Sắp khánh thành quần thể Tháp Chăm tại Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/11/2012 | 2:13:04 PM

Ngày 23/11, Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) sẽ khánh thành Quần thể tháp Chăm mô phỏng quần thể tháp Chăm Ninh Thuận. Đây là điểm nhấn của chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 2012.

Nhiều lễ hội đặc sắc của người Chăm cũng sẽ được tái hiện trong dịp này.
Nhiều lễ hội đặc sắc của người Chăm cũng sẽ được tái hiện trong dịp này.

Ngày 15/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, 82 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Chuỗi hoạt động này sẽ diễn ra trong suốt 2 ngày 23 - 24/11 tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá, Trưởng BTC cho biết, sự kiện đáng chú ý nhất trong loạt hoạt động này là buổi khánh thành quần thể Tháp Chăm.

Ảnh minh họa

Quần thể tháp Chăm trong Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam


Quần thể tháp Chăm tại Làng được xây dựng mô phỏng quần thể tháp Chăm Po Klong Garai, Ninh Thuận, với tỷ lệ 1 - 1. Đây là công trình kiến trúc hết sức độc đáo, đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Như nguyên mẫu, công trình mới xây dựng bao gồm 3 toà tháp: Tháp Chính Kalan cao hơn 20 m, tháp Cổng Gopura cao hơn 8 m và tháp Hỏa Kosaghra cao hơn 9 m. Cấu trúc công trình, thành phần kiến trúc  và trang trí... đều được tái hiện y như nguyên mẫu tháp ở Ninh Thuận.

Ông Lợi cho biết, dự án đã mời chính các nghệ nhân Chăm ra xây dựng tháp, và họ đã thực hiện công trình này với những quy trình, chất liệu, kỹ thuật đặc biệt của nghệ thuật xây dựng tháp Chăm nổi tiếng.

Công trình được khởi công từ tháng 3/2008, với tổng diện tích 4.000 m2. Đến nay sau 5 năm vừa nghiên cứu vừa xây dựng, toàn bộ Khu Tháp Chăm đã được hoàn thiện, sẵn sàng cho việc khánh thành đúng vào ngày Di sản với các nghi thức, nghi lễ truyền thống của người Chăm do các nhà sư dân tộc Chăm thực hiện.

Trước quần thể tháp có sân lễ hội nằm giữa tháp Cổng và tháp Chính, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm. Bên cạnh đó là một góc thu nhỏ làng của người Chăm ở Ninh Thuận, người Chăm ở An Giang, Nhà chính điện khu chùa Khmer…

Cũng dịp này, nhiều nghi lễ độc đáo của người Chăm được tái hiện tại Làng Văn hóa như: Lễ mở cửa - khánh thành quần thể Tháp Chăm, Lễ hội Katê, Lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm Bà Ni - Ninh Thuận, Lễ cưới của người Chăm ở An Giang.

Song song là các hoạt động của cộng đồng dân tộc H’Rê (Quảng Ngãi),  triển lãm, trưng bày hiện vật, sản vật đặc trưng, văn hóa các dân tộc Việt Nam và của đồng bào dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Chương trình có sự tham gia của cộng đồng dân tộc Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận, cộng đồng dân tộc Chăm tỉnh An Giang, cộng đồng dân tộc Chăm của các tỉnh, thành Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. HCM, và cộng đồng dân tộc Hrê tỉnh Quảng Ngãi.

Tối 23/11, sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam, 82 năm thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tại khu quần thể tháp Chăm. 

Chương trình nghệ thuật, gồm 3 phần: Tiếng vọng núi sông, Hành trình di sản, Văn hóa Chăm trong lòng dân tộc sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4, VTV5 với nhiều tiết mục đặc sắc, trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc.

Đây cũng là việc làm nhằm quảng bá và giới thiệu về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, địa chỉ văn hóa của Thủ đô và cả nước, điểm đến của du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục