Vui tết Síp Xí ở bản Xa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2012 | 10:07:56 AM

YBĐT - Chúng tôi đến Mường Lò vào lúc chớm thu, lúa xanh ngút ngàn đến tận chân núi, dọc đường bà con tấp nập chuẩn bị cho tết Síp Xí, đây là tết lớn nhất trong năm của người Thái Mường Lò được tổ chức vào ngày 13 - 14/7 Âm lịch.

“Xe then” - Xòe then trong tết Síp Xí của đồng bào Thái đen Mường Lò.
“Xe then” - Xòe then trong tết Síp Xí của đồng bào Thái đen Mường Lò.

Người mà chúng tôi hẹn đến thăm là chị Hoàng Thị Loan, bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Chị Loan là người Thái đen chính gốc với búi tóc “Tằng cẩu” gọn gàng trên đỉnh đầu, chị mặc chiếc áo cỏm hoa trắng đang mải mê mua đồ cho tết Síp Xí cổ truyền. Cùng đi chợ Mường Lò với chị là cô con gái 17 tuổi Lò Thị Mến đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của thị xã, nết na, dịu dàng.

Chợ Mường Lò trong những ngày này đông vui hẳn lên. Nào là  lá dong, mộc nhĩ, măng mai của bà con người Dao, người Mông từ Nậm Mười, Gia Hội, Nậm Búng chuyển về, nào là gạo nếp, đậu, lạc của bà con người Thái trắng từ Tú Lệ chuyển xuống rồi vịt, gà, cá suối của bà con người Mường  từ Sơn A, Thạch Lương chuyển lên...

Theo chân chị Hoàng Thị Loan, chúng tôi đến thăm bản Xa -  bản có 100% đồng bào là người Thái sinh sống. Bản Xa nằm bên dòng suối Thia sau những rặng tre xanh rì, vừa bước đến đầu bản đã cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi của ngày tết. Chị Loan dẫn chúng tôi lên nhà, một căn nhà gỗ 3 gian rộng rãi, mát mẻ mịt mùng khói bếp.

Thấy có khách lạ, anh Lò Văn Sươi - chồng chị Loan nhanh nhẹn xuống thang bắt tay mọi người và mời lên nhà. Đó là căn nhà sàn rộng rãi gọn gàng, hướng quay ra dòng Thia trong mát, chiếc chiếu hoa được trải ra giữa nhà cùng với những ghế đệm bông lau sặc sỡ hoa văn, căn nhà vẫn giữ được nét truyền thống bởi gian sinh hoạt của gia đình được ngăn cách bởi tấm vải đen kín đáo. Anh Sươi mời chúng tôi ngồi uống nước và trò chuyện, lúc này chị Loan mới từ bếp lên mang theo một bầu rượu và đĩa bánh.

Theo chị Loan giới thiệu, đây là loại bánh quan trọng nhất trong dịp tết Síp Xí, loại bánh này có tên gọi là “pả cảy” được làm từ bột gạo nếp, có nhân làm từ đỗ xanh và thịt băm nhỏ với lạc, được gói bằng lá chuối sau đó xoắn giữa cặp đôi 2 chiếc với nhau, dùng một dây lạt buộc đầu và xôi chín. Khi chiếc bánh được bóc ra có màu trắng đục, nhân đỗ xanh, thịt băm, lạc nhân quện với nhau thơm lừng, khi ăn có một vị rất đậm đà khó quên. Anh Sươi cho biết thêm, loại bánh này gói để dùng trong  lễ cúng ma nhà, cúng tổ tiên, cúng ruộng đồng, cúng ma trâu cũng như làm quà cho bạn bè đến thăm...

Khi được hỏi về tết Síp Xí, anh Sươi cho biết thêm, Síp Xí là tết lớn nhất trong năm của đồng bào, hàng năm vào thời gian 13- 14/7 Âm lịch bà con người Thái Mường Lò đều tổ chức đón tết Síp Xí rất trang trọng, đầm ấm và vui vẻ. Từ mấy ngày trước đó, các bà, các mẹ, các chị trong bản đã chuẩn bị lá chuối, lá dong rừng, gạo nếp, gà vịt và các đồ lễ khác để làm lễ cúng tổ tiên, cúng ma nhà, ma trâu, cúng ruộng đồng và khách khứa đến tham gia đình...

Một trong những lễ trọng trong ngày tết của đồng bào là lễ cúng tổ tiên của chủ nhà. Chủ nhà chuẩn bị lễ vật bánh “ pả cáy”, gà luộc cả con hoặc thủ lợn, xôi ngũ sắc để cúng khấn mời tổ tiên, mời các ma nhà về dự tết chung vui cùng con cháu. Lễ cúng này được diễn ra ngay tại gian thờ.

Cùng với đó là lễ cúng ma nhà, cùng với bánh “pả cáy” đồng bào thường mổ thêm một con vịt để “phá súi”, xua tan  đi những đen đủi, không may mắn trong cuộc sống; rồi lễ cúng ruộng gồm có xôi và thịt gà đặt ngang đầu ruộng của gia đình. Thầy cúng ngồi trước thửa ruộng cầu xin ma bản, ma làng, tổ tiên thần thánh về phù hộ và chăm sóc cho cây lúa của gia đình không bị con sâu, con chim, con thú về phá hoại, cho lúa lên nhanh hạt to, chắc mẩy; rồi lễ cúng vía cho trâu “ tam khuôn quai”, là dịp để cho con trâu “ăn tết” và cầu xin tổ tiên thần thánh che chở, bảo vệ cho trâu được mạnh khoẻ để giúp đỡ gia đình trong sản xuất nông nghiệp...

Anh Sươi cho biết, tết Síp Xí nào các con gái, dâu, rể, cháu chắt dù ở gần, dù xa đều về nhà chúc phúc cho ông bà, bố mẹ. Lễ vật là những cặp bánh “pả cảy” ngon nhất, thơm nhất cùng với bộ gan vịt vì đây là phần ngon nhất và quan trọng nhất của con vịt sang chúc phúc và mừng tuổi. Đây là một nghi thức đẹp thể hiện đạo lý hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ được đồng bào giữ gìn và phát huy từ bao đời.

Sau một vòng đi thăm bản, tìm hiểu về các tập quán của người Thái trong dịp tết Síp Xí”, rồi đi dạo trên con đường làng dọc bờ suối Thia huyền thoại chúng tôi quay trở lại nhà anh Sươi khi các nghi thức cúng lễ đã xong. Khi bước chân vào nhà là những mâm cơm được bày sẵn trên sàn với những món ăn rất ngon và đẹp mắt được mẹ con chị Loan chuẩn bị từ chiều để thết đãi khách. Đó là những món rau rừng xôi ngon ngọt, cơm xôi ngũ sắc dẻo thơm, cá suối, thịt nướng... đậm đà hương vị núi rừng Mường Lò do các bà, các mẹ tự tay làm...

Sau bữa rượu, anh Sươi lại dẫn tôi đến nhà mo Then trong bản xem nghi thức cúng then và xoè then (xe then). Các điệu xoè theo như: xoè khăn, xoè quạt, xoè hoa... được các chị, các em thể hiện nhẹ nhàng, uyển chuyển trong tiếng pí, tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng trống để mừng và mời thần Then về dự tết và vui cùng trai làng, gái bản đã làm cho ngày Síp Xí rộn ràng như không có hồi kết.

  Đ.P

Các tin khác
Tiết mục của Cụm thi đua số 5 giành giải Nhất thể loại tốp ca .

Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn viên chức tỉnh phát động và chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 18/5, tại rạp Hồng Hà, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ)” năm 2024.

Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục