Làng văn phịa “Chuyện làng văn”

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/8/2013 | 9:18:15 AM

YBĐT - Nữ sĩ Anh Thơ (1918 - 2005) nổi tiếng với tập thơ đầu tay “Bức tranh quê” được giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1939. Bà tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, vào Ban chấp hành khóa I và khóa II sau đó công tác ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Anh Thơ đã nhận giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.
Tuy lấy bút danh là Anh Thơ nhưng cuộc đời thơ văn và đời tư của nữ sĩ không được êm ả như bà hằng mong. Năm 15 tuổi bà làm thơ, bị cha cấm đoán. Bà lấy chồng muộn, lại không có con, sau nhận cháu Cẩm Thơ làm con nuôi. Cẩm Thơ là một cô bé làm thơ nổi tiếng, cùng thời với “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa và Chu Hồng Quý, Hoàng Hiếu Nhân… đầu những năm 1960 của thế kỷ trước.

Trước lúc Anh Thơ mất ít năm (khoảng năm 2000), tạp chí “Ước mơ xanh” số 16 xuất bản ở Hà Nội có đăng một bài thơ nói là thơ Nguyễn Bính viết trước năm 1945 tặng Anh Thơ. Xem xong nội dung bài thơ, thấy “chuyện bịa y thật”, bà Anh Thơ lấy làm buồn bực, liền gọi điện cho nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đến khu phố Văn Chương (nơi Anh Thơ đang ở), khi gặp nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bà Anh Thơ đưa tờ tạp chí nói trên rồi đọc nguyên văn bài thơ ấy như sau:

Anh đi chẳng hẹn ngày về
Chỉ thề ai buộc, tóc thề ai chôn
Muốn gì, em muốn gì hơn
Hôn hoàng nay lại hoàng hôn mai ngày
Môi khô, tóc liễu, thân gày
Anh xa, em kẻ lông mày với ai?
Thơ không làm trọn một bài
Đàn không gượng gảy một vài khúc ngâm
Ông tơ già lắm nên nhầm
Ai cho sum họp, ai làm chia phôi
Chẳng thà đừng kết duyên đôi
Có cho đoàn tụ để rồi xa nhau
Tính năm tính tháng thêm vào
Ấy hai con én ngang lầu bay bay…

Tám chữ đầu câu đọc thành: “Anh chỉ muốn hôn môi Anh Thơ. Đàn ông ai chả có tính ấy”. Dưới bài thơ ấy là những dòng: “Trong e lệ và lo ngại, Anh Thơ vẫn cảm động tặng lại Nguyễn Bính một nụ hôn in hằn vết son trên má. Và mặc dù mọi người chế giễu, Nguyễn Bính vẫn khăng khăng giữ lại vết son ấy đến mấy ngày”.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nghe xong bài báo và bài thơ ấy chưa kịp bình luận thì nữ sĩ Anh Thơ tức giận nói với Phan Thị Thanh Nhàn:

 - Em có thấy như thật không? Thật là quá lắm, chị còn sống sờ sờ mà họ dám bầy đặt như vậy đấy. Bài thơ có phải của Nguyễn Bính hay không, chị không biết. Nhưng chắc là không phải. Em bảo có ai yêu mà lại làm thơ sỗ sàng như vậy không? ừ cứ cho là thơ đùa đi nữa, nhưng bản thân chị chưa bao giờ đọc, chưa nghe ai nói. Lại còn chuyện chị cảm động đáp lại một nụ hôn nữa chứ. Em biết thời chị và Nguyễn Bính như trong bài báo nói, là trước năm 1940, tức cách đây hơn nửa thế kỷ trước làm sao có chuyện như vậy được?.

Thấy nhà thơ Anh Thơ bức xúc phản ứng quyết liệt, Phan Thị Thanh Nhàn bình tĩnh xoa dịu:

- Có gì đâu mà chị giận dữ thế. Được Nguyễn Bính yêu cũng vui chứ chị!

Nữ sĩ Anh Thơ vẫn khăng khăng:

- Không, em phải viết thanh minh cho chị, phải làm để các báo biết tôn trọng sự thật. Ai lại ở ngay Hà Nội có xa xôi gì và phải hỏi chị xem có đúng thế không, chị e rằng cứ phịa theo kiểu này thì chân dung các nhà văn sẽ bị méo mó hết…

Thực hiện mong muốn này của Anh Thơ, sau khi bà mất đi ít ngày, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã viết bài “Chị Anh Thơ đã tâm sự cùng tôi” kể lại chuyện “phịa y thật về Anh Thơ với thơ Nguyễn Bính tặng Anh Thơ” in trên tạp chí Nhà văn số 4-2005 để thanh minh cho bà.

Đây cũng là bài học về tôn trọng sự thật và ý nguyện của các văn sĩ, thi nhân, danh nhân đã khuất nhắc nhở người viết chuyện làng văn chớ phịa… chuyện làng văn, không nhân văn!

Lê Hồng Thiện

Các tin khác
Nhật Minh và Quỳnh Giao

Cô bé đến từ mảnh đất Cần Thơ đã làm bừng sáng sân khấu Đồ Rê Mí trong đêm Ghép đôi cuối cùng.

Chương trình nhằm bảo tồn và quảng bá đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của phương Nam.

Cảnh chen lấn nhau tại khu

“Biển chết” tại Trung Quốc được xem là khu nghỉ mát đông đúc nhất hành tinh với số lượng khách tắm chen lấn nhau lên đến hàng nghìn người.

Từ ngày 9/8/2013 vào 20h30 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ công chiếu bộ phim truyền hình đề tài xã hội, 32 tập “Trò đời”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục