Hoa ban Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/11/2012 | 9:38:10 AM

YBĐT - Mùa ban Tây Bắc đã về tự lúc nào. Cứ vào mùa này hàng năm, trong cái hanh hao, se lạnh của thu, không gian núi rừng Tây Bắc nhuốm màu sương và khoác trên mình những chiếc áo muôn màu mới. Mùa hoa ban với câu chuyện chàng Khum, nàng Ban còn vang mãi nơi núi rừng này.

Hoa ban trắng.
Hoa ban trắng.

Chẳng biết hoa ban có mặt ở những miền đất vùng Tây Bắc từ bao giờ, người Mông, người Tày, người Thái nơi núi rừng mờ sương chẳng thể biết được. Chỉ biết, hoa ban đối với họ như một người bạn vô cùng thân thương và gần gũi. Không chê đất núi khô cằn, ban bén rễ và mọc trên những mỏm núi cao, bên cạnh tảng đá, bên ven suối, ven đường cùng vô số những loài hoa rừng khác ở Tây Bắc như hoa mận, hoa chôm chôm rừng, hoa đào… làm cho Tây Bắc mang một vẻ đẹp hoang sơ, nhiều màu và rộn rã sắc hương.

Ban rừng Tây Bắc không mọc thẳng tưng như ban trồng trong công viên mà thân cây khẳng khiu, uốn lượn lên tận ngọn rồi buông một cách thoải mái vô số cành xuống chạm mặt đất nhìn từ xa tựa như dáng vẻ của người thiếu nữ. Ban ham ánh sáng lạ thường. Dù mọc trong rừng rậm hay ven suối, ban cố len lỏi qua những loài cây khác để đón ánh nắng mặt trời. Vì thế mà lá ban xanh tươi một màu, lá mọc chi chít trên những cành nhỏ rủ xuống như những sóng tóc của người thiếu nữ. Lá ban xập xoè hình cánh bướm, nhìn xa tựa như hình trái tim xanh. Mỗi khi có gió thổi nhẹ, trái tim ấy đập không ngừng rồi lại xòe ra cụp lại.

Ban rừng Tây Bắc có hai giống ở hai mùa khác hẳn nhau. Một loại cành lá rủ xuống mặt đất hay ven suối như những thiếu nữ Tây Bắc tình tứ. Loài này thường không rụng lá vào mùa đông rét mướt và mọc hoa vào độ tháng mười. Còn một loại khác là ban phơn phớt tím thường hay rụng lá và mọc hoa vào tháng ba. Hình như hai giống ban này đã chia sẻ và phân công nhau “mãn khai” vào hai khoảng thời gian khác nhau để núi rừng Tây Bắc mùa nào cũng đậm sắc hương.

Qua những ngày mùa đông giá rét trên núi cao, cái rét làm cho người Mông, người Tày, người Thái lạnh cái tay, “nàng ban” trút bỏ “chiếc áo” màu vàng nhạt, để lộ ra những thân cành nho nhỏ, khẳng khiu. Những thiếu nữ Mông mải mê se sợi, chẳng để ý gì đến lời thì thầm của “nàng ban” trên đầu. Rồi đến một ngày, đúng vào thời khắc giao mùa, thân cành ban cựa mình chuyển động và trào dâng sức sinh sôi.

Từ trong tán lá xanh ngắt đang rủ xuống, chìa ra những nụ hoa ban trắng hồng, hình nhọn búp măng tựa như ngón tay của người thiếu nữ. Chỉ vài ngày sau, một bông, hai bông, rồi khắp thân cành, nàng ban đã trổ hoa, đã ca bài ca sinh tồn của giống loài. Không nở một lúc, những nàng ban e lệ, thấp thoáng sau làn gió nhẹ nở từng bông đều đặn rồi nở cho kỳ hết. Mùa ban đã về thật rồi, núi rừng Tây Bắc đón những ngày hội hoa ban.

Hoa ban không trắng toát một màu mà mỗi cánh hoa được tô điểm bằng màu tím nhẹ. Nếu nhìn không kỹ, nhiều người cứ ngỡ đó là màu đỏ. Màu tím nhẹ hòa lẫn màu trắng của viền cánh hoa làm cho hoa ban thêm kiều diễm và hấp dẫn. Cánh hoa lúc đầu chúm chím, hôm sau tỏa ra hết mình để lộ cánh mỏng mảnh, cái nhụy hoa li ti giữa đài hoa. Khắp thân cành của ban, hoa nở chi chít từ gần gốc đến ngọn. Toàn thân ban như đang căng tràn sức sinh sôi như đang thêu dệt cho mình một tấm áo toàn hoa.

Hoa ban về, những cơn gió thổi nhè nhẹ chỉ đủ sức làm cho ban cựa mình, những cành ban nhỏ chi chít hoa rung rinh như làm duyên với mặt nước. Thỉnh thoảng, một cánh hoa ban trắng hồng bứt khỏi đài hoa chao lượn cùng gió nhẹ xuống làn nước suối trong veo làm cho mấy chú ếch, chú rô giật mình không hiểu chuyện gì. Những chú ngựa từ trên núi cao về còn dính đầy cánh hoa ban trên yên, trên bờm. Những ngày chớm lạnh của tháng mười, mùa ban về, núi rừng Tây Bắc được tô điểm thêm sắc màu.

Trên mỗi cánh rừng đại ngàn, ban phủ lên những tấm thảm hoa rực rỡ sắc màu, bên lối đi quen thuộc của người Mông, người Thái, ban đua nhau nở hoa khắp thân cành, ở giữa những nương rẫy trồng ngô, trồng lúa, thỉnh thoảng lại có một gốc ban xù xì tím rực sắc hoa.

Mùa hoa ban về, gieo vào lòng người bao nỗi niềm. Ngồi bên tảng đá, những chàng trai, cô gái Thái cầm cánh hoa ban vân vê trong tay như để nhớ về câu chuyện tình chàng Khum, nàng Ban thuở nào, để đem lòng yêu thương và gắn bó trọn đời nơi núi rừng này.  Sau mỗi buổi lên nương rẫy, các chàng trai, cô gái lại đến bên gốc ban để ngắm nhìn những cánh hoa ban thơ mộng. Họ lấy dây cỏ xâu những cánh hoa ban thành chiếc vòng tuyệt đẹp. Một không gian tinh khiết, bừng sáng và yên bình biết mấy. Hình như nàng ban biết vậy nên nở nhiều hoa và rực rỡ sắc màu. Để cho mảnh đất nơi Tây Bắc thêm đẹp hơn, thơ mộng và say đắm lòng người.

Mùa ban về, mùa của bài ca tình yêu sáng mãi nơi núi rừng Tây Bắc.

Nguyễn Thế Lượng

Các tin khác
Một tiết mục của Câu lạc bộ nghệ thuật cựu chiến binh tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Đã gần mười năm nay, những người yêu ca nhạc trong tỉnh Yên Bái lại biết thêm một đội văn nghệ quần chúng mà giọng hát, tay đàn của họ đã ở vào tuổi ông bà.

Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 8 năm 2012 sẽ có chủ đề “Khám phá văn minh sông Hồng” diễn ra từ 21 đến 24-11 tại Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức, với sự tham dự của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh.

Tấm bia Tây Lãnh Thang Hoàng về thắng cảnh suối nước nóng tại Dương Hòa được khắc, dựng thời vua Thiệu Trị (trị vì 1840-1847).

Ngày 17/11, TS. Phan Thanh Hải, GĐ trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, vừa tìm thấy tấm bia Tây Lãnh Thang Hoàng khắc tháng 7 nhuận năm 1843 thời vua Thiệu Trị về thắng cảnh suối nước nóng thuộc xã Dương Hòa, Thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế.

Các tiết mục tham dự Liên hoan năm nay không có sự trùng lặp, đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều điều thú vị, hấp dẫn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục