Đượm tình Hạn khuống Nghĩa An
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/2/2012 | 3:06:14 PM
YBĐT - Vừa qua, tại khu làng nghề xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, sinh hoạt Hạn khuống - một nét văn hóa độc đáo của người Thái Mường Lò vào những dịp đầu xuân đã diễn ra, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng tham dự.
Trên sàn hạn khuống.
|
Ai chưa từng đến Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mường Lò - xứ sở của hoa ban, những điệu khắp trữ tình và vòng xoè nồng say thì chưa thể biết tới một nền văn hoá phong phú, đa dạng và lâu đời của người Thái Mường Lò, trong đó Hạn khuống là một sinh hoạt văn hoá tiêu biểu.Yêu lao động, yêu văn nghệ, yêu cuộc sống, từ xa xưa đồng bào dân tộc Thái, ngoài căn nhà sàn thân quen của mình khi tiết trời sang xuân, họ dựng một cái sàn ở nơi đất trống của bản làm bằng tre, gỗ gọi là Hạn khuống để hát khắp đối đáp. Sàn được trang trí bởi năm cây tre róc sạch cành, chỉ để lại trên ngọn một túm lá phất phơ, gọi là lắc xáy; 4 cây nhỏ cắm ở 4 góc sàn, còn cây to và thẳng nhất cắm ở cạnh bếp lửa gọi là lắc xáy cốc (cây nêu gốc).
Thông thường, mỗi cuộc Hạn khuống tối thiểu cũng phải chọn đủ 5 (có nơi 10) cô gái xinh xắn, nết na, chưa lập gia đình. Một cô ngồi ở chân lắc xáy cốc và được tôn là Tổn khuống (tướng sân), có vai trò chủ trì, điều phối, châm ngòi, giữ nhịp cho những cuộc đối đáp. Bốn cô gái kia chia nhau ngồi cạnh chân 4 lắc xáy ở 4 góc sàn, có nhiệm vụ phù trợ, điểm xuyết, làm nền, tạo thêm không khí sinh động, bất ngờ cho cuộc chơi. Soi sáng cho sân chơi Hạn khuống là một bếp lửa bập bùng.
Ông Lường Lãng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết: “Hạn khuống được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho phồn vinh no ấm. Hạn khuống thường sinh hoạt vào thu đông và đầu xuân. Các chàng trai, cô gái công khai tìm hiểu nhau qua tài nghệ và lời ăn tiếng nói rồi kết tóc se duyên, xây dựng hạnh phúc gia đình. Năm nào cũng vậy, xã Nghĩa An đều đứng ra tổ chức lễ hội Hạn Khuống và trở thành nét sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của cả vùng Mường Lò. Ai đã từng được dự sinh hoạt Hạn khuống thì thấy trong lòng lửa tình thêm thắm đượm”.
Khi bếp lửa trên sàn được nhóm lên, ngọn lửa cháy rực cả góc bản cũng là lúc các cô chủ Hạn khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên xuống, vừa kéo sợi vừa ra vế đối với các chàng trai. Vậy là cuộc thi tài bắt đầu. Các chàng trai muốn lên được sàn hoa phải thắng trong cuộc hát đối đáp với các cô chủ Hạn khuống. Các lời hát đối đáp thường lấy trong truyện thơ “Xống chụ xôn xao”, “Tản chụ xống xương”, “Tản chụ xiết xương...”.
Cũng có khi lời đối đáp là lời ứng tác giữa hai bên. Khi đã cảm phục tài của các chàng trai trong đối đáp, các cô gái thả thang xuống mời các bạn trai lên. Lên Hạn khuống rồi, bên gái không cho ghế, bên trai lại khắp xin ghế ngồi, khi được ghế lại xin điếu thuốc...
Sau một loạt khắp đối đáp, các chàng trai vượt qua được thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui. Lúc này, các chàng trai và cô gái nào thấy có cảm tình thì đến bên nhau. Cô gái thêu thùa kéo sợi, cán bông..., còn chàng trai đan giỏ, đan hom, thổi sáo tâm tình.Mọi người già trẻ lúc này đều có thể lên Hạn khuống, có việc gì làm việc nấy, vừa hát, vừa trò chuyện đầm ấm quanh bếp lửa.
Đêm về khuya, những người có tuổi và trẻ em lần lượt ra về. Các thanh niên nam nữ vai kề vai bên bếp lửa tâm sự thâu đêm. Càng về khuya lửa tình duyên càng thêm nồng thắm. Hạn khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày với phong phú hình thức vui chơi, giải trí như: tung còn, múa xoè... Nhưng đêm đến, sinh hoạt chủ yếu của Hạn khuống là hát giao duyên.
Cùng với hát đối đáp, đám đông nhiều khi cất tiếng hò phụ họa làm cho không khí vô cùng náo nhiệt. Hạn khuống tan là lúc cô Tổn khuống hát bài chia tay. Mọi người tắt bếp lửa mang dụng cụ ra về. Cô Tổn khuống cất thang, cuộc sinh hoạt Hạn khuống tạm dừng nhưng dư hưởng còn theo mãi. Anh Điêu Đình Độ ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An cho biết: "Hạn khuống không chỉ thể hiện tình cảm của đôi trai gái mà ở đó mỗi người dân của dân tộc Thái đều như tìm được cội nguồn văn hoá của dân tộc với ước vọng muôn vật sinh sôi nảy nở trong đó trung tâm là con người".
Sinh hoạt Hạn khuống được người Thái Mường Lò qua bao thế hệ đón nhận nồng nhiệt. Hạn Khuống đem lại một giá trị tinh thần to lớn cho đời sống, tình cảm của mỗi người. Cùng với múa xoè, hát khắp..., Hạn Khuống là hoạt động văn hoá cổ truyền, tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò mãi trường tồn và toả sáng.
Minh Tuấn
Các tin khác
Đó là chương trình thử nghiệm mới của Nhà hát Cải lương Hà Nội nhằm giới thiệu bộ môn nghệ thuật sân khấu Cải lương với các khán giả là khách du lịch, khách lữ hành Quốc tế đến Việt Nam.
YBĐT - Kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2012), vừa qua, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" tại Nhà sàn Bác Hồ thu hút đông đảo người xem.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú lần 7.