Vũ Chấn Nam một chặng đường thơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2012 | 9:12:30 AM

YBĐT - Tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội năm 1962, nhà giáo Vũ Văn Đình được phân công lên dạy học tại Yên Bái - mảnh đất của cuộc khởi nghĩa chống Pháp do lãnh tụ Nguyễn Thái Học lãnh đạo; của thủy điện Thác Bà, gạo trắng Mường Lò… đã nuôi dưỡng hồn thơ.

Và cái bút danh Vũ Chấn Nam đã trở thành thân quen với bạn đọc các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ. Lần lượt các tập thơ cũng được ra mắt: Mùa hoa phượng, Đất vua Hùng, Làng Dòng của tôi, Miền quê xoan ghẹo, Dáng mẹ trên đồng, Huyền thoại Thác Bà, Về Pác Bó.

Ghi nhận đóng góp của ông cho sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà, vừa qua Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái đã cho xuất bản “Vũ Chấn Nam - Thơ một chặng đường”. Đây là tuyển thơ nhằm giới thiệu với bạn đọc những bài thơ tiêu biểu trên suốt chặng đường sáng tác của tác giả.

Giống như bao thanh niên lúc bấy giờ, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Đảng đến mọi miền đất nước, Vũ Chấn Nam cũng có cái sôi nổi riêng của một giáo sinh vừa tốt nghiệp ra trường mà trái tim tràn đầy nhiệt huyết:

Về Tây Bắc, tôi sẽ về Tây Bắc
Mường Thanh ơi, ta sẽ mở thêm trường
Dù trăm suối, mười châu đường đi dằng dặc
Cháy lòng ta mong thấy bóng hoa ban.

                                                          (Trưởng thành)

Gần bốn mươi năm “gắn bó với nghề dạy học”, ông càng hiểu thêm ý nghĩa của sự nghiệp “trồng người”; hiểu thêm cái gian khó của việc đối mặt với chao chát của kinh tế thị trường đầy những “vào cầu và trúng quả” để giữ gìn đạo đức cao quý người thầy giáo.Và ước nguyện “Nếu được đầu thai lại xin làm nghề dạy học/ Để được chong đèn soi giáo án đêm đêm/ Nét chữ nét  người biết bao khó nhọc/ Bốn mươi năm tít tắp một con đường”.

Gắn bó với Yên Bái, ông để cảm xúc của mình thấm đẫm với Thác Bà, với bến Âu Lâu lịch sử, chiến khu Vần; rồi đất Nghĩa  Lộ – Mường Lò, quế thơm Văn Yên, huyện mới Lục Yên… ở đâu đất và người hiện lên cũng đẹp, cũng lung linh trong trẻo đến lạ kỳ. Phải chăng vì nơi ấy chứa đựng bao kỷ niệm của ông và người thân, nhất là trong những ngày cuộc sống còn nhiều gian khó. Một “ga quê hương” thành phố Yên Bái; một Đát Dẻ, Thác Cái của huyện Yên Bình; một “Kỷ niệm bên cánh đồng Đại Phác” huyện Văn Yên; hay đằm thắm đêm sử thi một “Làng Dao đỏ”:

Ánh trăng chảy tràn kẽ lá
Già làng kể chuyện thâu đêm
Những dấu chân in lõm đá
Từ quy khắc khoải đầu non.

Ở Vũ Chấn Nam, quê hương nơi chôn nhau cắt rốn luôn luôn là nguồn mạch làm cho hồn thơ tuôn chảy. Nhiều tập thơ của ông hướng về “Đất vua Hùng”,”Làng Dòng của tôi”,”Miền quê xoan ghẹo” như là một một lẽ đương nhiên:

Đêm tháng mười hương lên mênh mang
Điệu hát xoan rập rờn quanh mái lá
Những tiếng hát ngàn đời thân thuộc quá
Miếng trầu trao xanh nõn khóm dâu tơ.

                                                                (Đất vua Hùng)

Lắng từng tiếng chim tu hú, “tiếng gầu va đáy giếng, guốc võng mài trăng khuya”; “cánh đồng tuổi thơ” cho nhà thơ “tìm lại ngày xưa”, “mảnh vườn xưa” để cảm thương “Dáng mẹ trên đồng”:

Sau vụ gặt tháng mười đồng lại trống trơn
Hun hút gió thân cò lặn lội
Lại cày vỡ lại ngả dầm, đổ ải
Mẹ đứng trên đồng xanh rợi cả  ban mai.

Một mảng thơ quan trọng trong chặng đường sáng tác của tác giả là những bài thơ viết về đảng, cách mạng và Bác Hồ. Thật không quá lời khi có bạn đọc nhận xét ông là người ở Yên Bái có nhiều thơ nhất viết về lãnh tụ Hồ chí Minh: “Về Pác Bó”, “Lán Nà Lừa”, “Ghi ở Tân Trào”…và “Bác về Yên Bái chiều thu ấy”. những bài thơ với giọng thơ chân thành, mộc mạc mà sâu lắng đã diễn tả được cái lớn lao bên trong sự bình dị bề ngoài của Bác:

Bác đi trên một con tàu chợ
Như bao hành khách ở trong toa
Đôi dép lốp bộ bà ba gụ
Người vẫn là ông Ké, vẫn Già Thu.
                                        (Bác về Yên Bái chiều thu ấy)

Mấy trăm bài thơ đậm phong cách thơ tuyên truyền của một thời chống Mỹ và buổi đầu xây dựng chủ  nghĩa xã hội. ở một số bài thơ tác giả còn sa đà vào thể diễn ca. Cái mạnh của ông là vốn hiểu biết về nông thôn nên cách dùng từ ngữ, chọn thi liệu đã thể hiện sự quan sát khá tinh tường, thơ vì thế rất có hồn (Vu vơ, Chợ quê, Ký họa làng ven, Mưa…).

Chưa có sự đổi mới theo kịp các trào lưu hiện đại song khi tuân thủ theo lối nói, lối cảm truyền  thống Vũ Chấn Nam vẫn có những bài xuất thần đầy tâm trạng “Một bông, hai bông, ba bông… mười mấy bông/ Từ từ mở cánh hoa phô trắng muốt/ Hai mươi giờ, hăm mốt giờ, hăm hai giờ… giờ hoa xung mãn nhất/ Một đời hoa chờ đợi phút giây này”(Lặng ngắm hoa Quỳnh). Thơ ông chính là một loại hoa quỳnh đợi người tri âm.

 Thế Quynh

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.

Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", Trung ương Đoàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thành phố Yên Bái dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tưng bừng các hoạt động văn hoá văn nghệ khắp địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phầndần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố tỉnh lỵ.

Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục