Chiếu chèo trên dãy Hoàng Liên

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 4:06:26 PM

YBĐT - Không chỉ mê đắm lòng người với những điệu xòe cổ làm ngây ngất lòng người, giờ đây Nghĩa Lộ còn được biết đến bởi những làn điệu chèo mượt mà, thấm đẫm tình quê.

Một buổi tập luyện của câu lạc bộ dân ca hương quê.
(Ảnh: Thu Hằng)
Một buổi tập luyện của câu lạc bộ dân ca hương quê. (Ảnh: Thu Hằng)

Họ là những người nông dân hằng ngày vẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng tối đến lại trở thành diễn viên, nhạc công, cùng nhau tập luyện các làn điệu, hoạt cảnh, điệu múa của môn nghệ thuật truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ quê hương.

Ở độ tuổi từ 40 đến trên 60, mỗi người một quê, người Thái Bình, Hà Nam, người Hà Tây, Nam Định..., Câu lạc bộ dân ca Hương Quê thị xã Nghĩa Lộ ra đời trong sự tình cờ, sự tự nguyện của những người cùng chung niềm mê say với tiếng hát chèo như một sự gửi gắm niềm thương nhớ của những người con xa quê một thời đi xây dựng kinh tế mới.

Hát cho vơi nỗi nhớ quê

Ở nơi quê mới, nỗi nhớ quê hương của những người như ông Phùng Chiến Khôi quê Phú Thọ cũng dần nguôi ngoai theo thời gian, bởi sự hòa đồng và niềm yêu thương, chia sẻ, gắn bó với người dân bản địa. Nhưng trong những buổi xã, phường tổ chức lễ hội, biểu diễn văn nghệ, những người xa quê hương như ông cảm thấy “lạc lõng” giữa những điệu xòe, điệu múa của người dân bản địa. Ý định ra đời đội hát chèo cũng bắt đầu từ đó.

Ông Phùng Chiến Khôi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hương Quê chia sẻ: Xuất phát từ thích ca hát, đam mê môn nghệ thuật này, mọi người tự nguyện tập hợp lại với nhau, ban đầu chỉ là một đội có 6 người. Khi xã, phường tổ chức lễ hội, văn nghệ quần chúng, chúng tôi tham gia, dần dần đã thu hút thêm một số thành viên với đủ thành phần, nông dân có, cán bộ, công chức có...

Tuy nhiên, khó khăn của những ngày đầu khiến ước mơ thành lập được một đội chèo “cây nhà lá vườn” chưa thể thực hiện ngay được. Cho đến tháng 2 năm 2003, Câu lạc bộ dân ca Hương Quê thị xã Nghĩa Lộ mới chính thức ra đời, có 10 thành viên, với sự tham gia của các diễn viên, nhạc công không chuyên, như: ông Nguyễn Xuân Kíp, ông Đăng Điệt, ông Nguyễn Xuân Nhiện, chị Lương Thị Hoa....

Ngày đó, hàng tuần vào những buổi tối thứ 5, khi ánh mặt trời khuất sau dãy Hoàng Liên, các thành viên tề tựu ở nhà chị Nguyễn Thị Xuân để tập luyện. Tiếng sáo véo von, trong trẻo do ông Kíp tấu lên hòa cùng tiếng đàn nhị, đàn tam réo rắt và giọng hát truyền cảm của ông Nguyễn Xuân Nhiện như xua tan đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống thường nhật.

Cho đến bây giờ, người dân ở thị xã Nghĩa Lộ đã quen với tiếng hát chèo của Hương Quê như đã và đang thân thuộc với điệu xòe Thái bản địa. Vào những đêm trăng thanh gió mát, tiếng trống chèo còn bay cao, xa hơn, đến tận Suối Thia và như thể vượt qua cả đỉnh Hoàng Liên. Mỗi khi cất tiếng hát, đưa điệu sáo, đánh nhịp trống, những người con từ miền xuôi lên vùng đất núi này sinh cơ lập nghiệp lại thấy như phần nào vơi bớt nỗi nhớ quê hương.

Nhưng không dừng ở việc “thỏa nỗi nhớ mong”, khi đã gắn bó với chiếu chèo rồi, mỗi thành viên của Hương Quê lại thêm phần tâm huyết nâng cao chất lượng chiếu chèo và tạo sự lan tỏa trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng. Đến nay, tiếng hát chèo của Hương Quê đã luôn có mặt trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội của địa phương và trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người dân thị xã miền Tây.

Hát để đoàn kết dân tộc

Chị Lò Thúy Quỳnh ở phường Tân An bảo: “Ngày trước, em cũng không thích nghe hát chèo bởi em nghĩ dường như nó chỉ dành riêng cho những người có tuổi nhưng càng nghe lại càng “cảm” được giai điệu ngọt ngào của giọng hát, rộn ràng của tiếng trống quyện với tiếng sáo véo von của chiếu chèo. “Yên Bái quê em”, “Trước tượng đài liệt sỹ”... là những làn điệu chèo mà em rất thích”.

Chị Lương Thị Hoa - phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hương Quê vui mừng chia sẻ: “Không chỉ người già thích, ngay cả nam nữ thanh niên bây giờ cũng thích nghe tiếng trống chèo. Vào những buổi câu lạc bộ luyện tập, rất nhiều nam nữ thanh niên kéo đến, đề nghị được chúng tôi hướng dẫn tập hát chèo”.

Tiếng về chiếu chèo Hương Quê ngày càng bay xa và “nổi như cồn”. Không chỉ các huyện lân cận như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải mà gần như cả tỉnh đều biết đến Hương Quê - câu lạc bộ hát chèo duy nhất của thị xã Nghĩa Lộ nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung. Nhiều người đã tìm đến câu lạc bộ để được nghe, được học những làn điệu chèo với mong muốn thành lập một câu lạc bộ hát chèo của địa phương mình. Trong nhịp sống hối hả hôm nay, nghệ thuật hát chèo vẫn đang được trân trọng, giữ gìn. “Chắc chắn sẽ không chỉ có một câu lạc bộ hát chèo ở Nghĩa Lộ, rồi sẽ có những câu lạc bộ chèo ở các địa phương khác ra đời” - ông Khôi khẳng định.

Bà Quách Thị Thu Nga - Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Chúng tôi đã tạo điều kiện tốt nhất để các hoạt động của Câu lạc bộ phát triển. Hơn thế, Phòng cũng chủ động tổ chức cho các thành viên được tập huấn nâng cao về chuyên môn, hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị, như: nhạc cụ, loa đài... dù chưa nhiều nhưng có ý nghĩa thiết thực động viên các thành viên Hương Quê nói riêng cũng như phong trào văn hóa, văn nghệ nói chung. Có thể nói, Câu lạc bộ có đóng góp lớn trong các hoạt động chung của địa phương, là một trong những lực lượng nòng cốt của phong trào văn hóa, văn nghệ ở thị xã Nghĩa Lộ và đang có tiếng vang rộng khắp”.

Thị xã Nghĩa Lộ đang vào mùa lễ hội, những tiếng khèn, điệu xòe vang vọng khắp vùng Mường Lò, xen vào đó là những điệu chèo truyền cảm, thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền. Giữa điệu xòe uyển chuyển, trong tiếng trống chèo rộn ràng, tình đoàn kết giữa các dân tộc thêm gắn bó.

Ngồi bên dòng Suối Thia, ông Khôi cất tiếng hát: “Nước suối Thia vẫn chảy, chứ nay con cá nó mới bơi lội, í í i i vùng vẫy, i tôi hỏi suối ơi thì nhớ chăng?! Tiếng hẹn hò xưa...” - những tâm sự của cõi lòng như đang gửi gắm trong từng câu hát.

Trần Minh

Các tin khác
Đĩa hài Táo Quân 2013 đã chính thức được phát hành, chương trình cũng lên sóng như dự kiến vào 20h đêm giao thừa.

Ngày 4-2, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chính thức ký văn bản đồng ý cho phép Đài Truyền hình Việt Nam phát hành đĩa hài “Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2013”.

YBĐT - Dân tộc Cao Lan, huyện Yên Bình (Yên Bái) không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào Cao Lan cũng vô cùng tinh tế. Một trong những món ăn mang đặc trưng riêng của người Cao Lan là bánh chim gâu.

YBĐT - Trong đời sống tâm linh của người dân Việt, ngày 23 tháng Chạp thực sự có một ý nghĩa quan trọng. Truyền đời qua các thế hệ, nét đẹp văn hóa ấy vẫn không hề bị mai một dù rằng cuộc sống xưa và nay đã có nhiều đổi khác.

YBĐT - Trong không khí mừng mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Quý Tỵ 2013 và chào mừng kỷ niệm 83 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tối 3/2, tại Trung tâm thành phố Yên Bái đã diễn ra chương trình Giao lưu văn hóa, văn nghệ với chủ đề: “Lời ca dâng Đảng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục