Để chữ Thái “Sống” trong cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/5/2013 | 9:34:26 AM

YBĐT - Trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa ở Nghĩa Lộ (Yên Bái), việc khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, nổi bật là văn hóa của đồng bào dân tộc Thái - một cộng đồng người chiếm tới gần 50% tổng dân số toàn thị xã rất được quan tâm, trong đó vấn đề khôi phục và bảo tồn chữ Thái cổ đã được đặc biệt chú trọng.

Hiện nay, những người am hiểu về chữ Thái ở Nghĩa Lộ có rất ít.
Ảnh: Nghệ nhân Lò Văn Biến trình diễn chữ Thái cổ trong lễ khai mạc Chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2011.
(Ảnh: Đặng Phương Lan)
Hiện nay, những người am hiểu về chữ Thái ở Nghĩa Lộ có rất ít. Ảnh: Nghệ nhân Lò Văn Biến trình diễn chữ Thái cổ trong lễ khai mạc Chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2011. (Ảnh: Đặng Phương Lan)

7 năm (2003 – 2010), với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự góp sức của các nghệ nhân giàu tâm huyết, 6 lớp học chữ Thái cổ đã được mở với sự tham gia của hơn 140 học viên. Ngoài ra, thị xã cũng đã biên soạn được tài liệu dạy và học tiếng Thái cho tỉnh, tham gia biên soạn khung tài liệu chữ Thái của 7 tỉnh có người Thái sinh sống...

Đó quả thực là những kết quả đáng ghi nhận và là nền tảng cho việc khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái không chỉ ở Nghĩa Lộ. Tuy nhiên, khi nhìn nhận vai trò của ngôn ngữ đối với văn hóa, nhất là khi văn hóa đã trở thành "bản sắc", cần được giữ gìn như một thứ tài sản vô giá của một cộng đồng người thì kết quả ấy, phải chăng còn vô cùng khiêm tốn?

Hiện nay, những người được xếp vào bậc nghệ nhân hay lão làng trong vấn đề am hiểu chữ Thái ở Nghĩa Lộ có rất ít. Ngoài cụ Lò Văn Biến - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc truyền dạy chữ Thái cổ thì chỉ có thầy Lò Tuyên Dung (học trò khóa 3 của cụ Biến) là đang góp sức mình vào việc trực tiếp truyền dạy chữ Thái, năm nay cũng đã 50 tuổi. Các bạn trẻ là con em của đồng bào dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ hầu như không biết chữ viết của dân tộc mình.

Theo các em chỉ có những người làm thầy mo mới biết viết chữ Thái. Vấn đề là hàng ngày các em vẫn giao tiếp với nhau bằng tiếng nói của dân tộc mình, các nét sinh hoạt của đồng bào các dân tộc nơi đây hầu như vẫn giữ nguyên được bản sắc từ trang phục, ẩm thực, nhà ở đến các sinh hoạt văn hóa dân gian.

Chính điều đó đã tạo nên những nét riêng có của Nghĩa Lộ - Mường Lò. Khi chữ viết là một trong những phương tiện đắc lực giúp lưu trữ, đồng thời là biểu hiện của ký ức văn hóa của cộng đồng, là một trong những phương tiện chính để lưu truyền văn hóa thì nói một cách công bằng đa phần người Thái ở Nghĩa Lộ đang nằm trong tình trạng "mù chữ" mẹ đẻ.

Trong sự giao thoa, hội nhập, tiếng Việt có thể được sử dụng để thay thế chữ Thái đảm nhiệm vai trò của một ngôn ngữ chính thống trong đời sống đồng bào. Nhưng cũng giống như tất cả những nét văn hóa đặc sắc nơi đây, chữ Thái cũng rất cần được nâng niu, trân trọng, rất cần được chính đồng bào dân tộc Thái am hiểu, sử dụng, được trở về đúng vai trò của chữ "mẹ đẻ". Bản thân chữ Thái cũng mang nhiều tinh hoa, giống như chúng ta vẫn nói về tiếng Việt. Chữ Thái, trước hết là sự hội tụ của lịch sử, tinh thần và tâm hồn người Thái.

Trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2003 - 2010, có 140 người đã tham gia lớp học chữ Thái với 6 lớp học được mở. Như vậy, bình quân, mỗi năm chỉ có hơn 20 người học chữ Thái. Năm 2011, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng và thông qua Đề án xây dựng thị xã văn hóa miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2015, là đề án điều chỉnh, bổ sung đề án giai đoạn 2003 - 2010 do có một số chỉ tiêu chưa cán đích. Trong đề án giai đoạn mới, vấn đề bảo tồn chữ viết các dân tộc là một trong những nhiệm vụ nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

 

Trong 7 năm (2003 - 2010), bình quân mỗi năm chỉ có hơn 20 người học chữ Thái. Ảnh: Cho chữ Thái lấy lộc đầu xuân. (Ảnh: Đình Thi)

Từ giữa tháng 3/2013, một lớp học chữ Thái với sự tham gia của hơn 40 học viên hội tụ nhiều thành phần: từ công nhân viên chức đến người dân, từ các cụ già đến em nhỏ, có cả những người là con em dân tộc Thái và cả những người không phải người Thái nhưng ham thích ngôn ngữ này đang theo học.

Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn sẽ có bao nhiêu người có thể theo đuổi đến hết khóa học. Và trong tổng số 140 người đã học những khóa trước, hơn 40 người đang theo học khóa mới có bao nhiêu người thực sự viết thành thạo loại chữ viết này? Có bao nhiêu người như thầy Dung có thể nối tiếp con đường truyền dạy chữ Thái cho đồng bào, trước nhất là cho con em đồng bào dân tộc Thái và những người có nhu cầu? Trò chuyện với thầy Dung, tôi hiểu những trăn trở của thầy đối với công việc thầy đang làm cũng như niềm vui khi có một ai đó thực sự tâm huyết với lớp học...

"Thị xã văn hóa" thực chất chỉ là một quy chuẩn. Mà mỗi quy chuẩn chỉ có tính tạm thời, giá trị của nó chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Điều mà chúng ta hướng tới là tính lâu dài, bền vững. Đối với ngôn ngữ các dân tộc bản địa ở thị xã Nghĩa Lộ nói chung và ngôn ngữ Thái nói riêng liệu có nên dừng lại ở mức khôi phục, bảo tồn? Nếu như Nghĩa Lộ nổi bật với văn hóa dân tộc Thái và bản sắc văn hóa ấy vẫn còn hiện hữu rõ ràng trong đời sống của người dân nơi đây thì việc khôi phục, bảo tồn, theo tôI, chỉ như mang một di vật vào trong tủ kính. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng, ngôn ngữ bản thân nó không phải là một di vật chết.

Đã có những câu chuyện xung quanh việc nhiều cán bộ công tác ở khu vực miền núi, vùng cao tham gia các lớp học tiếng, học chữ của đồng bào dân tộc nơi mình công tác không phải vì mục đích tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm phục vụ cho công tác mà là vì một quy định nào đó quy đổi chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số sang chứng chỉ ngoại ngữ... Mục đích ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Ngôn ngữ, trước hết là biểu hiện rõ ràng nhất của văn hóa, thậm chí ngôn ngữ chính là văn hóa. Điều đó chứng tỏ nội tại nó luôn vận động và sự tồn vong của ngôn ngữ đồng nghĩa với sự tồn vong của văn hóa. Chúng ta thử đặt ra một giả thiết, nếu chữ Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò hoàn toàn biến mất thì những bản sắc riêng có của vùng đất này liệu có còn tồn tại? Hoặc còn tồn tại thì có chăng cũng chỉ là sự lai căng và biến chất. Mà như vậy thì người Nghĩa Lộ không thể tự hào và gọi những thứ mình có là "đặc sắc" được nữa.

Thiết nghĩ, để khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ nói riêng, vùng Mường Lò nói chung rất cần chú trọng vào việc đưa ngôn ngữ các dân tộc, cụ thể là chữ viết hòa chung với đời sống của người dân. Trước hết, đồng bào cần phải biết và sử dụng được chữ viết của dân tộc mình.

Nếu mỗi lớp học chữ Thái được tổ chức một cách bài bản, có thông báo rộng rãi trong quần chúng thì chắc chắn con số học viên mỗi năm không dừng lại ở mức độ vô cùng khiêm tốn như hiện nay. Và việc nhân rộng lớp học trong nhân dân bằng các hình thức khuyến khích những người có tâm như cụ Biến, thầy Dung,... sẽ không phải là một điều quá khó. Hơn nữa, các cấp chính quyền thị xã cũng rất cần một sự nghiên cứu thỏa đáng để có biện pháp đưa ngôn ngữ bản địa đi vào đời sống của đồng bào, tránh tình trạng hình thức, đánh trống bỏ dùi. Chắc chắn không ít người sẽ phải suy ngẫm về chuyện có những học viên đã qua tới 3 khóa học chữ Thái mà vẫn loay hoay "vẽ chữ" như mới lần đầu tập viết. Đó quả là chuyện "cười ra nước mắt"!

Nguyễn Thu Phong

Các tin khác
Ông John Ramsden tại buổi triển lãm.

Một triển lãm ảnh về cuộc sống thường ngày ở Hà Nội trong những năm đầu 1980 do một nhà ngoại giao Anh chụp đã khai mạc tại thủ đô London ngày 3/5.

Hai bức tranh sẽ được bán đấu giá của Picasso

Lần đầu tiên kể từ khi Pablo Picasso (1881-1973) qua đời cách đây 40 năm, Marina Picasso - cháu nội của danh họa - đồng ý bán hai bức tranh trong tài sản thừa kế để lấy tiền làm từ thiện.

Cố nghệ sĩ hài Văn Hiệp.

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đang xem xét đặc cách phong tặng danh hiệu cho cố nghệ sĩ hài Văn Hiệp.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô Huế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục