Giữ gìn múa Mỡi

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2013 | 9:06:38 AM

YBĐT - Điệu múa Mỡi đang dần được khôi phục và đã trở thành một phần trong cuộc sống của người Mường ở Quy Mông. Tuy nhiên, để lưu truyền và phát triển điệu múa đặc sắc này thì còn nhiều khó khăn.

Người Mường có nguồn gốc từ huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã di chuyển theo sông Hồng lên cư trú tại xã Quy Mông (Trấn Yên) cách đây khoảng 150 năm về trước. Họ sống thành cộng đồng trong làng Mường, hiện người Mường chiếm khoảng 40% dân số xã Quy Mông với trên 2.000 nhân khẩu. Hiện nay, người Mường ở Quy Mông vẫn còn lưu giữ được một số nét đặc trưng về văn hóa truyền thống của dân tộc như dựng cây đu đầu xuân, trồng cây nêu vào ngày tết, đặc biệt điệu múa “Mỡi” rộn ràng, sôi động vẫn đang được người dân gìn giữ và lưu truyền.

Điệu múa Mỡi đã có từ xa xưa, trải qua bao đời trên mảnh đất này nhưng từ  thời kỳ kháng chiến Pháp, chống Mỹ, do điều kiện chiến tranh mà điệu múa mà đã ít nhiều bị mai một. Những người biết múa, biết hát điệu Mỡi ngày càng ít dần đi. Nghệ nhân Hà Thị Hiên (đã 81 tuổi) giờ đây là người duy nhất còn nhớ được điệu múa này để truyền dạy cho thế hệ sau. Hiện nay, tại thôn Lập Thành, xã Quy Mông đã thành lập được một đội múa Mỡi với 10 thành viên nhưng thể hiện được những bài hát vẫn chỉ có một mình nghệ nhân Hà Thị Hiên.

Đặc trưng của điệu múa Mỡi của người Mường ở Quy Mông chủ yếu mô phỏng lại các hoạt động trong lao động sản xuất, trồng cấy lúa nước từ khâu cầy bừa, làm đất, gieo mạ, gặt lúa với mong muốn cầu cho một năm thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy kho. Người già trong làng bảo rằng múa Mỡi đã có từ rất lâu, không ai nhớ rõ là từ khi nào.

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu năm mới (từ mùng 3 đến mùng 7 tháng Giêng Âm lịch), mọi người lại tụ tập nhau lại để múa mời tổ tiên xuống trần gian vui chơi, nhảy múa cùng con cháu. Thêm nữa, điệu múa này cũng chính là để cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Bên cạnh đó còn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ… Đến với lễ hội, trai gái trong làng đều mặc những trang phục truyền thống, đặc biệt trang phục của người phụ nữ Mường còn giữ được nét độc đáo, áo ngắn thường xẻ ở ngực, váy dài đến mắt cá chân, cạp váy nổi bật bởi các hoa văn được trang trí rất đẹp; đầu đội khăn màu trắng hình chữ nhật.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, điệu múa này đang dần sống lại một cách sinh động nhờ sự nhiệt tình của nghệ nhân Hà Thị Hiên. Hiện chị em trong đội múa Mỡi của thôn đã có thể biểu diễn thuần thục điệu múa dưới sự hướng dẫn truyền dạy của nghệ nhân Hiên.

Điệu múa Mỡi đang dần được khôi phục và đã trở thành một phần trong cuộc sống của người Mường ở Quy Mông. Tuy nhiên, để lưu truyền và phát triển điệu múa đặc sắc này thì còn nhiều khó khăn. Đơn cử như, trong điệu múa cần có người hát chính những bài hát cổ (trước đây được hát theo tiếng Mường, hiện nay đã phiên âm sang tiếng phổ thông) nhưng vẫn chỉ có người nghệ nhân đã 81 tuổi hát được. Vì vậy, cần có biện pháp hướng dẫn và tập luyện cách hát, cách biểu diễn những bài hát này cho các thành viên trong đội múa Mỡi, đồng thời cần tìm ra những bạn trẻ có năng khiếu để truyền dậy.

Bên cạnh đó, trong điệu múa này cần có sự tham gia của cả nam và nữ nhưng hiện nay cả đội toàn bộ là nữ nên khi múa thì một nửa trong số đó phải cải trang bằng cách mặc trang phục của nam giới, chính vì thế đã làm mất đi một phần đặc sắc của điệu múa. Đặc biệt, ý nghĩa của điệu múa Mỡi là cầu mùa, cầu duyên nên cần có sự tham gia của cả cộng đồng chứ không phải chỉ dừng lại ở việc thành lập một đội với khoảng chục thành viên để biểu diễn trong các dịp có sự kiện ở địa phương.

Hiện nay, thành phần chính của đội múa Mỡi lại là những người phụ nữ đã có chồng ở tuổi trung niên mà chưa có sự tham gia của lực lượng thanh, thiếu niên, chính điều này cũng làm cho điệu múa thiếu đi nhưng nét hấp dẫn, thu hút người xem, người tham gia.

Có thể nói, văn hóa người Mường rất đặc sắc, phong phú và múa Mỡi là một đặc trưng, điệu múa truyền thống này mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Những khát vọng và ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được người Mường gửi gắm vào điệu múa và những nét tinh tế, đặc sắc này. Mỗi người cần biết trân trọng và có ý thức trong việc gìn giữ, phát triển để lưu truyền cho thế hệ sau.

Thanh Tiến

Các tin khác

Nhà thiết kế trẻ Đặng Hải Yến – top 7 Project Runway Việt Nam mùa thứ nhất vừa hoàn thành 50 bộ trang phục cho các “ca sĩ nhí” của vòng thi Ghép đôi – chương trình Đồ Rê Mí Đôi 2013.

Tham dự Liên hoan có 37 thí sinh đến từ 14 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.

Đây là cuộc triển lãm quy mô và lớn nhất từ trước đến nay với nhiều hiện vật, bản đồ lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng.

Hoa hậu Quý bà Thế giới April Lufriu từng đến Việt Nam mừng TS Kim Hồng (trái) nhận danh hiệu Đệ nhất Hoa hậu Quý bà thế giới.

Chủ tịch Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới, David Marmel đã chính thức gửi thư mời Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới, TS Đoàn Thị Kim Hồng làm giám khảo đặc biệt của cuộc thi Hoa hậu Quý bà Mỹ năm 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục