Đắm say điệu dân vũ mùa xuân

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/1/2013 | 2:44:00 PM

YBĐT - Nếu bạn đến với miền Tây, hãy ngược núi lên Nghĩa Sơn - một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, nơi quần tụ của hơn 1.000 người dân Khơ Mú, nơi lưu giữ những điệu dân vũ riêng có của một dân tộc rất ít người.

Múa sạp trong lễ hội Cầu mùa của người Khơ Múa Nghĩa Sơn.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Múa sạp trong lễ hội Cầu mùa của người Khơ Múa Nghĩa Sơn. (Ảnh: Hoàng Đô)

Tết đến, xuân về, khi mừng mùa màng bội thu, mừng nhà mới, cơm mới... bà con thường tổ chức vui chơi, ca múa. Trong hội làng, điệu múa cá lượn bao giờ cũng được trình diễn. Đồng bào Khơ Mú coi đây là điệu múa truyền thống của dân tộc mình.

Hỏi điệu múa này do nghệ nhân nào sáng tác?, ông Mè Văn Lún - Bí thư Đảng ủy xã cười và nói rằng không biết có tự bao giờ, chỉ biết từ đời này qua đời khác truyền cho nhau, chẳng cần một lớp dạy nào, mỗi khi tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên bung bung bung, tùng, biêng... là mọi người dắt tay nhau ra múa, múa hồn nhiên, say sưa, tay cùng dẻo, chân cùng dẻo và cả thân hình cùng dẻo làm sao cho thật giống con lá lượn, giống đàn cá đùa vui dưới khe nước ấy.

Quả là như vậy, xem các thiếu nữ Khơ Mú múa điệu cá lượn ta như được hòa mình vào hồn núi, hồn sông. Từng bước chân uyển chuyển khẽ lướt trên mặt đất làm lay động làn gấu váy bằng lụa đen lóng lánh tựa như thấy sóng nước xôn xao... Váy bó chẽn thân hình làm nổi lên đường cong nuột nà thôn nữ, theo nhịp chiêng ngân, từng dáng hình uốn lượn uyển chuyển mà không hề phô diễn, cứ toát lên cái vẻ thanh tao, mềm mại đến đắm say...

Chiếc áo ngắn bó sát lưng ong giống như áo cỏm của người Thái, hàng cúc bạc hình vuông óng ánh hoa văn hình mặt trời như ngầm khoe bộ ngực tròn căng đang rạo rực dưới đôi vai tròn lúc lắc cùng nhún nhảy... Cái cổ kiêu ba ngấn nõn nà trên nền khăn piêu thêu sắc màu của cỏ cây, hoa lá, trăng sao.

Ông Mè Văn Lún còn bảo: “Cứ vào mùa tháng ba, tháng tư, nước khe suối trong vắt, khi làm cỏ nương về nhìn thấy cá bơi lượn là các mẹ, các chị lại muốn nhảy múa, trong lễ hội có trống chiêng làm nhịp, có khi bên bờ suối họ tự lấy âm thanh từ miệng: Bung bung bung! Tùng, Biêng...” rồi cùng múa, vui lắm! Vui múa thì quên hết mệt nhọc, ăn cơm rau, thịt nướng đã ngon càng thêm ngon. Điệu múa cá lượn này đi biểu diễn ở huyện, ở tỉnh được nhiều lần giải thưởng lắm đấy!”.

Đạo cụ chính để múa của người Khơ Mú chủ yếu là chiêng và trống. Trước đây có ít hộ thì nhà nào cũng có một chiếc chiêng đồng, cả bản có một hai cái trống, bây giờ không còn nhiều, vài chục cái chiêng thôi nhưng cũng đủ vui. Đội văn nghệ của xã có hẳn một bộ.

Ngoài ra còn một số đạo cụ nữa như Tăng bu được làm bằng ống tre, ống bương dùng cho điệu múa tăng bu, mô tả các động tác lấy nước từ khe suối, vác ống nước về nhà, nghiêng ống dội nước tắm, nghiêng ống để gội đầu, đùa vui khi đi lấy nước...

Các nghệ nhân múa thì dùng ống làm đạo cụ ra diễn, còn bên trong cánh gà có một đội cầm ống tăng bu dàn hàng ngang gõ ống xuống sạp và gõ thân ống vào nhau làm nhịp, âm thanh từ ống nước phát ra “cụp cụp cùm cum, cum cụp cụp”... trầm bổng, ai nghe cũng muốn nhảy ra múa, sinh hoạt cộng đồng mà, càng múa đông người càng vui.

Ở với rừng nên mọi thứ của rừng đều có thể làm đạo cụ được hết. Ví như điệu múa đao, không phải là cây đao của người xuôi, đó là tên điệu múa dùng ống nứa làm đạo cụ. Một đốt nứa được vạt hai bên từ giữa lên thành 2 mảnh mềm và mỏng, phần dưới là ống tròn có tác dụng giữ âm, được khoét hai lỗ nhỏ dùng ngón tay điều chỉnh âm lượng to nhỏ, trầm bổng theo nhịp múa.

Người múa cầm ống ở tay phải và dập dập vào lòng bàn tay trái cho phát ra âm thanh: Lách phách, lạch tà phạch... còn đội nhạc bên trong cầm phách bằng cách vừa gõ, vừa dùng ngón tay giữa và ngón cái điều khiển hai lỗ đao, phần lỗ hổng dưới ống dùng đập vào đùi tạo ra cường độ âm thanh dìu dặt, nghe như tiếng gió, tiếng mưa, tiếng gọi nhau đập vào vách núi, từ âm vang ấy, người múa say sưa chìm vào từng vũ điệu ngất ngây.

Thiếu nữ Khơ Mú Nghĩa Sơn (Văn Chấn) múa trong lễ hội cầu mùa. (Ảnh: Hoàng Đô)

Nghe ông Mè Văn Lún tả mới biết ông cũng là một nghệ nhân của bản. Ông cho biết ngày trước các đôi trai gái gọi nhau, tìm nhau cũng bằng ống đao, theo kiểu trai gái Thái tìm nhau bằng đàn tính tẩu ấy. Bây giờ thanh niên tìm nhau không biết dùng đao nữa nhưng đao luôn luôn gắn bó, gần gũi với người dân Khơ Mú mỗi mùa lễ hội, mỗi khi họ tìm đến niềm vui bên bè bạn, họ hàng…

Trong lao động, người dân cũng gửi niềm lạc quan vào âm hưởng núi rừng, đến nay người Khơ Mú Nghĩa Sơn vẫn giữ nét đẹp ấy trong lễ hội gieo hạt cầu mùa.

Hàng năm, vào đầu xuân, bà con tổ chức lễ cúng trời đất xin cho cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Sau bài cúng của thầy mo, lễ gieo hạt bắt đầu, dụng cụ trỉa đất tra hạt là những cành cây vót nhọn đầu dưới để chọc lỗ trên đất, phần ngọn treo những ống nứa to nhỏ kèm tua rua xanh, đỏ, tím, vàng, mỗi lần cây chọc xuống đất là các ống nứa trong gió va vào nhau tạo nên những âm thanh rộn ràng.

Tiếng cười nói, chuyện trò của người lao động xen lẫn tiếng đạo cụ làm cho không khí hội mùa thêm tưng bừng rộn rã, báo hiệu hạnh phúc ấm no đang đến, bà con cho rằng tiếng nhạc rừng càng to, càng rộn rã thì mùa này lúa càng nặng hạt, sắn củ càng to, ngô càng đầy bắp.  

Mỗi tộc người đều có vốn văn hóa đậm đà bản sắc, mỗi điệu múa, bài ca đều thấm đẫm ước vọng cuộc sống, khao khát niềm hạnh phúc, ấm no… Với đồng bào Khơ Mú, cuộc sống dẫu còn nhiều gian khó nhưng các điệu múa dân gian sẽ trường tồn cùng thời gian, gắn bó mãi mãi với bản làng, đó là báu vật trời ban tặng để suốt bốn mùa, mỗi khi chiêng trống nổi lên, mỗi khi tiếng tăng bu, tiếng đao, tiếng hát tơm, tiếng núi rừng vang lên là khi ấy mùa xuân về.

Nơi đây, mùa xuân luôn tràn ngập nếu vẫn còn đó những điệu dân ca, dân vũ.

Nguyễn Thị Thanh (293, tổ 10, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ)

Các tin khác

Ngày 1.1, tại Khu du lịch Biển Đông (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức lễ khai mạc Hội thi diều Việt Nam năm 2013.

Cao Thái Sơn hát nhép trong chương trình Quà tặng tình yêu tháng 6/2012 và đã bị phạt hành chính.

Đây là quy định mới trong Nghị định 79/2012 NĐ-CP của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực từ 1/1/2013.

Hiện tại, rất nhiều thành viên trong ban bình chọn của giải Oscar đang gặp vấn đề với việc bỏ phiếu online trên trang web bình chọn. Nguyên nhân chủ yếu là do các thành viên tuổi đã cao, không thể thực hiện các quy trình phức tạp do ban tổ chức yêu cầu.

Các hộ viên CLB biểu diễn phục vụ Đại hội Hội Cựu chiến binh tỉnh.

YBĐT - Chị Hồi mở chiếc đĩa CD chương trình văn nghệ của CLB chào mừng Đại hội Hội CCB tỉnh Yên Bái, tặng tôi một chiếc làm kỷ niệm. Lời bài hát “Hát mãi khúc quân hành” vang lên khiến lòng tôi xốn xang xúc động. Các anh, các chị, những người lính năm xưa vẫn đang hát vang khúc quân hành giữa cuộc sống đời thường bình dị hôm nay!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục