011 được xướng lên.

“Họa mi tóc nâu” vừa rinh cú đúp tại thưởng Video âm nhạc Việt gồm giải Nữ ca sĩ xuất sắc nhất và giải bình chọn cao nhất cho MV “Đánh thức bình minh”. Trong khi đó, ca sĩ Hồng Nhung lập hattrick với MV “Vòng tròn”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục