Gõ sạp đón khách - một nét đẹp văn hoá
- Cập nhật: Thứ hai, 28/1/2013 | 9:12:47 AM
YBĐT - Tục gõ sạp đón khách là một sinh hoạt văn hóa phổ biến của đồng bào Thái, Mường ở vùng Phú Thọ, Hòa Bình và một số tỉnh Tây Bắc xưa kia, trong đó có vùng Mường Lò (Nghĩa Lộ, Văn Chấn). Tục này thường được tổ chức vào dịp vui xuân, đám cưới, đám hỏi, mừng nhà mới, đón khách phương xa đến chơi.
Xuân Mường Lò.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Với tục này, gia chủ thường chuẩn bị cả chục cặp ống nứa to, già và dài khoảng 1,2 - 1,5m, lấy ở đoạn gốc để nứa có độ dày, cứng, âm thanh phát ra đanh hơn. Tất cả các ống nứa đều cắt bỏ mấu ở hai đầu để khi ống nứa trỗ xuống sàn nhà không phát ra âm thanh “cộc, cộc…” mà “thum, thum…”.
Khi đoàn khách đến nhà, tùy theo khẩu độ của lan can đầu trên cầu thang mà gia chủ bố trí số lượng các cô gái đứng cầm các cặp ống nứa gõ sạp đón khách bước vào nhà. Riêng với đám cưới, đám hỏi thì nhà gái thường bố trí khoảng 9 cặp ống, nhà trai bố trí 7 cặp. Các cô gái được giao nhiệm vụ gõ sạp đón khách phải là những cô gái đẹp, chưa chồng, giỏi văn nghệ, ứng xử, đối đáp. Cùng với các cô gái này, phía trong cùng lan can cầu thang có một người đánh trống cái giữ nhịp mà theo cách gọi dân gian Thái, Mường là người cầm chịch.
Khi đoàn khách bước vào đến cổng nhà là trên cầu thang tiếng trống, tiếng gõ sạp bắt đầu nổi lên. Người cầm chịch nếu đánh trống “tùng, tùng, tùng, cắc, cắc, cắc” thì các cô gái cũng trỗ ống nứa xuống sàn nhà theo nhịp “thum, thum, thum” rồi dập hai ống nứa vào nhau tạo thành âm “cộp, cộp, cộp”. Tuy nhiên, tiếng trống cầm chịch và tiếng gõ sạp sẽ biến tấu liên tục như: “tùng, tùng, cắc, tùng, tùng, cắc” hoặc là “cắc, tùng, tùng, tùng, cắc, tùng, cắc”… Mỗi khi có tiếng gõ sạp đón khách vang lên, không khí trong nhà, ngoài bản thật rộn ràng, náo nhiệt.
Đặc biệt, những người khách đến nhà khi bước lên cầu thang giữa những âm thanh rộn rã đó tinh thần cảm thấy rạo rực, phấn chấn vô cùng mà quên đi hết những mệt mỏi khi vừa đi bộ một quãng đường xa. Sự lạ lẫm, e dè của khách cũng tan biến, thay vào bằng một không khí thân thiện, sự kính trọng của gia chủ.
Khi khách đã ổn định chỗ ngồi, nghỉ ngơi, thực hiện các thủ tục xã giao, các cô gái gõ sạp chuyển sang việc mời nước, mời trầu khách quý. Đến khi ăn cỗ, các cô chính là chủ lực mời rượu và hát vui, đối đáp để tạo nên bầu không khí vui tươi giữa chủ và khách. Đến lúc khách ra về, các cô gái lại tiếp tục gõ sạp tiễn khách. Phía dưới 9 bậc cầu thang có 9 cô gái khác đứng ở 9 bậc rót rượu để mỗi người đi qua một bậc phải uống một chén. Tuy nhiên, uống rượu chỉ là cái cớ để níu chân khách, hò hẹn với nhau khiến cho khách ra về thấy lòng bịn rịn.
Những cuộc đón khách trong bản người Thái, người Mường xưa kia có thực sự để lại ấn tượng trong lòng khách quý hay không chính là nhờ một phần lớn ở vai trò của những cô gái gõ sạp và mời rượu. Các cô cũng chính là sợi dây liên kết tình cảm con người giữa các bản mường với nhau, nhất là sự liên kết trong tình yêu đôi lứa.
Cũng vì những giá trị nhân văn ấy mà ở nhiều nơi trong vùng Tây Bắc cũng như ở Mường Lò hiện vẫn duy trì, phát triển nét đẹp văn hoá này trong đời sống thường nhật cũng như trong hoạt động du lịch cộng đồng.
Khách du lịch trong và ngoài nước khi đến các xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ hoặc đến với các xã: Sơn A, Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương (Văn Chấn)… được hòa mình vào tiếng gõ sạp đón khách và không gian văn hoá của tộc người Thái, Mường ở đây đã khiến họ vô cùng thích thú.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Nhiều đất diễn và chạm tới bức xúc của dân năm vừa qua, Táo Dân sinh có thể coi tỏa sáng nhất đêm Táo quân 2013, tại buổi ghi hình tối 26-1 ở Cung Văn hóa Hữu nghị.
Ngoài Les Miserables (Những người khốn khổ) và Life of Pi (Cuộc đời của Pi) đã ra rạp, sắp tới có ít nhất 3 phim được đề cử Oscar hạng mục Phim hay nhất ra mắt khán giả Việt Nam.
Bắt đầu từ 20h05 ngày 25/1, bộ phim tài liệu dài 12 tập “Mậu Thân 1968” sẽ lần lượt được phát sóng hàng ngày trên kênh VTV1. Với độ dài 30 phút, mỗi tập phim sẽ là một câu chuyện cô đọng về sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc cách đây 45 năm.
Liên hoan phim quốc tế Rotterdam, Hà Lan lần thứ 42, chính thức khai mạc ngày 23/1 tại thành phố cùng tên với sự tham gia khoảng 3.000 khách, gồm đại diện các nền công nghiệp điện ảnh khắp nơi trên thế giới cùng các phóng viên.