Văn Chấn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
- Cập nhật: Thứ bảy, 5/1/2013 | 9:28:54 AM
YBĐT - Văn Chấn là huyện rộng, có dân số gần 15 vạn người, là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống, nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc văn hoá dân gian độc đáo.
Tiết mục văn nghệ tham gia Liên hoan tiếng hát công nhân viên chức lao động huyện Văn Chấn năm 2012.
|
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII) “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Văn Chấn đã biến các thế mạnh về kinh tế, văn hóa của mình tạo thành vùng có sức hút mạnh mẽ đối với du khách.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Huyện ủy Văn Chấn đã xây dựng kế hoạch, nghiêm túc triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo đó, huyện đã chỉ đạo xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Sau 15 năm triển khai Nghị quyết, nhiệm vụ xây dựng con người và môi trường văn hoá ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, thực sự đi vào mọi mặt đời sống hàng ngày của nhân dân.
Việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm cho văn hóa càng thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào sinh hoạt, sản xuất và hoạt động xã hội.
Ông Sa Quang Phụng - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Một trong những giải pháp phát triển văn hóa dân tộc là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, kế thừa và phát huy truyền thống “Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Cùng với đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và các phong trào, các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức hàng năm đã góp phần không nhỏ trong việc tạo môi trường văn hoá lành mạnh, làm thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người phù hợp với lối sống văn hóa, đời sống văn hóa của mọi người dân; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy mạnh hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật...”.
Nhờ đó mà không gian văn hóa Mường Lò, Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã được biết đến với những điệu xòe, điệu múa sạp và các phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Thái, Tày, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú... Đến nay, toàn huyện đã có trên 250 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Bên cạnh đó, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện hàng năm còn tổ chức tuyên truyền, giao lưu trên 70 buổi.
Khuyến khích, tăng cường xây dựng các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ quần chúng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị nghệ thuật cao của dân tộc và nhân loại, công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng.
Hơn 10 năm qua, đã xuất bản 7 tập Văn nghệ Văn Chấn, sản xuất đĩa ca nhạc hát về quê hương Văn Chấn; tác giả Trần Văn Hạc với những tác phẩm thơ về Văn Chấn; tác giả Bùi Huy Mai đã có 3 tập khảo cứu dân tộc và bản sắc văn hóa vùng Văn Chấn Mường Lò; một số tác phẩm báo chí như: Người Dao Nậm Lành theo Đảng; Vùng cao Văn Chấn chuyển mình ... đã đạt được giải thưởng cao của Trung ương và ở tỉnh; các ca khúc về quê hương Văn Chấn được sáng tác như: “Suối Giàng ơi” của tác giả Đức Toàn; “Về miền Tây” của Bùi Huy Mai; “Đêm Mường Lò”: thơ Vũ Quý, nhạc Thanh Bình ...
Cùng với việc tổ chức định kỳ 2 năm một lần hội diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục các dân tộc; Hội thi tiếng hát công nhân viên chức lao động; hội diễn, giao lưu văn nghệ... được tổ chức thường xuyên đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tiết mục múa sạp của Đài TH-PT Văn Chấn tham gia liên hoan văn nghệ.
Theo ông Lường Văn Tâm - Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, thực hiện Đề án về “Nghiên cứu, khảo sát, xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, danh thắng” huyện đã hoàn thiện 15 hồ sơ di tích, 8 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 6 cấp tỉnh, 2 cấp quốc gia. Đến hết năm 2012 có 9/15 di tích được xếp hạng, qua đó bảo tồn các giá trị di tích, văn hóa đồng thời khơi dậy lòng tự hào về quê hương Văn Chấn, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh và huyện.
Xác định phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, những năm qua, công tác phát triển giáo dục - đào tạo được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng. Hệ thống giáo dục của huyện từ bậc mầm non, tiểu học, THCS đến THPT cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Toàn huyện đã có 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; 22 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và dự kiến đạt 100% vào tháng 6/2013.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các phương tiện thông tin đại chúng như: sách, báo, mạng lưới phát thanh - truyền hình, những năm qua huyện Văn Chấn cũng đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống; công tác bảo tồn di sản văn hoá tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia, phát huy di sản văn hoá dân tộc, phục hồi những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp.
Các lễ hội thường xuyên được tổ chức như: Lễ hội Lồng tồng, lễ hội Xên đông của dân tộc Thái, Hội Cầu mùa, lễ hội Tăm khẩu mẩu dân tộc Tày; lễ hội Cầu mùa dân tộc Khơ Mú; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; Ngày hội văn hoá dân tộc Mông...
Các phong tục tập quán tốt đẹp cũng được bảo tồn: lễ mừng cơm mới dân tộc Mông; lễ cưới dân tộc Khơ mú; Múa mỡi dân tộc Mường; lễ hội đón mẹ lúa dân tộc Khơ Mú; xây dựng, phục dựng nhà sàn truyền thống dân tộc Thái; nhà truyền thống dân tộc Mông; phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, phục dựng, bảo tồn và quảng bá du lịch nhiều giá trị văn hoá truyền thống dân tộc.
Chặng đường 15 năm thực hiện các nội dung Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ở Văn Chấn đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu đáng khích lệ. Đó sẽ là động lực quan trọng, tạo tiền đề giúp Văn Chấn thực hiện tốt hơn nội dung, yêu cầu của Nghị quyết trong những năm tiếp theo.
Văn Trường - Phan Tuấn
Các tin khác
Bộ VHTT&DL vừa chính thức công bố 10 sự kiện Văn hóa - Thể thao - Du lịch nổi bật năm 2012 theo Quyết định số 5128/QĐ-BVHTTDL được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL phê duyệt.
YBĐT - Nhận được tin từ anh Nguyễn Văn Hải người xã Hán Đà, huyện Yên Bình, phát hiện được một hiện vật nghi là trống đồng, cán bộ chuyên môn Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã đến nhà và hiện trường để xem xét, thẩm định và xác định đúng là trống đồng.
Những tấm thiệp với lời chúc tết hạnh phúc và bình yên, những gói quà xuân được trang trí đầy màu sắc...đã được hơn 200 văn nghệ sĩ cùng người dân TP.HCM gửi tặng chiến sĩ Trường Sa trong ngày hội Mùa xuân biển đảo diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM) chiều 3/1.