23 tháng Chạp khởi đầu tết Việt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2013 | 2:35:30 PM

YBĐT - Chẳng biết ngày 23 tháng Chạp có từ bao giờ, chỉ biết đến ngày này, mọi gia đình người Việt đều tất bật sắm sửa lễ vật cúng tiễn ông Táo lên chầu trời. Đây được coi là nghi thức tâm linh mang ý niệm chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới và là sự kiện khởi đầu, báo hiệu tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt Nam chính thức bắt đầu.

Một bộ mã Táo quân có giá từ 15.000 - 50.000 đồng.
Một bộ mã Táo quân có giá từ 15.000 - 50.000 đồng.

Biết về sự tích ông Táo, ông Công qua chuyện cổ tích mẹ kể nên ngày còn nhỏ, tôi thích nhất là được theo mẹ đi chợ sắm đồ cúng lễ 23 tháng Chạp và càng háo hức hơn nếu ngày này lại đúng vào phiên chợ chính. Đồ mã rực rỡ các quầy hàng khô mà phiên chợ trước mẹ đưa tôi dạo qua hàng hóa vẫn như ngày thường, chưa có gì sôi động.

Chẳng biết ở đâu ra mà chợ nhiều cá chép vàng đến thế? Từ đầu chợ đến cuối chợ chỗ nào cũng có người bán cá chép sống mà toàn cá chép vàng mới đẹp chứ. Nghe mẹ bảo đấy là “ngựa” của ông Táo, ông Công lên chầu trời, tôi biết thế nhưng lòng đầy thắc mắc. Chợ đông như phiên ngày 30 tết. Đông nhất vẫn là khu bán hàng mã và các hàng bán cá chép sống.

Hình như loại đồ cúng ông Công, ông Táo và cả những chú cá chép vàng sặc sỡ màu sắc kia chỉ được dùng phục vụ người mua mỗi dịp này trong năm nên không mấy ai rời chợ mà thiếu những thứ ấy. Chiếc xe đạp cà tàng của mẹ cũng tùng tằng đồ trên ghi - đông: nào thì ông Táo, ông Công, rồi thì mấy quả cà chua đỏ ối, chiếc bắp cải tròn xoe, vài lạng hành, mùi…, lại thêm nải chuối tiêu chín vàng, ít thịt lợn để sắp mâm cơm cúng.

Tôi hãnh diện được mẹ giao cho xách túi cá chép mà trước khi đưa mẹ đã dặn đi dặn lại là phải cầm cẩn thận kẻo túi bóng rách, nước chảy hết lại chết “ngựa” của ông Táo…

Lớn lên tôi dần hiểu ngày 23 tháng Chạp thực sự có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Chẳng thế mà dù rằng cuộc sống hiện đại đã giải phóng cho người nội trợ trong không ít gia đình khỏi chiếc bếp củi nhọ nhem than khói, thì tục thờ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm vẫn không hề bị mai một.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, chuyện ông Táo gắn liền với sự tích về ba vị thần: Thổ Công (trông coi việc bếp), Thổ Địa (trông coi việc nhà cửa), Thổ Kỳ (trông coi việc chợ búa). Lệ tục này có nguồn gốc từ truyền thuyết mỗi tháng vua bếp lên trời một lần để báo cáo chuyện của mỗi nhà với thiên đình. Nhờ đó mà Thiên đình mới biết hết chuyện dương gian, từ chuyện làm ăn tới việc sinh hoạt của mỗi nhà, từ việc hay tới việc dở.

Về sau, tục tiễn đưa ông Táo về trời thay vì mỗi tháng một lần chỉ còn lại ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Người Việt rất coi trọng ba vị thần này. Người ta tin rằng, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, Táo Quân sẽ lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra ở hạ giới với Ngọc Hoàng, đến đêm giao thừa ngài mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Với ý niệm mong muốn một cuộc sống luôn đầm ấm, hạnh phúc, mọi người luôn thương yêu, qúy trọng nhau, bởi thế nên vào ngày này, dù công việc bận bịu đến đâu nhưng mọi gia đình đều không quên sửa biện mâm cơm cúng để tiễn đưa Ông Táo về trời. Ngoài hương hoa, tiền vàng áo mã theo thông lệ thì nghi thức tiễn Táo quân lên chầu trời không thể thiếu 3 con cá chép làm “ngựa”. Cũng có nhà dùng cá giấy nhưng hầu hết các gia đình đều mua cá chép sống để cúng lễ và phóng sinh.

Cũng như tuổi các con bây giờ, háo hức nhất sau cả tiếng đồng hộ chờ đợi mẹ làm lễ cúng tiễn ông Táo, ông Công về trời, ấy là lúc được mang những chú cá chép vàng đẹp mắt ra ao phóng sinh. Chiếc liễn nhỏ ngập dần trong nước, ba chú cá vàng được tự do về với thế giới của mình kết thúc nghi thức cuối cùng trong lễ cúng tiễn ông Táo.

Mong ước những điều tốt đẹp cho mọi thành viên trong gia đình ở năm mới được mẹ gửi vào thế giới tâm linh với tất cả lòng thành kính. Mâm cỗ cúng hợp với gia cảnh, bộ đồ mã ông Táo, ông Công cũng chỉ vừa tiền, 3 chú cá chép vàng của mẹ cũng không lớn nhưng đủ đầy thành tâm thành ý của cả một năm khó nhọc làm ăn, chăm lo vun vén hạnh phúc gia đình.

Theo tục lệ, sau lễ cúng tiễn ông Táo lên chầu trời là có thể bắt đầu công việc dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối hoặc cắm hoa ở những nơi trang trọng, khởi đầu cho hàng loạt các nghi thức truyền thống trong dịp tết cổ truyền của người Việt.

Phạm Minh

Các tin khác
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu.

Sáng nay - 4/5, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tổ chức khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi. Đây là công trình tiêu biểu của xã lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 79 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7/5/1945 - 7/5/2024).

(Ảnh: tuyengiao)

Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục